-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Chương 9: tái sinh
19/12/2017
Chương 9: Tái sinh
Đức Phật thường nói tam thiên đại thiên thế giới, vậy nó ở đâu?
Nói về số lượng để chúng ta có thể hình dung ra được, thì thế giới chúng ta đang ở giống như là một qủa sung, quanh một chùm sung trên một cây sung, chung quanh còn hàng vạn cây sung khác ở khắp nơi trên thế giới. Vậy một qủa sung so với những qủa sung khắp thế giới có thấm vào đâu, đếm sao cho hết. Nói theo khoa học, qủa địa cầu chúng ta đang ở trong một thái dương hệ, trong nhiều thái dương hệ của một dải ngân hà trong nhiều dải ngân hà khác, chúng ta làm sao biết hết được.
Nhưng kinh Phật cũng lại nói : Vạn pháp do tâm sanh, vạn pháp do tâm diệt. Tâm sinh tâm diệt đều do ý tạo ra. Chư Phật chỉ cho chúng ta cách tu tâm dưỡng tánh để thành Phật, chứ chư Phật không hóa phép cho chúng ta thành Phật được. Người nào có tâm lành, hành động thiện lành đã là tâm Phật, người nào có tâm ác, hành đông ác là tâm chúng sinh. Như vậy thành Phật cũng do tâm, thành chúng sinh cũng do tâm. Phật chỉ có trong tâm mình chứ ngoài tâm không có Phật. Phật là một người giác ngộ hoàn toàn, là những vị đã tu chứng, thể hiện được hạnh nguyện bi-trí-dũng của mình cho người khác noi theo và mình cũng sẽ thành Phật nếu ý mình muốn và phải thực hành theo hạnh nguyện của một vị bồ tát nào mà mình thấy thích hợp để rồi sau mình sẽ thành Phật như ngài, chứ không phải mình không làm gì, chỉ cầu nguyện ngài ban phép hóa mình thành Phật. Những ý tưởng và hành động của mình thực hành cho đến chỗ chân thiện mỹ tuyệt đối thì gọi là Phật, nếu ý tưởng bất hảo gọi là chúng sinh thì phải bị trầm luân hụp lặn trong bể khổ nhiều đời nhiều kiếp.
Ý tạo ra nghiệp lành nghiệp dữ, nên điều khiển ý rất khó, vì một ý sẽ sinh ra vạn ý, vạn pháp không bao giờ dừng nghỉ do tham sân si mới tạo ra nghiệp, nghiệp tạo ra phước mạng, thân mạng và bệnh nghiệp mỗi người mỗi khác gọi là luật nhân qủa. Công cụ tạo ra nhân qủa là Danh và Sắc.
Phần tâm linh có tâm cảm nhận, có ý dẫn dắt, biết phân biệt hơn thua, cố chấp. Có 2 loại ý khác nhau. Ý của Danh và ý của Sắc. Ý thuộc một trong 6 căn, nhiễm 6 trần là ý của thân. Còn ý của phần tâm linh là vô hình chỉ huy và liên kết mọi hoạt động của tư tưởng từ qúa khứ tiền kiếp đến hiện tại ở đời này và tương lai ở đời sau…
Tam thiên đại thiên thế giới là một ý để diễn tả Phật nơi nào cũng có, cõi của các ngài ở hoàn toàn là lý tưởng. Chúng ta có thể tu để về ở các cõi Phật nào mà chúng ta muốn. Nói vậy mà không phải vậy. Phật không ở nơi nào ngoài tâm. Chúng ta muốn đến cõi nưóc của một vị Phật nào để ở, thì chính tâm chúng ta phải tu luyện theo hạnh nguyện của vị Phật đó đã làm để rồi sẽ thành Phật như các ngài, nhưng thời gian phải mất bao lâu còn tùy thuộc vào chúng ta, từ một sát na đến a tăng kỳ kiếp, tập luyện đến bao giờ ý dừng, tâm định, như tu theo pháp môn tịnh độ, chỉ đọc một câu niệm Phật mà nhất tâm bất loạn thì thành Phật, hay như ngồi thiền mà tâm rỗng như bọt biển, bản chất là nước, tự nó tan vỡ ra trở về với nước biển, nhà thiền gọi là nhập cõi niết bàn tịch tịnh…
Như vậy thành Phật cũng do ý, không thành Phật mà thành chúng sinh cũng do ý. Kiếp sau không muốn làm người nghèo khổ mà muốn làm người giầu sang cũng do ý hoặc không muốn làm người ở cõi ta bà, muốn lên cõi niết bàn cũng do ý… nhưng được hay không còn do nghiệp mình đã tạo ra lành hay dữ, vì ý sinh vạn ý, vạn pháp, không bao giờ dừng nghỉ đều do tâm tham, sân, si mê hoặc chuyên cầu lợi cho mình khiến cho mình tạo ra nghiệp xấu thì làm sao có thể thành Phật. Muốn thành, tức là đấng đã giác ngộ, phải làm sao tu được câu Vạn pháp do tâm diệt.
Cũng với ý này, nên đông y áp dụng vào phương pháp chữa bệnh có thể chữa được những bệnh cả về thân xác lẫn phần tâm linh.
Trong kinh sám hối có câu : Tâm diệt rồi tội liền tiêu
Vậy theo triết lý Phật giáo, con người chỉ có hai phần luôn luôn dính liền với nhau khi còn sống là thể xác và tâm linh. Phần tâm linh có tâm làm chủ, hay phân biệt so sánh hơn thua, cố chấp gọi là Danh. Phần thể xác gọi là Sắc. Hễ có Danh-Sắc thì có lục nhập qua 6 căn của thân như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhiễm 6 trần, như mắt tiếp xúc với sắc thấy vạn vật, tai tiếp xúc với nghe, mũi tiếp xúc với ngửi mùi, lưỡi tiếp xúc với vị, thân tiếp xúc với chạm xúc, ý tiếp xúc với vạn pháp nghĩ đến cái này cái kia… Con người có phần Danh là tâm tham dự vào phần Sắc để phân biệt đánh giá đẹp xấu cho mắt, đánh giá lời nói âm thanh cho tai, đánh giá thơm thối cho mũi, đánh giá vị ngon dở cho lưỡi, đánh giá mềm mại thô cứng, nóng lạnh cho thân khi chạm xúc, đánh giá tốt xấu lành dữ cho ý… thì không phải là con người phàm phu tục tử nữa rồi.
Ngược lại, người tu phải đạt đến trình độ luyện tâm tách Danh ra khỏi Sắc, mắt có nhìn mà không phân biệt đẹp xấu, tai có nghe nhưng không để ý khen chê, mũi có ngửi nhưng không cần biết mùi, lưỡi có nếm nhưng không biết vị, có chạm xúc mà không để tâm, ý không nghĩ tốt xấu… tu được như vậy đã là thánh hiền, khổ nỗi kẻ phàm phu gọi những vị này là ngu, cho nên người tu vừa hiền vừa ngu là bước đầu tu học (Kinh Hiền Ngu).
Bất cứ lối tu nào cũng vậy, như tu tánh luyện mạng, muốn có kết qủa tốt cần phải giữ giới, rồi định, thì mới có huệ.
Giới của tu tánh là luyện tâm, cho tâm dừng, ý dừng, không phân biệt, bỏ tâm chấp, tu tâm xả.
Định của tu tánh là tinh tấn, siêng năng thường xuyên không sao lãng, tu luyện tâm mãi mãi giống như kẻ hiền ngu.
Huệ là kết qủa của sự tu luyện hết tham sân si không bị ảnh hưởng của thất tình lục dục.
Về phương pháp chữa bệnh của đông y khí công là tu tánh luyện mạng.
Giới của tu mạng là điều hòa hơi thở, tập luyện hơi thở cho chậm, nhẹ, sâu, lâu, đều, bình thường, thở ít hơn 18 hơi trong một phút, khí công tập luyện 6 hơi trong một phút. nếu tập được hơi thở như thế tâm tánh sẽ điềm đạm, nhu mì, không bị sân giận làm rối loạn nhịp thở…
Định của tu mạng là định tâm hay trụ ý, cột tâm tại một điểm, hoặc đan điền thần, đan điền tinh, hoặc Mệnh Môn, hoặc Thiên Môn hoặc Ấn Đường tùy vào mục đích để vừa điều tâm, điều khí, điều chỉnh sức khỏe để chữa thân bệnh, tâm bệnh. Điều hòa hơi thở ngoài công dụng giúp tính khí điềm đạm để tu tâm, còn có công dụng điều hòa sự khí hóa chức năng của lục phủ ngũ tạng, tạo nhịp độ sinh học đều đặn, tăng cường oxy, loại bỏ tế bào cũ, nuôi dưỡng tế bào mới, giúp thân thể luôn luôn khỏe mạnh không bệnh tật.
Công việc của Định là chăm chỉ luyện tập đều đặn thường xuyên, không lo sống chết.
Huệ là kết qủa tu luyện, tập luyện, tâm bình an, thân khỏe mạnh không bệnh tật.
Khi thân hết bệnh, tâm ưa làm điều lành, dùng thân này để tu cải nghiệp, tạo thêm nhiều nghiệp lành như giúp đỡ những người khác cùng tu tạo thêm phước, thì thành Phật ngay kiếp này, mình sống không nhiễm lụy trần tục không khác gì đang sống cảnh niết bàn tại thế, và khi hết phước nghiệp, thọ mạng hết, với tâm bồ tát thì ở kiếp nào cũng còn tâm thức bồ tát, còn dục tâm là do tinh cha huyết mẹ tạo nên, khi tái sanh, do ý lành dẫn nghiệp lành được vào một trong cõi nước của Phật do hạnh nguyện mà nó đã chọn theo vị bồ tát nào hay của vị Phật nào, thì đó là sự tái sinh của một người tu.
Còn người tu chưa phát tâm bồ tát, nhưng khi thân bệnh, tâm vẫn bình thản, xem bệnh là nghiệp, cần phải tu tâm làm lành để cải nghiệp, khi hết nghiệp, họ xuất hồn đi theo một vị bồ tát, thường là Bồ tát Quán Âm, vì ý họ lúc nào cũng nghĩ đến tịnh độ. Khi phần tâm linh rời khỏi xác trong giấc ngủ sâu, họ đi đến cõi Phật để tu tiếp. Họ nghĩ cuộc đời họ vẫn liên tục tu hành cầu đạo thành Phật. Thời gian tu học ở cõi Phật do ý dẫn đã rời khỏi xác lâu, xác đã chết họ cũng đâu biết được, có khi giấc ngủ như giấc mộng Nam Kha, mơ thấy mình sinh ra, lớn lên, lập gia đình, có con cháu đầy đàn, rồi tỉnh giấc mới biết là mơ chưa đủ thời gian chín một nồi cháo kê đang nấu dở dang, hay giấc mơ như Đỗ Quyên hóa quốc, cuộc đời như một giấc mộng dài. Ngược lại, thực cũng như mơ, người tu dùng thân Ý đi đây đi đó chứ không dùng thân xác, họ vào cõi của thân Ý mà đến Phật, sinh hoạt bằng thân Ý, quên thân xác mất rồi, lúc đó xác của họ mặc tình người thân muốn làm gì thì làm.
Có những người khi còn sống, thân Ý đi đến một chỗ quen thuộc nhất định, nhiều lần, là cõi của ý, mà họ tưởng là mơ, nhưng khác với mơ, mơ khi tỉnh dậy quên hay nhớ không rõ ràng mạch lạc, còn đi bằng thân ý, tỉnh dậy nhớ rõ ràng mạch lạc, khi cần thiết vẫn có thể đến lại những nơi ấy. Nơi thân ý đi có thể là một cõi ngoài qủa địa cầu, ở một hành tinh khác, thế giới khác, khi có duyên được đi qua, mình cảm thấy cảnh vật quen thuôc như mình đã từng đến. Như vậy ý dẫn tâm sinh vạn pháp, có hư có thực. Khi tâm định, ý dừng, thì vạn pháp có cũng như không. Không hư không thực, sắc tức thị không, không tức thị sắc, nó vẫn là nó. Từ tâm đối đãi người phàm phu thấy núi là núi, sông là sông, mới tu xem cảnh như huyễn, thì núi không phải là núi, sông không phải là sông, khi hết đối đãi, biết dừng lại hiện tại, không tiếc qúa khứ, không nghĩ đến tương lai chưa tới, chỉ cần an trú trong hiện tại bình an, thì núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, chỉ vì do ý sinh ra thế này thế khác.
Chính vì tâm không định, ý không dừng, do tham sân si lôi cuốn từ vô thỉ, tạo ra tâm thức xấu mới làm cho phần tâm linh đi theo con đường lục đạo luân hồi, khiến cho mình tái sinh theo nghiệp xấu rơi vào cảnh khổ mà không thoát được khổ sinh già bệnh chết…
Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.