Chương 3: thân bệnh và tâm bệnh

YduocNHH 19/12/2017

Chương 3: Thân bệnh và tâm bệnh

Qua tám trường hợp trên, chúng ta thấy, ngoài Thể Xác được góp nhặt từ cát bụi (theo Thiên Chúa giáo ) hay tinh cha huyết mẹ (theo Phật giáo), thành một thân tứ đại gồm đất, nước, gió, lửa, mà đông y gọi là lục phủ ngũ tạng, có đủ tứ đại : đất thuộc thổ, trong thổ có chứa kim, nước thuộc thủy, gió thuộc phong mộc, lửa thuộc hỏa, trong thân còn chứa 7 thể tâm linh để giúp cho cơ thể hoạt động theo nhịp sinh học đều đặn và quyết định sự sống chết của con người khi phần tâm linh rời khỏi cơ thể thì thân xác chết, thi thể tan rã lại trở về với cát bụi.

Như vậy sự bệnh hoạn, sống chết của thân ta lệ thuộc vào phần cấu trúc tâm linh, nó định đoạt cho ta tất cả mà chúng ta không biết chúng từ đâu tới, nó ở với ta bao lâu, khi nó lìa khỏi thân ta, nó đi về đâu, và chính bản chất nó được cấu tạo ra sao ? Những câu thắc mắc ấy đã được giải đáp đầy đủ trong triết lý Phật giáo.

Đứng trên quan điểm y học, Tây y tìm tòi mọi phương pháp chữa bệnh tiên tiến nhất cũng chỉ giải quyết được phần thể xác, về lãnh vực trị liệu tâm lý thần kinh chưa phân biệt rõ phần tâm linh nào bệnh, và cách chữa ra sao nên vẫn chưa đạt được hiệu qủa như ý muốn.

Dựa vào sự cấu trúc của cơ thể, phần bệnh của thể xác chúng ta tạm gọi là thân-bệnh, Phần cấu trúc tâm linh bị bệnh chúng ta gọi là tâm-bệnh.

1-Thần làm hại khí :

Cấu trúc tâm linh là phần vô hình cư trú trong tạng phủ để điều khiển mọi chức năng hoạt động của các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết, sinh dục… qua hệ thần kinh và các tuyến nội tiết… cho nên khi chúng bị bệnh sẽ làm xáo trộn mọi chức năng của các cơ quan, chứ không làm tổn thương thực thể thì y học tây phương tìm không ra bệnh, đông y gọi là giai đoạn thần làm hại khí.

2-Khí làm hại huyết :

Nếu tâm bệnh cứ tiếp diễn lâu dài sẽ làm tổn thương thực thể, làm thay đổi hình dạng cấu trúc của thân xác như sưng, gẫy, lở loét, viêm, phù, thắt nghẹt lưu thông khí huyết tạo ra khối u hay chèn ép nứt xương… thì Tây y sở trường chữa được những loại bệnh này hơn là đông y.

Nhưng những loại bệnh này, đông y chia làm hai loại cấp tính và mãn tính. Loại cấp tính do nguyên nhân bên ngoài như tai nạn, cần phải giải phẫu, hay cấp cứu ngay nếu không sẽ chết thì đông y không làm được. Còn loại sưng đau chấn thương chưa nguy đến tính mạng thì cách chữa đông y có thể thu ngắn thời gian và có kết qủa trị liệu hơn tây y. Loại bệnh mãn tính, theo đông y, phải tìm nguyên nhân gốc, và chắc chắn đã có ảnh hưởng không tốt cho phần cấu trúc tâm linh, giai đoạn này đông y gọi là khí làm hại huyết, cho nên tây y dùng phẫu thuật cũng chưa giải quyết được gốc bệnh, đa số các loại bệnh của con người ở loại này. Tây y thường giải quyết trực tiếp vào phần cơ thể bị bệnh bằng phẫu thuật để tránh lây lan và dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh tiêu diệt vi trùng gây ra mầm bệnh.

3-Tinh-Khí-Thần :

Phương pháp này khác hẳn về quan điểm chữa bệnh của tây y so với đông y. Tại sao ? Vì đông y coi con người là một tổng thể hòa hợp của thân và tâm, nên đã nhìn ra được ba yếu tố quan trọng trong vấn đề bệnh hoạn và sự sống chết của con người, đó là tinh-khí-thần.

Tinh :

Là những chất bổ do ăn uống để nuôi cơ thể, nếu hợp với nhu cầu mà cơ thể cần sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh, không đúng nhu cầu sẽ làm cho cơ thể bệnh mặc dù khi phân chất thức ăn đó không có độc tố, trái lại chứa rất nhiều chất bổ dưỡng, nhưng cơ thể không muốn hấp thụ làm cơ thể phải tốn mất thêm năng lượng đào thải chúng ra ngoài, như vậy cơ thể cũng bị bệnh nếu lạm dụng nhiều chất bổ không cần thiết. (Thí dụ như chất đường, chất béo, chất vôi… không có độc, nhưng dư thừa làm con người bị bệnh.)

Khí :

Là chức năng hoạt động của các cơ quan lục phủ ngũ tạng làm công việc biến dưỡng, chuyển tinh hóa khí, chuyển khí hóa thần, ở thể động là sinh hóa thức ăn như co bóp, tiết dịch, phân tích, tổng hợp, hấp thụ, đào thải…ở thể tĩnh như nghỉ ngơi là chuyển hóa dưỡng trấp thành máu, vinh khí, nuôi dưỡng và phát triển cơ thể, và thành năng lượng vệ khí bảo vệ cơ thể, duy trì sức khoẻ và sự sống.

Thần :

Có hai loại là dục thần do cha mẹ sinh ra mang tâm tánh của cha mẹ, và thức thần mang tâm tánh cá biệt của mình có từ nhiều đời, cả hai loại là vô hình, nhưng phần hữu hình là tim mạch, bộ óc và hệ thần kinh cùng các gène mang tính di truyền. Thần có nhiệm vụ kiểm soát, điều chỉnh, hòa hợp mọi hoạt động của cơ thể thông qua những chức năng của các tạng phủ, cả hai loại thần được phát triển về hai mặt, mặt tiềm năng do bẩm sinh cấu tạo ra chức năng và tâm tính của mỗi người do ảnh hưởng cha mẹ và do ảnh hưởng qúa khứ nhiều đời, mặt khác do học hỏi tiếp tục ở trường học, xã hội và kinh nghiệm đang trải qua ở đời này.

4-Ngũ nguyên :

Để có thể điều chỉnh được tinh-khí-thần hòa hợp giữa hai phần cấu trúc vật chất và tâm linh, đông y dùng hệ thống lý luận ngũ hành để liên kết chúng vào cùng một hành như :

1-Qủa tim, hệ tim mạch gồm đường kinh tâm, tâm bào, thuộc hành hỏa ,về phần tâm linh có hàm chứa nguyên thần, cái tạo ra cho con người biết trọng lẽ phải, biết suy nghĩ đúng sai, gọi là Lễ mới sinh ra thức thần. Khi thức thần bị dao động mạnh do cảm xúc sẽ làm hại tim.

2-Lá lách và kinh Tỳ thuộc hành thổ, về phần tâm linh có hàm chứa nguyên khí, cái tạo ra khí phách con người biết trọng chữ Tín hay không, nó sinh ra vọng ý nhiều hay ít, nếu vọng ý quá đáng sinh lo nghĩ nhiều sẽ hại tỳ ăn mất ngon.

3-Phổi và kinh Phế thuộc hành kim, về phần tâm linh có hàm chứa nguyên tình, cái tạo ra tình người có Nghĩa hay không, nó tạo thành phách, nó tạo ra tình cảm, khi tình cảm bị giao động sinh buồn sẽ làm hại phổi.

4-Thận và kinh thận thuộc hành thủy, về phần tâm linh có hàm chứa nguyên tinh, cái tạo ra sự khôn ngoan hiểu biết gọi là Trí, cái không hiểu biết, chỉ ham sắc dục nó sinh ra trược tinh mất sáng suốt, khi bị giao động sinh sợ hãi sẽ làm hại thận (sợ vãi đái).

5-Gan và kinh Can thuộc hành mộc, về phần tâm linh có hàm chứa nguyên tánh, là bản chất tình người gọi là Nhân do hồn dẫn dắt, khi giận giữ mất tánh người sẽ làm hại gan (giận bầm gan, giận mất khôn).

Như vậy, các bệnh liên quan đến chức năng của tạng phủ, tâm lý thần kinh, bệnh thuộc tâm linh, đông y dùng phương pháp lý luận ngũ hành hỏa, thổ, kim, thủy, mộc để điều chỉnh lại sự khí hóa của tổng thể, vì khi thân bệnh cũng ảnh hưởng đến tâm bệnh và ngược lại tâm bệnh cũng ảnh hưởng đến thân bệnh. Cả hai loại bệnh đều làm rối loạn chức năng hoạt động của tạng phủ, trực tiếp là rối loạn chức năng nội tiết mà đông y gọi là hệ nội dược.

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN