Cân bằng thân tâm – 31 – cánh cửa tới tâm thức

YduocNHH 07/12/2017

Cân bằng thân tâm – 31 – cánh cửa tới tâm thức

31. Cánh cửa tới tâm thức

Hàng triệu người đang sống theo tấm gương. Họ nghĩ rằng điều họ thấy trong gương là khuôn mặt của mình. Họ nghĩ đây là tên họ, đây là căn cước của họ và có vậy thôi.

Bạn sẽ phải đi sâu hơn một chút. Bạn sẽ phải nhắm mắt lại. Bạn sẽ phải quan sát bên trong. Bạn sẽ phải trở nên im lặng. Chừng nào bạn còn chưa đi tới điểm tuyệt đối im lặng bên trong, bạn sẽ không bao giờ biết được mình là ai. Tôi không thể nói điều đó cho bạn được. Không có cách nào để nói nó. Mọi người đều phải tìm ra nó.

Nhưng bạn hiện hữu – chừng đấy là chắc chắn. Câu hỏi duy nhất là, đạt tới cốt lõi bên trong nhất của mình, tìm ra bản thân mình. Và đó là điều tôi đã từng dạy ngần ấy năm này. Điều tôi gọi là thiền thì không là gì ngoài phương cách để tìm ra bản thân bạn.

Đừng hỏi tôi. Đừng hỏi bất kì ai. Bạn có câu trả lời bên trong bạn, và bạn phải đi sâu vào bản thân mình để khám phá ra nó. Và nó gần thế – quay một trăm tám mươi độ và bạn sẽ đối diện với nó.

Và bạn sẽ ngạc nhiên rằng bạn không phải là cái tên của mình, bạn không phải là khuôn mặt của mình, thân thể mình, bạn thậm chí không là tâm trí mình.

Bạn là một phần của toàn thể sự tồn tại này, của mọi cái đẹp, cái vĩ đại, phúc lạc, niềm cực lạc vô cùng của nó.

Biết tới bản thân mình là mọi điều tâm thức ngụ ý.

Thân thể trong bản thân nó không là gì cả. Nó chói sáng bởi vì cái gì đó bên ngoài thân thể. Sự huy hoàng của thân thể không phải ở trong bản thân thân thể – thân thể là người chủ – sự huy hoàng là bởi vì người khách. Nếu bạn quên mất người khách, thế thì điều đó là sự mê đắm cực kì. Nếu bạn nhớ tới người khách, thế thì yêu mến thân thể, mở hội thân thể là một phần của tôn thờ.

Tôn thờ hiện đại về thân thể là vô nghĩa. Mọi người cứ chạy theo thức ăn lành mạnh, xoa bóp, thể dục thể hình, và theo cả nghìn lẻ một cách họ bằng cách nào đó cố gắng tạo ra ý nghĩa trong các kiếp sống của mình. Nhưng nhìn vào mắt họ; sự trống rỗng lớn lao tồn tại. Bạn có thể thấy họ đã lỡ. Hương thơm không có đó, hoa đã không nở. Sâu bên trong, họ giống như sa mạc, mất hút, chẳng biết làm gì. Họ cứ làm nhiều điều cho thân thể, nhưng lại bỏ lỡ mục tiêu.

Tôi đã nghe một giai thoại:

Rosenfeld đi vào nhà với cái cười toe toét trên mặt. “Em sẽ sẽ chẳng bao giờ đoán được anh vừa mặc cả cái gì,” anh ta nói với vợ. “Anh mua bốn tấm vải nhân tạo, dây lưng thép, tấm phủ bậc thang toả tròn, giấy dán tường trắng, bánh xe dầu dãi nắng mưa, mà lại bán hạ giá nữa!”

“Anh có dở hơi không đấy?” bà Rosenfeld nói. “Anh mua bánh xe để làm gì? Anh thậm chí không có cả xe ô tô.”

“Vậy,” Rosenfeld nói, “em mua quán bia, phải không?”

Nếu trung tâm bị bỏ lỡ thì bạn có thể cứ trang điểm ngoại vi. Nó có thể lừa người khác, nhưng nó không thể thoả mãn bạn được. Nó thậm chí đôi khi có thể lừa bạn, bởi vì ngay cả lời nói dối riêng của người ta được lặp lại quá nhiều lần bắt đầu có vẻ giống như chân lí. Nhưng nó không thể thoả mãn cho bạn được, nó không thể cho bạn sự mãn nguyện. Con người hiện đại đang cố gắng vất vả để tận hưởng cuộc sống, nhưng dường như không có hân hoan. Nhớ điều đó: bất kì khi nào bạn đang cố gắng tận hưởng bạn sẽ bỏ lỡ. Khi bạn đang cố gắng đạt tới hạnh phúc bạn sẽ lỡ.

Chính nỗ lực đạt tới hạnh phúc là ngớ ngẩn – bởi vì hạnh phúc là ở đây: bạn không thể đạt được nó. Không cái gì phải được làm về nó cả, bạn phải đơn giản cho phép nó. Nó đang xảy ra, nó là tất cả xung quanh bạn; bên trong, bên ngoài, chỉ hạnh phúc hiện hữu. Chẳng cái gì khác là thực. Quan sát, nhìn sâu vào trong thế giới, trong cây cối, chim chóc, đất đá, dòng sông, vào trong các vì sao, mặt trăng và mặt trời, vào con người, con vật – nhìn sâu: sự tồn tại được làm ra từ chất liệu của hạnh phúc, vui vẻ. Nó được làm từ phúc lạc. Chẳng có gì được làm về nó. Chính việc làm của bạn có thể là rào chắn. Thảnh thơi và nó đáp ứng bạn; thảnh thơi và nó xô vào bạn; thảnh thơi, nó tràn ngập bạn.

Con người hiện đại bị căng thẳng. Căng thẳng nảy sinh khi bạn săn đuổi cái gì đó, thảnh thơi nảy sinh khi bạn cho phép cái gì đó.

Con người hiện đại đang săn đuổi, săn đuổi vất vả, cố gắng lấy cái gì đó từ cuộc sống, cố gắng thúc ép cuộc sống. Chẳng cái gì bắt nguồn từ điều đó bởi vì đó không phải là cách thức. Bạn không thể thúc ép cuộc sống được; bạn phải buông xuôi theo nó. Bạn không thể chinh phục cuộc sống được. Bạn phải dũng cảm để bị cuộc sống đánh bại. Thất bại là chiến thắng ở đó, và nỗ lực để chiến thắng sẽ chứng tỏ chẳng là gì ngoài thất bại cuối cùng, hoàn toàn của bạn.

Cuộc sống không thể bị chinh phục bởi vì bộ phận không thể chinh phục được toàn thể. Cũng dường như là giọt nước nhỏ đang cố gắng chinh phục đại dương. Vâng, giọt nước nhỏ có thể rơi vào trong đại dương và trở thành đại dương, nhưng nó không thể chinh phục được đại dương. Thực tế, việc rơi vào trong đại dương, trượt vào trong đại dương là cách chinh phục.

Con người hiện đại đang cố gắng tìm ra hạnh phúc, do đó mới có quan tâm quá mức tới thân thể. Điều đó gần như ám ảnh. Nó đã đi ra ngoài các giới hạn của mối quan tâm, nó đã trở thành ám ảnh: liên tục suy nghĩ về thân thể, làm điều này điều nọ, đủ mọi thứ. Con người đang làm nỗ lực để có tiếp xúc nào đó với hạnh phúc qua thân thể. Điều đó là không thể được.

Và điều thứ hai: tâm trí hiện đại mang tính cạnh tranh. Không nhất thiết là bạn có thể thực sự trong tình yêu với thân thể mình; bạn có thể chỉ cạnh tranh với người khác. Bởi vì người khác đang làm mọi việc, bạn phải làm việc đó. Tâm trí hiện đại là tâm trí nông cạn, tham vọng nhất đã từng tồn tại trên thế giới. Đó chính là tâm trí cơ sở, trần tục. Đó là lí do tại sao doanh nhân đã trở thành thực tại cao quí nhất ở Mĩ. Mọi thứ khác đều mờ đi trong bối cảnh; doanh nhân, người kiểm soát tiền bạc mới là thực tại cao quí nhất. Ở Ấn Độ, trong hàng thế kỉ brahmin là thực tại cao quí nhất – người tìm kiếm Thượng đế. Ở châu Âu người quí tộc là thực tại cao quí nhất – có văn hoá tốt, có giáo dục, tỉnh táo, hài hoà với sắc thái tinh tế của cuộc sống: âm nhạc, nghệ thuật, thơ ca, điêu khắc, kiến trúc, vũ cổ điển, ngôn ngữ, tiếng Hi Lạp và La tinh. Người quí tộc, người đã được ước định theo các giá trị cao hơn của cuộc sống trong nhiều thế kỉ, đã là thực tại cao quí nhất ở châu Âu. Ở nước Nga xô viết người vô sản, người bị áp bức, người bị đàn áp, người lao động là thực tại cao quí nhất. Ở Mĩ đó là doanh nhân, người kiểm soát tiền bạc.

Tiền bạc là cõi cạnh tranh nhất. Bạn không cần có văn hoá, bạn chỉ cần có tiền. Bạn không cần biết gì về âm nhạc, không cần biết gì về thơ ca. Bạn không cần biết gì về văn học cổ điển, lịch sử, tôn giáo, triết học – không, bạn không cần biết. Nếu bạn có số dư ngân hàng lớn, bạn là quan trọng. Đó là lí do tại sao tôi nói đây là tâm trí nông cạn nhất đã từng tồn tại. Và tâm trí này đã biến mọi thứ thành thương mại. Tâm trí này liên tục trong cạnh tranh. Ngay cả bạn mua tranh của Van Gogh hay Picasso, bạn cũng không mua nó vì Picasso. Bạn mua bởi vì nhà hàng xóm đã mua. Họ có tranh của Picasso trong phòng khách của họ, cho nên làm sao bạn chịu được việc không có nó? Bạn phải có nó. Bạn có thể không biết gì – bạn thậm chí có thể không biết cách treo nó, bên nào là bên nào. Bởi vì khó mà biết được, khi có liên quan tới Picasso, liệu bức tranh có bị treo lộn ngược hay lẫn phải trái không. Bạn có thể không biết tí gì liệu đó là tranh đích thực của Picasso hay không. Bạn có thể không nhìn vào nó chút nào, nhưng bởi vì những người khác có nó và họ đang nói về Picasso, bạn phải trưng bầy văn hoá của mình. Bạn đơn giản trưng bầy tiền của mình thôi. Cho nên bất kì cái gì đắt đều trở thành có ý nghĩa; bất kì cái gì đắt đều được coi là có ý nghĩa.

Tiền và hàng xóm dường như là tiêu chuẩn duy nhất để quyết định mọi thứ: xe ô tô của họ, nhà của họ, tranh của họ, trang trí của họ. Mọi người đều có nhà tắm hơi trong phòng tắm của mình không phải bởi vì họ yêu thân thể mình, không nhất thiết vậy, mà bởi vì nó là cái có ở ‘trong’ – mọi người phải có nó. Nếu bạn không có nó, bạn có vẻ nghèo hèn. Nếu mọi người đều có nhà trên núi, bạn phải có nó. Bạn có thể không biết cách tận hưởng núi non; bạn có thể đơn giản bị chán ở đó. Hay bạn có thể đem ti vi và radio của mình tới đó và nghe cùng đài phát thanh bạn vẫn nghe ở nhà, và xem cùng chương trình ti vi như bạn vẫn xem ở nhà. Có tạo ra khác biệt gì đâu nơi bạn ngồi, trên núi non hay trong phòng riêng của bạn? Nhưng người khác có nó. Nhà xe chứa bốn xe ô tô là cần thiết; người khác có nó mà. Bạn có thể không cần bốn xe.

Tôi đã nghe….

Già Luke và vợ ông ấy được biết tới như một đôi keo kiệt nhất trong châu thổ. Luke chết và vài tháng sau vợ ông ấy nằm chết. Bà ấy gọi hàng xóm tới và nói một cách yếu ớt, “Ruthie, chôn tôi trong bộ y phục lụa đen, nhưng trước khi làm điều đó, cắt ở phía lưng ra và làm một bộ y phục mới từ nó. Nó là chất liệu tốt và tôi ghét làm phí hoài nó.”

“Không thể làm điều đó được,” Ruthie nói. “Khi bác và Luke bước lên cầu thang vàng, các thiên thần sẽ nói gì nếu bộ y phục của bác lại không có phần lưng?”

“Họ sẽ không nhìn tôi đâu,” bà ấy nói. “Tôi đã chôn Luke không mặc quần.”

Mối quan tâm bao giờ cũng là về người khác – Luke sẽ ở đó mà không có quần cho nên mọi người sẽ nhìn vào ông ấy. Mối quan tâm của người Mĩ là về người khác….

Bạn có quan sát đứa trẻ đang chạy nhảy, hò hét, nhảy múa chẳng vì cái gì hết cả – bởi vì nó chẳng có gì? Nếu bạn hỏi nó, “Sao cháu hạnh phúc thế?” nó sẽ không thể nào trả lời được bạn. Nó sẽ thực sự nghĩ rằng bạn điên. Có cần nguyên nhân nào để hạnh phúc không? Nó đơn giản sẽ bị choáng rằng ‘tại sao’ có thể được nêu ra. Nó sẽ nhún vai và sẽ tiếp tục cách thức của mình và lại bắt đầu hát và múa. Đứa trẻ chẳng có gì cả. Nó chưa là thủ tướng, nó không là tổng thống Mĩ, nó không là Rockefeller. Nó chẳng sở hữu cái gì – có thể vài vỏ sò hay vài hòn đá mà nó đã nhặt trên bãi biển, có vậy thôi.

Cuộc sống của con người hiện đại chấm dứt khi cuộc sống chấm dứt. Khi thân thể chấm dứt, người này chấm dứt. Do đó, mọi người rất sợ chết. Bởi vì sợ chết nên con người hiện đại cứ cố gắng bằng mọi cách kéo dài cuộc sống của mình, đôi khi tới độ dài ngớ ngẩn. Bây giờ có nhiều người chỉ sống thực vật trong bệnh viện, trong nhà điều dưỡng. Họ không sống; họ có đó lâu rồi kể từ lúc chết. Họ được các bác sĩ, thuốc men, trang thiết bị hiện đại giữ cho sống. Bằng cách nào đó họ cứ treo đó.

Nỗi sợ chết là mạnh vô cùng: một khi mất rồi bạn mất vĩnh viễn và chẳng cái gì sẽ sống sót – bởi vì con người hiện đại chỉ biết tới thân thể và không cái gì khác. Nếu bạn biết chỉ mỗi thân thể, bạn sẽ rất nghèo nàn. Thứ nhất, bạn bao giờ cũng sẽ sợ chết, và người sợ chết sẽ sợ cả sống nữa – bởi vì sống và chết là cùng nhau tới mức nếu bạn sợ chết bạn sẽ trở nên sợ sống. Chính cuộc sống đem tới cái chết, cho nên nếu bạn sợ chết, làm sao bạn có thể thực sự yêu cuộc sống được? Nỗi sợ sẽ có đó. Chính cuộc sống đem lại cái chết; bạn không thể sống nó một cách toàn bộ được. Nếu cái chết chấm dứt mọi thứ, nếu đó là ý tưởng và hiểu biết của bạn, thế thì cuộc sống của bạn sẽ là cuộc sống của xô đẩy và săn đuổi. Bởi vì cái chết đang tới, bạn không thể kiên nhẫn được. Do đó mới có chứng điên tốc độ: mọi thứ đều phải được làm nhanh chóng bởi vì cái chết đang lại gần, cho nên cố gắng xoay xở thật nhiều thứ nhất có thể được trước khi bạn chết, bởi vì một khi bạn chết rồi, bạn chết.

Điều này tạo ra sự vô nghĩa lớn lao và, tất nhiên, có cả phiền não, lo âu. Nếu không có gì sẽ giữ cho thân thể sống sót, thế thì bất kì cái gì bạn làm cũng đều không thể rất sâu sắc. Thế thì bất kì điều gì bạn làm cũng không thể thoả mãn cho bạn được. Nếu cái chết là kết thúc và không có gì sống sót, thế thì cuộc sống không thể có nghĩa và ý nghĩa gì. Thế thì nó là câu chuyện cổ do những kẻ ngốc kể lại, đầy những giận dữ và ồn ào, chẳng có nghĩa lí gì cả.

Con người có ý thức biết rằng mình ở trong thân thể, nhưng người đó không phải là thân thể. Người đó yêu thân thể; nó là chỗ trú ngụ của người đó, ngôi nhà của người đó, gia đình của người đó. Người đó không chống lại thân thể bởi vì thật ngu xuẩn mà đi chống lại nhà riêng của bạn nhưng người đó không phải là người duy vật. Người đó trần tục nhưng không phải là người duy vật. Người đó rất thực tế, nhưng không là người duy vật. Người đó biết rằng có chết đấy, nhưng chẳng cái gì chết cả. Cái chết tới nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục.

Tôi đã nghe:

Buổi tang lễ đã qua và Desmond, người làm dịch vụ tang lễ, thấy mình đang đứng bên cạnh một quí ông già lão.

“Một trong các họ hàng sao?” người làm dịch vụ tang lễ hỏi.

“Vâng, tôi đây,” công dân hạng cao trả lời. “Ông bao nhiêu tuổi rồi?”

“Chín tư.”

“Hừ,” Desmond nói, “khó mà trả tiền cho ông để làm chuyến đi về nhà.”

Toàn thể ý tưởng là về cuộc sống thân thể: nếu bạn chín mươi tư tuổi, đã kết thúc rồi! Thế thì khó mà trả tiền cho bạn quay về nhà được; thế thì tốt hơn cả là chết đi. Phỏng có ích gì mà quay lại? – bạn sẽ phải tới nữa. Khó mà trả tiền… nếu cái chết là thực tại duy nhất, thế thì dù bạn chín mươi tư hay hai mươi tư, điều đó tạo ra khác biệt bao nhiêu? Thế thì sự khác biệt chỉ là vài năm. Thế thì người rất trẻ bắt đầu cảm thấy già, và trẻ con bắt đầu cảm thấy đã chết. Một khi bạn hiểu rằng thân thể này là cuộc sống duy nhất, thế thì phỏng có ích gì về tất cả điều đó? Thế thì sao cứ mang nó mãi?

Camus đã viết rằng vấn đề siêu hình cơ sở duy nhất cho con người là tự tử. Tôi đồng ý với ông ấy. Nếu thân thể là thực tại duy nhất và không có gì bên trong bạn mà ở ngoài thân thể, thế thì tất nhiên đó là điều quan trọng nhất cần xem xét, nghiền ngẫm, và thiền. Sao lại không tự tử? Sao phải đợi tới chín mươi tư? Và sao phải chịu đủ mọi loại vấn đề và khổ sở trên đường? Nếu người ta sẽ chết, thế thì sao không chết hôm nay? Sao sáng mai lại cứ dậy? Điều đó dường như vô tích sự.

Cho nên một mặt con người hiện đại thường xuyên chạy từ chỗ này sang chỗ kia để bằng cách nào đó nắm bắt kinh nghiệm, bằng cách nào đó không bỏ lỡ kinh nghiệm. Con người đang chạy khắp trên thế giới, từ thị trấn nọ sang thị trấn kia, từ nước nọ sang nước kia, từ khách sạn nọ sang khách sạn kia. Con người đang chạy từ guru này sang guru khác, từ nhà thờ này sang nhà thờ khác, trong tìm kiếm, bởi vì cái chết đang tới. Một mặt là sự săn đuổi thường xuyên, điên khùng, và mặt khác là sự e ngại sâu sắc rằng mọi thứ đều vô dụng – bởi vì cái chết sẽ chấm dứt tất cả. Cho nên dù bạn sống cuộc sống giàu có hay bạn sống cuộc sống nghèo khó, dù bạn thông minh hay không thông minh, dù bạn là người yêu lớn hay bị bỏ lỡ, điều đó tạo ra khác biệt gì? Chung cuộc cái chết tới, và điều đó là bình đẳng cho mọi người: người khôn và kẻ ngu, hiền nhân và tội nhân, người chứng ngộ và người ngu, tất cả đều xuống đất và biến mất. Vậy tất cả những điều này phỏng có ích gì? Dù đó là Phật hay Jesus hay Judas; điều đó tạo ra khác biệt gì? Jesus chết trên cây thánh giá, Judas tự tử ngày hôm sau – cả hai biến mất vào trong đất.

Mặt khác có nỗi sợ là bạn có thể bỏ lỡ và người khác có thể đạt tới, và mặt khác một lo sợ sâu sắc là cho dù bạn có được, chẳng cái gì thu được cả. Cho dù bạn đạt tới, bạn chẳng đạt tới đâu cả bởi vì cái chết tới và phá huỷ mọi thứ.

Con người ý thức sống trong thân thể, yêu thân thể mình, tôn vinh nó, nhưng người đó không là thân thể. Người đó biết rằng có cái gì đó trong mình sẽ tồn tại sau mọi cái chết. Người đó biết rằng có cái gì đó trong mình là vĩnh hằng và thời gian không thể phá huỷ được nó. Điều này người đó đã đi tới cảm thấy qua thiền, yêu, nguyện. Điều này người đó đã đi tới cảm thấy từ bên trong bản thể riêng của mình. Người đó không sợ hãi. Người đó không sợ cái chết bởi vì người đó biết cuộc sống là gì. Và người đó không săn đuổi hạnh phúc, bởi vì người đó biết Thượng đế đang gửi cho người đó hàng triệu cơ hội; người đó chỉ cần cho phép.

Bạn không thể thấy cây cối đang bắt rễ vào đất đó sao? Chúng không thể đi đâu cả, và vậy mà chúng vẫn hạnh phúc. Chúng không thể săn đuổi hạnh phúc, chắc chắn; chúng không thể đi và kiếm hạnh phúc được. Chúng bắt rễ vào trong đất, chúng không thể di chuyển được, nhưng bạn không thể thấy niềm hạnh phúc sao? Bạn không thể thấy niềm vui của chúng khi trời mưa, sự mãn nguyện lớn lao của chúng khi gió thổi qua đây đó sao? Bạn không thể cảm thấy điệu vũ của chúng sao?… Chúng bắt rễ; chúng không đi đâu cả. Dầu vậy, cuộc sống vẫn tới cho chúng.

Tất cả đều tới – bạn chỉ tạo ra khả năng; tất cả đều tới – bạn chỉ cho phép nó. Cuộc sống sẵn sàng xảy ra cho bạn. Bạn đang tạo ra biết bao nhiêu rào chắn, và rào chắn lớn nhất mà bạn có thể tạo ra là việc săn đuổi. Bởi vì việc săn và đuổi của bạn, bất kì khi nào cuộc sống tới và gõ cửa nhà bạn, cuộc sống chẳng bao giờ tìm thấy bạn ở đó. Bạn bao giờ cũng ở chỗ nào đó khác. Bạn cứ săn đuổi cuộc sống còn cuộc sống thì cứ săn đuổi bạn, và sự gặp gỡ chẳng bao giờ xảy ra.

Hiện hữu…chỉ hiện hữu, và chờ đợi, và kiên nhẫn.

OSHO

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN