Phát tích của dòng họ Nguyễn Hữu thuộc đất Vân Canh (Hoài Đức - Hà Nội). Khi đó, cụ tổ của gia đình ông Thiện là thầy lang bốc thuốc cho người dân quanh làng. Nghề bốc thuốc gia truyền của dòng họ Nguyễn Hữu cũng từ đó mà phát triển. Đến đời cố y sư Nguyễn Hữu Hách - một trong 28 vị danh y đầu tiên của Viện Đông y Việt Nam và cũng là người đặt nền móng cho việc thành lập cơ sở y dược gia truyền Nguyễn Hữu Hách ở số 96 Mê Linh (TP. Hải Phòng), thì những phương thuốc chữa bệnh cứu người của dòng họ Nguyễn Hữu đã được nhiều người biết tới. Đến nay, cơ sở trở thành địa chỉ khám và điều trị tin cậy của nhiều người bệnh trong và ngoài nước, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.
Lương y Nguyễn Hữu Thiện bày tỏ, trước đây y sư Nguyễn Hữu Hách có quan niệm “lấy đức làm lãi” nên giờ đây, ông cũng xem đó là lời răn dạy cho chính mình. Ông luôn tâm niệm: “Làm nghề thuốc phải có cái Tâm trong sáng, không vụ lợi và hết lòng với người bệnh”. Những suy nghĩ của lương y Thiện thật đáng quý và trân trọng, nhất là trong thời buổi hiện nay, khi một bộ phận không nhỏ thầy thuốc chạy theo cơ chế thị trường mà quên đi trách nhiệm cứu người.
Lần đầu tiên trực tiếp tham gia khám bệnh là năm 1985, tình cờ lương y Thiện gặp một cán bộ ở Khánh Hòa đang trong cơn đau bụng quằn quại. Mặc dù không phải việc của mình, nhưng từ nhỏ mang theo tâm niệm phải có trách nhiệm chữa bệnh cứu người, ông đã không nề hà đến khám cho bệnh nhân. Khi đó, nhiều người không tin tưởng, nhưng bằng những kiến thức đã được học từ nhỏ và kinh nghiệm có được trong những lần theo ông nội chữa bệnh, bốc thuốc, ông đã quyết định châm cứu và kê đơn thuốc cho người bệnh dùng. Đến hôm sau, bệnh nhân hết đau và khỏi hẳn.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều mang hết khả năng của mình để khám bệnh, bốc thuốc cho bệnh nhân. Có những lần gặp bệnh nhân nghèo, không có tiền đi bệnh viện lớn, ông không nề hà mà bắt tay ngay vào khám - chữa bệnh. Khi chữa khỏi bệnh, có người không đủ tiền trả, đã xin ở lại làm thuê cho ông nhưng ông bảo họ cứ yên tâm ra về. Ông tâm sự: “Chẳng ai muốn và cũng không ai tránh được bệnh tật. Người có điều kiện thì không sao, nhưng với người nghèo, mình có khả năng giúp được gì thì nên làm. Nghề thuốc cần có cái Tâm, Tâm mà trong sáng thì mới có lộc trời”.
Ngoài tập trung nghiên cứu các tác phẩm về y dược như: Hoàng Hán y học, Châm cứu Đại thành, các công trình nghiên cứu của y sư Hách như 365 ca đau đầu; 300 ca vô sinh; cao dán huyệt; châm cứu và thuốc Nam; châm cứu thực hành; y tôn tâm lĩnh…, lương y Thiện còn học hỏi thêm các phương pháp chữa bệnh bằng y học hiện đại để nâng cao tay nghề và đặc biệt tâm đắc với bài thuốc quý chữa bệnh gan có giá thành phù hợp, nhất là với người nghèo.
Lương y Thiện cho biết: “Viêm gan và men gan tăng đôi khi triệu chứng không rõ ràng. Bệnh viêm gan B thường biểu hiện qua các triệu chứng hay mệt mỏi, chán ăn, giảm cân, đau hạ sườn phải, sốt nhẹ, nước tiểu vàng sẫm, có kèm theo vàng da, vàng mắt hoặc không. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan”.
Các bài thuốc gia truyền về chữa gan của Nhà thuốc gia truyền Nguyễn Hữu Hách được lương y Nguyễn Hữu Thiện kế thừa, xây dựng nên quy trình chữa viên gan A, B, C một cách hiệu quả. Nhiều bệnh nhân mắc viêm gan đã điều trị bằng Tây y không đỡ, nhưng chỉ sau vài tháng được khám và cắt thuốc tại Nhà thuốc gia truyền Nguyễn Hữu Hách đã khỏi hẳn…
Trong suốt mấy chục năm hành nghề y, lương y Nguyễn Hữu Thiện không nhớ đã cứu giúp bao người, chỉ biết rằng, hàng năm có đến hàng chục bệnh nhân nghèo gọi điện, viết thư cảm ơn tấm lòng nhân ái của ông. Những lá thư, lời tri ân của bệnh nhân được ông đóng cuốn cẩn thận và xem đó như “sổ vàng” của gia đình mình.
Hải Ninh - Trần Hằng