Trí tuệ của tế bào – phần 1

YduocNHH 07/12/2017

Trí tuệ của tế bào – phần 1

Bruce Lipton

Dịch sang tiếng Việt: Luanle.

Lời giới thiệu của người dịch: Tiến sĩ Bruce Lipton là nhà khoa học tiên phong chuyên nghiên cứu về lãnh vực sinh học tế bào. Ông viết bài này vào đầu năm 2007 gồm những kiến thức mới mẻ về sinh học, giúp cho chúng ta cập nhật thêm một số hiểu biết trong lãnh vực này. Không những ông bàn về sinh học với những khám phá mới làm đảo lộn lý thuyết về di truyền, mà ông còn dẫn dắt chúng ta đi vào những áp dụng của ngành này trong y khoa hiện đại và tương lai. Nhưng điều làm cho tôi thích nhất là ông đã kể lại những kinh nghiệm khai ngộ của ông về đời sống khi nghiên cứu tế bào. Ông giải thích cơ chế kích động và phản động trong tế bào, và cho rằng đây là cội nguồn của sức mạnh và sự sáng tạo trong đời sống chúng ta.

Tôi nghĩ rằng ông là một trong những khoa học gia hiếm hoi đang dấn thân xoá mờ biên giới giữa khoa học và đạo học. Thật vậy, trong bài này ông đã dùng hiểu biết khoa học soi sáng thêm vào các vấn đề quan trọng của đời sống như:

- Khí lực là gì? Vai trò của khí lực trong khoa học, y khoa và đời sống?
– Con người có khả năng làm chủ và sửa đổi số mạng hay không?
– Thanh và trược điển?

(Nếu muốn tham khảo bản gốc anh văn xin vào trang web: http://www.brucelipton.com/media/article). Luanle.
———-

Trí tuệ của tế bào nói về một ngành sinh vật học mới, nó có khả năng làm thay đổi tận gốc rễ nền văn minh và thế giới chúng ta đang sống. Khoa sinh học mới này sẽ dẫn dắt chúng ta rời khỏi những niềm tin cho rằng con người bị lệ thuộc vào các gien (gene – nhiễm sắc thể), rằng con người là bộ máy sinh hóa (biochemical), không có khả năng làm chủ đời sống của mình. Khoa này mang chúng ta đến một thực tại mới, trong đó niềm tin và tâm trí điều khiển các gien, cũng như làm chủ những hành vi và kinh nghiệm sống trong cuộc đời. Môn sinh học này dựa trên nền tảng khoa học hiện đại và được bổ sung thêm với những kiến giải mới.

Ngành khoa học mới này sẽ biến đổi chúng ta từ kẻ thọ tạo trở thành người sáng tạo, trao cho ta quyền năng sáng tạo và khai mở đời sống của mình. Đây đích thực là sự hiểu biết về bản thân. Có câu ngạn ngữ ‘kiến thức là sức mạnh’, thật vậy, ta đang bắt đầu hiểu được quyền năng của chính mình. Đây là điều mà tôi tin mọi người sẽ gặt hái được khi tìm hiểu về môn khoa học mới này.

Du hành vào không gian bên trong

Tôi bắt đầu học môn sinh học khi lên lớp hai. Ông thầy mang vào lớp kính hiển vi để học sinh nhìn hình dạng tế bào. Tôi còn nhớ đã học rất hứng thú. Khi lên đại học tôi dùng kính hiển vi điện tử thay thế cho loại kính cũ để quan sát đời sống các tế bào. Những điều học được đã làm thay đổi đời sống cùng nhận thức của tôi một cách sâu xa và tôi muốn chia xẻ điều này với các bạn. Khi dùng kính hiển vi điện tử tôi có thể thấy không những hình dạng bề ngoài mà còn hiểu được cấu trúc cùng chức năng của các tế bào. Giống như người ta nói rất nhiều về du hành vào không gian, tôi cũng đang du hành vào vũ trụ bên trong và thấy được nhiều điều, bắt đầu có những nhận thức bao quát hơn về bản chất của đời sống, của tế bào và phần tham gia của ta vào đời sống các tế bào.

Khoảng năm 1968, tôi tham dự khoá huấn luyện về nuôi cấy tế bào, bắt đầu học tạo sinh vô tính (cloning) tế bào mầm (stem cells), tôi làm cuộc thí nghiệm đầu tiên với sự hướng dẫn của Tiến sĩ Irv Konigsberg, ông là một khoa học gia sáng giá đã tạo được tế bào mầm đầu tiên. Loại tế bào tôi đang nghiên cứu gọi là nguyên bào cơ (myoblast). Myo là cơ, blast là tiền bối, tiền sinh. Khi tôi để các tế bào vào đĩa trong môi trường thích hợp cho tế bào cơ phát triển, chúng sinh sôi nảy nở và kết quả cho tôi một loại mô cơ co dãn được. Tuy nhiên, nếu tôi thay đổi môi trường thì số phận của các tế bào cũng thay đổi. Khởi đầu tôi đặt các tế bào cơ nói trên vào một môi trường khác thì nó lại trở thành các tế bào xương. Nếu tôi lại thay đổi môi trường thì nó biến thành các tế bào mỡ. Kết quả của các thí nghiệm này khiến cho tôi rất phấn khởi bởi vì trong khi các tế bào gốc đều giống nhau, số phận của chúng lại bị qui định bởi môi trường do tôi tạo ra.

Trong khi thực hiện các cuộc thí nhiệm này tôi cũng đang đi dạy tại trường đại học y khoa Wisconsin, truyền đạt lại những kiến thức cổ điển cho rằng gien qui định số phận các tế bào. Nhưng thí nghiệm lại cho tôi thấy rằng số phận của tế bào lại bị qui định ít nhiều bởi môi trường. Dĩ nhiên, đồng nghiệp của tôi cũng bị bất ngờ bởi các thí nghiệm này. Mọi người đều đang tin theo thuyết di truyền bảo rằng ‘gien làm chủ đời sống’, trong khi đó công trình của tôi lại cho thấy môi trường làm thay đổi tế bào, họ bàn rằng đây chỉ là một biệt lệ.

Bạn là một cộng đồng gồm 50 ức tế bào

Bây giờ tôi thụ đắc một hiểu biết hoàn toàn mới mẻ về sự sống, điều này đã đem lại cách truyền đạt kiến thức mới về tế bào. Khi bạn tự nhìn mình thì thấy ta là một cá nhân riêng biệt. Nhưng nếu bạn hiểu thực chất ta là ai, bạn sẽ ngộ ra rằng mình thực ra là một cộng đồng của 50 ức tế bào. Mỗi tế bào là một cá thể sống động, một sinh linh có đời sống và chức năng riêng biệt, nhưng nó cư xử với nhau trong tinh thần của một cộng đồng. Nếu tôi có thể thu gọn bạn cho nhỏ lại thành một tế bào rồi đem đặt vào trong cơ thể, bạn sẽ thấy một thành phố rất bận rộn với hàng ức ức cá thể đang sống trong một bọc bằng da. Ðiều này mang nhiều ý nghĩa khi ta hiểu rằng cộng đồng hoà hợp tạo ra sự khang kiện và cộng đồng mất quân bình sinh ra bệnh tật. Vì vậy, sự kiện đầu tiên cần nhớ, mỗi chúng ta là một cộng đồng.

Sự kiện thứ hai: Không có một chức năng nào hiện hữu trong cơ thể mà lại không hiện diện trong từng tế bào. Ví dụ, bạn có các bộ máy như: tiêu hóa, hô hấp, bài biết, xương và cơ, nội tiết, sinh dục, thần kinh, miễn nhiễm, thì trong các tế bào cũng không thiếu những thứ đó. Thực vậy, chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của tế bào. Điều này rất hữu ích cho các nhà sinh vật học bởi vì họ có thể nghiên cứu về tế bào và áp dụng kiến thức này để tìm hiểu về cơ thể con người.

Tôi đang dạy học về cái gọi là một mô hình y khoa, theo đó sinh lý con người giống như bộ máy sinh học gồm có các chất sinh hóa do các gien quản lý. Thế nên khi bệnh nhân đến khám bệnh, các bác sỹ tin rằng bệnh nhân đang có vấn đề về mặt sinh hoá hoặc gien cần được điều chỉnh để đem lại sức khoẻ. Đến một lúc tôi thấy rằng mình cần phải thoát ly khỏi trường đại học bởi vì tôi phát hiện có một sự mâu thuẫn rất lớn giữa những điều tôi dạy cho sinh viên và những điều tôi biết qua thí nghiệm để tìm hiểu cái gì làm chủ các tế bào.

Một cách hiểu mới mẻ về khoa học

Khi rời khỏi trường đại học tôi có dịp đọc thêm về vật lý học. Tôi lại tìm thấy những kiến thức không phù hợp với môn mà tôi đã dạy. Ngành tân vật lý học, vật lý lượng tử, có nói đến một cơ chế hoàn toàn xung khắc với cơ chế cổ xưa dựa trên vật lý Newton mà tôi từng dạy. Môn tân vật lý này chưa được đưa vào chương trình trường y khoa. Trước khi có khoa học hiện đại, thì môn khoa học thuộc về thẩm quyền của giáo hội Thiên Chúa. Nó được mệnh danh là khoa thần học tự nhiên, thấm nhuần lãnh vực tâm linh. Khoa này dạy rằng bàn tay của Chúa can dự vào mọi việc của thế gian, trong thiên nhiên quanh ta nơi nào cũng có hình ảnh của Chúa. Khoa thần học tự nhiên có nhiệm vụ giúp hiểu môi trường chung quanh để biết sống hòa điệu với thiên nhiên. Điều này cũng có nghĩa giúp sống hoà hợp với Thiên Chúa bởi vì Chúa có liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên.

Tuy nhiên, vì giáo hội lạm quyền và độc tôn chân lý, họ cố tình dìm đi những khám phá mới, thế nên Giáo Hội Cải Cách ra đời. Martin Luther thành lập tân giáo hội thách thức độc quyền của giáo hội Công giáo. Sau thời kỳ Cải Cách, người ta mới có dịp đặt lại vấn đề đức tin về vũ trụ. Môn khoa học cũ lột xác và trở thành như ngày nay. Ông Newton, nhà vật lý học chuyên khảo cứu về trọng lực và thiên văn đã đặt nền tảng cho ngành khoa học mới. Ông sáng tạo ra môn toán học giải tích để tính toán, tiên đoán được sự chuyển vận của thái dương hệ. Khoa học nhận định chân lý là những sự kiện có thể tiên đoán được. Môn vật lý Newton coi vũ trụ như là một bộ máy do vật chất tạo thành; khoa này lý luận rằng nếu ta hiểu được thành phần cấu tạo của bộ máy thì ta cũng sẽ hiểu rõ được thiên nhiên. Từ đó mục tiêu của khoa học là điều khiển và chế ngự thiên nhiên, hoàn toàn khác với mục tiêu của môn thần học tự nhiên trước kia là để sống hoà điệu với thiên nhiên.

Vấn đề cái gì làm chủ đã trở thành một điểm rất quan trọng trong ngành sinh học. Vậy chứ cái gì đang qui định những nét cá tính thể hiện ra từ mỗi người chúng ta? Theo môn vật lý Newton thì các sinh vật là những bộ máy do vật chất cấu thành. Nếu muốn tìm hiểu các bộ máy này thì cần phải tháo gỡ nó ra thành từng bộ phận, còn gọi là tiến trình giản hoá. Ta nghiên cứu từng bộ phận để hiểu rồi sau đó ráp chúng lại được thì coi như đã hiểu được toàn thể cái máy. Ông C. Darwin cho rằng cá tính của chúng ta đến từ cha mẹ. Tinh trùng và noãn phối hợp nhau tạo ra kết quả là một con người mới thừa hưởng một chất liệu có khả năng qui định cá tánh của các hậu duệ. Người ta khởi sự nghiên cứu về sự phân bào từ đầu thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu họ thấy trong tế bào có những cấu trúc hình dây hiện diện trước lúc phân bào. Những cấu trúc này được gọi là nhiễm sắc thể.

Cũng đáng chú ý là trong khi nhiễm sắc thể được tìm ra vào khoảng năm 1900 thì đến năm 1944 người ta mới biết được bộ phận nào mang các đặc tính di truyền. Cả thế giới rất phấn khởi. Họ bảo, quỷ thần ơi, sau bao nhiêu năm dài cuối cùng mình đã biết được cái nào mang đặc tính di truyền; có lẽ nó là DNA. Vào năm 1953, J. Watson & F. Crick đã tìm ra mỗi sợi DNA chứa một loạt gien. Gien là những mẫu thiết kế (blueprint) cho từng loại phân tử protein. Protein là thành tố xây dựng nên cơ thể và có trên 100,000 loại như vậy. Một hàng tít lớn chạy trên tờ báo ở New York công bố khám phá của hai nhà khoa học: ‘Bí mật của đời sống đã bật mí’. Và kể từ lúc đó khoa sinh học hầu như chỉ chú trọng nghiên cứu về di thể (gene). Các khoa học gia thấy rằng nếu hiểu được mã di truyền thì họ có thể thay đổi được cá tánh của sinh vật, họ hăm hở lăn xả vào dự án nghiên cứu di thể con người để hiểu rõ bản chất của nó. Lúc đầu họ nghĩ rằng các gien chỉ qui định về hình dáng bên ngoài, nhưng khi họ tiếp tục thí nghiệm thì thấy rằng di thể cũng có ảnh hưởng đến tánh nết, cảm xúc. Khi biết rằng mọi sắc thái cá tính của con người đều do các di thể qui định, thì bỗng nhiên các gien lại mang thêm một ý nghĩa sâu xa hơn .

Ta có phải là nạn nhân của sự di truyền?

Nhưng cũng còn một câu hỏi chót: Vậy chứ cái gì làm chủ các DNA? Câu hỏi này đưa ta leo lên nấc thang cuối cùng để tìm ra điều gì đang ở vị thế chủ động tối cao? Các khoa học gia thực hiện thí nghiệm và thấy rằng DNA tự nhân bổn một mình! DNA kiểm soát các phân tử protein và các phân tử này chính là cơ thể chúng ta. Điều này muốn nói rằng DNA vốn đang làm chủ đời sống, đây là trọng tâm của chủ thuyết. Nó dẫn đến quan niệm cho rằng ‘DNA có quyền lực tối thượng’, theo đó số mạng của chúng ta đã được an bày bởi DNA từ lúc cha mẹ giao phối. Điều này đem lại hậu quả thế nào? Số mạng và cá tánh của bạn phản ảnh sự di truyền thọ nhận từ khi sinh ra; thực vậy bạn là nạn nhân của sự di truyền.

Ví dụ, các khoa học gia quan sát một nhóm người để tính điểm về hạnh phúc, và họ cố dò ra coi có chăng một loại di thể hoạt động trong nhóm người có hạnh phúc mà lại bất động trong nhóm người bất hạnh. Đúng như vậy, họ đã tìm thấy loại di thể đó. Và họ đăng báo phổ biến ngay ‘Đã tìm thấy di thể tạo ra hạnh phúc’. Bạn buột miệng nói, ‘Khoan đã, nếu tôi có di thể hạnh phúc, nghĩa là đời tôi đã được định sẵn. Tôi chỉ là nạn nhân của di truyền’. Đây chính là những điều đã được dạy trong trường, tôi cũng đã dạy như vầy: con người hoàn toàn bất lực trước cuộc sống bởi vì họ không thể thay đổi di thể của mình. Nhưng khi nhận định như vậy, họ sẽ trở nên vô trách nhiệm:

‘Này nhé, thưa xếp, ngài bảo rằng tôi lười biếng, nhưng tôi muốn ông biết rằng cha tôi cũng lười. Vậy ông muốn tôi làm sao? Ý tôi muốn nói di thể của tôi khiến cho tôi lười biếng. Và tôi không thể làm sao sửa đổi’.

Gần đây trên tuần báo Newsweek họ viết về những tế bào mỡ gây rối loạn sức khoẻ như thế nào. Điều này cũng đáng chú ý, bởi vì trong lúc đang có dịch béo phì thì khoa học lại đứng ra xa mà bảo: chính các tế bào mỡ gây rối loạn cho cuộc sống.

Dự án nghiên cứu di thể con người

Dự án nghiên cứu di thể con người đã đến để cứu giúp nhân loại. Phương án này nhằm mục đích nhận diện mọi di thể trong con người hầu cho trong tương lai ngành di truyền học có cơ hội chữa lành mọi bệnh tật và giải quyết các vấn nạn mà con người phải đối đầu. Tôi nghĩ rằng dự án này là một công tác nhân đạo, nhưng sau khi nghe người kỹ sư trưởng P. Silverman trình bày đã khiến cho tôi chú ý. Ông nói rằng: tính ra có khoảng 100,000 gien bởi vì có 100,000 loại phân tử protein khác nhau trong con người; ngoài ra còn những di thể không tạo ra protein nhưng kiểm soát các di thể khác. Dự án này được thiết kế bởi các nhà đầu tư mạo hiểm; họ phác hoạ rằng có đến hơn 100,000 di thể cần được phân loại và cầu chứng rồi bán bản quyền cho kỹ nghệ dược phẩm. Các công ty bào chế sẽ dùng các gien để tạo ra đủ loại dược phẩm. Hóa ra, chương trình này không phải để phục vụ con người mà phần lớn là để kiếm tiền.

Và đây chính là phần khôi hài. Khoa học gia biết rằng khi càng tiến hóa thì bộ máy con người càng phức tạp, trong khi một sinh vật nhỏ bé chỉ có khoảng vài ngàn gien thì con người tính ra có khoảng 150,000 gien, thế thì phải sản xuất đến 150,000 loại thuốc mới. Phương án bắt đầu năm 1987, khi có nhiều bộ óc con người chung sức thì có thể tạo ra phép lạ. Trong chỉ có 14 năm bản đồ gien của con người đã thành hình. Nó trở nên cái mà tôi gọi là một chuyện hài hước vĩ đại .

Khởi đầu dự án, trước tiên họ nghiên cứu về một động vật nguyên sinh, một con trùng nhỏ xíu mắt thường khó thấy. Các nhà di truyền học thường dùng loại trùng này làm thí nghiệm bởi vì chúng sinh sản rất nhanh, nhiều và thể hiện những đặc điểm cần nghiên cứu. Họ tìm thấy các sinh vật này có khoảng 24,000 gien. Sau đó họ quyết định nghiên cứu thêm một loại mẫu khác trước khi bước qua nghiên cứu con người, sinh vật kế là con ruồi trái cây (fruit fly /ruồi đục quả) bởi vì đã có rất nhiều thông tin di truyền về loại ruồi này. Kết quả bộ gien của ruồi chỉ có 18,000 gien. Trong khi con trùng nguyên sinh có 24,000 gien thì con ruồi lại chỉ sở hữu 18,000 gien! Thật không thể hiểu nổi, nhưng họ để qua một bên và bắt đầu công trình về bộ gien con người .

Đến năm 2001 thì gặt hái được thành quả và đây thật là một cú sốc: bản đồ di thể của con người chỉ có 25,000 gien; họ mong có đến gần 150,000 mà lại chỉ có 25,000 gien! Cú sốc khủng khiếp đến nổi họ không muốn nhắc đến điều này. Trong khi có nhiều quảng bá rầm rộ về công trình hoàn thành, thì không ai nêu lên vấn đề 100,000 gien bị mất tích. Những tạp chí khoa học cũng không có bài bình luận về dữ kiện này. Khi họ nhận thấy không có đủ số gien tương ứng với sự phức tạp của con người thì điều này đã làm cho bộ môn sinh học chấn động tận gốc rễ.

Tại sao điều này lại quan trọng? Nếu khoa học dựa vào sự vận hành trung thực của đời sống, thì việc áp dụng khoa học vào ngành y khoa sẽ rất hữu ích. Nhưng nếu khoa học dựa vào một nền tảng sai lầm, thì việc áp dụng khoa học vào y khoa sẽ đem đến tai hại. Hiện nay người ta biết rằng nền y khoa truyền thống, được dùng nhiều nhất trong các nước tây phương, là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất tại Hoa kỳ. Nó cũng chịu trách nhiệm với 1/5 số tử vong tại Úc châu. Bác sĩ Barbara Starfield viết một bài trên tạp chí của Hội Y Sỹ Hoa Kỳ (AMA) nói rằng, với ước tính dè dặt thì tây y đứng vào hàng thứ 3 về các nguyên nhân làm chết người tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong một cuộc nghiên cứu gần đây của Gary Null (xem Chết vì Thuốc:***.garynull.com), ông nói rằng thay vì đứng thứ ba thì phải xếp tây y đứng đầu về nguyên nhân gây ra tử vong, việc trị liệu bằng tây y đã làm chết hơn 750,000 người mỗi năm. Nếu ngành y nắm vững chuyện họ làm chắc sẽ không đến nổi gây chết chóc như thế.

Bởi vì tôi ý thức rằng các gien không làm chủ đời sống, tôi xin nghỉ dạy đại học vào năm 1980, 7 năm trước khi dự án về di thể con người khởi sự. Tôi biết rằng chính môi trường mới có ảnh hưởng mạnh, nhưng các đồng nghiệp thì coi tôi như một người quá khích và gàn bướng bởi vì tôi chống lại những gì họ đang tin tưởng; cho nên chuyện này trở thành cuộc tranh luận về niềm tin. Đến một lúc, lòng tin buộc tôi phải từ chức giáo sư. Khi ấy tôi bắt đầu dấn thân tìm hiểu về chức năng của bộ óc và khoa thần kinh học. Tôi đi tìm câu trả lời cho vấn đề: ‘Nếu DNA không điều khiển tế bào vậy thì ‘bộ não’ của tế bào nằm ở đâu?’

Bộ máy điện não bên trong

Ngành tân sinh học cho thấy bộ não của tế bào chính là màng tế bào, nơi giao tiếp giữa nội môi của tế bào với thế giới luôn đổi thay bên ngoài. Chính các chức năng mới quản lý đời sống. Điều này rất quan trọng bởi vì khi hiểu được chức năng thì ta biết rằng mình không phải là nạn nhân của các gien. Thực vậy, ta có thể điều khiển các gien và cơ thể thông qua hoạt động của màng tế bào; chúng ta cũng đã và đang làm việc này đấy thôi, mặc dầu trong lòng vẫn còn mang nặng niềm tin cho rằng ta là nạn nhân.

Tôi bắt đầu ngộ ra một điều: tế bào cũng như một con chíp (semiconductor) mà nhân tế bào là ổ cứng (hard disk) có chứa các thảo chương (programs – mã di truyền). Các gien là programs. Ngày kia, khi đang gõ trên máy tính, tôi chợt thấy rằng máy điện toán của mình giống như một tế bào. Tôi có programs cất giữ trong đó nhưng những gì hiện ra trên màn ảnh của máy không phải do các programs quyết định; mà sự quyết định đến từ dữ liệu do tôi đánh máy trên bàn phím để đưa thông tin từ môi trường bên ngoài vào trong máy. Bỗng nhiên, các mảng lộn xộn được ráp lại ăn khớp vào nhau: màng tế bào chính là bộ điện não của máy tính. Các gien trong tế bào là harddrive chứa mọi tiềm năng. Điều này giải thích tại sao mọi tế bào trong cơ thể có thể hình thành bất cứ các loại tế bào nào khác, bởi vì trong nhân của nó có chứa mọi thứ gien có khả năng tạo nên con người. Nhưng tại sao có lúc tế bào lại trở thành da, có lúc lại hoá thành xương hoặc mắt?

Xin trả lời: không phải bởi vì các gien tự vận hành nhưng mà do môi trường cung ứng thông tin. Bỗng nhiên có một điều vĩ đại bổ chụp lấy tôi: cái khiến cho chúng ta người này khác với người kia là do sự hiện diện của một bộ gien thụ cảm (receptors) có tác dụng như một bàn phím nằm trên màng tế bào. Các phím này tiếp nhận thông tin từ môi trường bên ngoài. Điều khám phá lớn nhất chính là: cá tánh của chúng ta thực ra là kết quả của việc các mã di truyền tham gia vận hành theo tín hiệu từ môi trường kích động lên bàn phím trên mặt tế bào. Bạn không thuộc về bên trong của tế bào, mà bạn đang dùng bàn phím để điều khiển sự vận hành các tế bào. Bạn chính là một cá thể xuất phát từ môi trường (sản phẩm của môi trường) .

Lúc còn trẻ, tôi thấy tôn giáo không mang lại chân lý nào. Tôi xa lánh lãnh vực tâm linh và cuối cùng bước vào khoa học. Khi ngộ ra rằng cá tánh của mình là sản phẩm của môi trường, do môi trường kích động lên các tế bào mà hình thành. Điều này đối với tôi là một cú sốc lớn nhất trong đời, từ lĩnh vực vô thần tôi bị lôi cuốn và quăng vào tình trạng đòi hỏi phải có tâm linh. Các tế bào của tôi giống như những chiếc TV nhỏ xíu có ăng ten, còn tôi là đài phát sóng làm chủ những hình ảnh từ các gien phát ra. Thực vậy, tôi hoạch định cho các tế bào của tôi làm việc.

Tôi ngộ ra rằng nếu tế bào chết đi không có nghĩa là chương trình phát sóng biến mất, mà luồng sóng vẫn còn đó dẫu cho tế bào còn đó hay không. Một nỗi kính sợ sâu xa bỗng xâm chiếm lấy tôi. Điều tôi chứng ngộ là: cuộc sinh tồn không còn quan trọng nữa bởi vì những làn sóng phát xuất từ trường lực đã tạo ra bổn tánh hằng hữu của tôi, tôi là sản phẩm của trường lực. Nỗi sợ chết đã tan biến. Thời đó là 25 năm về trước, đây là một trong những kinh nghiệm giải thoát thật tuyệt vời mà tôi đã chứng ngộ.

Quyền năng của nhận thức trong ngành sinh học mới

Chúng ta có những nhận định về môi trường xung quanh rồi mới điều chỉnh sinh hoạt của mình cho thích hợp, nhưng không phải lúc nào ta cũng nhận thức đúng đắn. Nếu ta cứ ngụp lặn trong tà kiến, thì những tà kiến này sẽ khiến cho sự chấn chỉnh đời sống trở nên sai lạc. Những nhận thức sai có thể hủy hoại đời sống. Nếu hiểu rằng màng tế bào tiếp nhận những kiến giải, rồi nó mới khiến cho các gien gởi những phản hồi ra ngoài môi trường; thì ta mới biết rằng khi đời sống không suôn sẻ, điều cần nên làm là phải thay đổi nhận thức chứ không phải thay đổi các gien. Việc này dễ thực hiện hơn là đem cơ thể ra mà sửa chữa. Thật vậy, đây chính là quyền năng của ngành sinh học mới: Khi kiểm soát được sự nhận thức thì ta mới có chủ quyền trên cuộc sống của mình. Có vài điều sai lầm trong khoa học mà lại được tin tưởng như ‘chân lý’, đó là những giả thuyết sai lầm. Khi nào các giả thuyết này chưa được sửa chửa lại, thì ta vẫn tiếp tục nhận thức sai về mối tương quan giữa mình với địa cầu, với thiên nhiên, cũng như với môi trường. Hậu quả là ta sẽ hủy diệt môi trường, nguồn sinh lực của chúng ta.

Giả định sai lầm đứng đầu cho rằng: vũ trụ được dựng nên bởi vật chất, do đó sự hiểu biết về vũ trụ có thể đạt đến bằng cách nghiên cứu vật chất. Thực ra, một nhận thức về đời sống và môi trường chỉ dựa trên cơ sở vật chất đã không còn chính xác nữa.

Một giả định sai khác: các gien di truyền làm chủ đời sống. Thực ra, chính nhận thức của chúng ta mới làm chủ cuộc sống. Khi thay đổi nhận thức, ta nắm lại chủ quyền trong cuộc sống của mình. Tôi sẽ bàn về vấn đề này sau.

Còn giả định sai thứ ba này rất nguy hiểm: thuyết này theo Darwin cho rằng chúng ta đạt đến trình độ tiến hóa như bây giờ phải thông qua một quá trình tranh đấu sinh tồn, ‘kẻ mạnh nhất mới sống còn’. Ngành sinh học mới cho rằng sở dĩ có tiến hoá là nhờ ở sự cộng tác. Khi chưa hiểu như vậy, nhân loại sẽ còn tiếp tục cạnh tranh với nhau, đấu tranh và tàn phá địa cầu, mà không biết rằng nhân loại cần phải hợp tác để sinh tồn. Cạnh tranh liên tục sẽ làm cho nền văn minh nhân loại bị hủy diệt.

Tương lai của ngành y khoa

Ngày nay người ta hiểu rằng vạn vật trong vũ trụ đều do năng lượng tạo ra ; mặc dù chúng ta thấy sự vật có vẻ như một khối dầy đặc, nhưng thực sự tất cả đều là các dạng năng lượng tương tác với nhau. Ngay cả khi con người giao tiếp nhau trong một môi trường, cũng là đang cùng lúc thu và phóng năng lượng. Có lẽ bạn đã quen dần với các danh từ như ‘thanh khí’ và trược khí’, đó là các làn sóng đang dao động. Tất cả chúng ta đều là năng lượng. Năng lượng trong ta đang phản ảnh năng lượng ở chung quanh bởi vì các nguyên tử trong cơ thể không những phát ra năng lượng mà còn thu hút năng lượng. Mọi sinh vật đều đang cảm thông với nhau bằng các chấn động lực. Động vật cảm thông với cây cỏ và với các loài khác. Các pháp sư dùng chấn động lực nói chuyện với cây cỏ. Nếu bạn cảm nhận được sự khác nhau giữa chấn động lực ‘thanh’ và ‘trược’ thì bạn sẽ luôn luôn có xu hướng đi về nơi nào giúp bạn sinh tồn, phát triển, thương yêu, v.v… và xa lánh nơi nào làm tiêu hao, hủy hoại bạn.

Khi không ý thức các loại chấn động lực này thì chúng ta đã bỏ qua một tín hiệu quan trọng nhất do môi trường phát ra. Môn tân vật lý giúp ta hiểu rằng các dạng năng lượng giao thoa và tương tác với nhau. Cho nên chúng ta cần phải chú tâm đến những lực vô hình này, nó đang tham gia trực tiếp vào những gì xảy ra trong đời sống hằng ngày. Trong khi y khoa không huấn luyện cho các bác sĩ biết rằng năng lượng là một thành phần của hệ thống, họ lại dễ dàng thích nghi với việc dùng các loại máy khám bệnh hiện đại. Thật khôi hài khi họ đọc kết quả như đọc một bản đồ, nhưng họ không hiểu điều căn bản rằng bản đồ của họ chính là những dấu vết của khí lực hiện diện trong cơ thể.

Ví dụ, một hình chụp quang tuyến về bệnh ung thư cho thấy khối ung thư đã phát ra một loại khí lực mang dấu vết riêng của nó. Thay vì cắt bỏ khối ung thư, tại sao lại không thể dùng một loại khí lực, với cách cộng hưởng đặc thù, nó sẽ làm thay đổi khí lực của tế bào ung thư và đem chúng trở về trạng thái quân bình? Có lẽ bệnh sẽ lành. Điều này nghĩ cũng có lý khi ta nhớ đến cái gọi là “dùng bàn tay trị bệnh” đã có cả ngàn năm nay. Bệnh nhân tiếp nhận một loại khí lực để tương tác với cơ thể, và qua cơ chế cộng hưởng có thể làm thay đổi khí lực, nhiên hậu làm thay đổi vật chất, bởi vì vật chất cũng là khí lực. Đây là ngành y khoa tương lai, hiện ta chưa đạt đến trình độ này.

Các nhà vật lý lượng tử cho biết rằng ở bên trong cấu trúc vật chất chỉ có năng lượng (khí lực) tồn tại mà thôi, chúng ta được tạo dựng bởi khí lực. Nghĩa là chúng ta tương tác với mọi thứ nằm trong trường lực. Điều này tạo ra một ảnh hưởng mạnh mẽ đến công tác chăm sóc sức khoẻ. Vật lý lượng tử cho biết các loại khí lực luôn luôn quyện vào nhau. Trong thế giới khí lực, các luồng sóng luôn luôn hoà nhập và tương tác với nhau. Ta không bao giờ có thể hoàn toàn tách rời một người ra khỏi môi trường y đang sống. Vật lý lượng tử cho rằng năng lượng vô hình chuyển tải thông tin hiệu quả hơn gấp trăm lần tín hiệu vật chất (ví dụ như thuốc men). Khi tìm hiểu về sức khoẻ, ta khởi sự nhận ra một thế giới vô hình mà ta chưa có khả năng giao tiếp.

Nói cách khác, trong thế giới lượng tử ta không chú tâm đến vật chất mà đến khí lực. Trong một thế giới của máy móc ta cho rằng có thể hiểu thấu mọi sự việc nhờ pháp giản hóa (reductionism). Nhưng để tìm hiểu vũ trụ trong thế giới lượng tử hiện đại thì ta cần phải hiểu lý nhất thể (holism): bạn không thể nào tách rời một chấn động lực này với chấn động lực khác. Phải biết rằng trong thế giới này ta đang giao tiếp với không biết cơ man nào là chấn động lực.

Đây là định nghĩa của tôi về môi trường: đó là tất cả những gì khởi từ thâm tâm bạn trải ra cho đến tận biên cương của vũ trụ. Nó bao gồm mọi thứ từ những vật thể gần gũi bạn cho đến các hành tinh, mặt trời cùng tất cả những gì đang xảy ra trong thái dương hệ. Chúng ta là một thành phần của toàn thể trường lực (*). Để tóm tắt ý nghĩa điều này tôi xin trích một câu nói của A. Einstein:

‘Trường lực là cơ chế duy nhất thống lãnh các loại hạt tử.’

Điều ông muốn nói là thế này:’Trường lực, loại khí lực vô hình, là cơ chế duy nhất thống lãnh thế giới vật chất.’

Ghi chú của người dịch:

* ‘Trường lực’ (field) cũng có thể dịch là ‘pháp giới’ hiểu theo nghĩa:
- Cái luật chung bao gồm vũ trụ làm một với hư không (Phật học từ điển – Đoàn trung Còn).
- Pháp giới là cơ quan tạo hóa ra vạn vật trong Càn Khôn Vũ Trụ (Cao Đài Từ Điển).
- ‘Bởi chấp thân chấp cảnh nên quên mất chính mình, chứ vị đệ tử kia đâu biết rằng nếu soi rọi và tự tỏ, cảnh-thân đồng một, cùng pháp giới không hai, tất cả hàm linh đồng một chỗ uyên nguyên mà ra, mình cũng chính là tiếng mưa mà cũng là tất cả, một hạt mưa cũng chính là mình, mà tất cả cũng chỉ một không hai không khác.’ (Lục tổ Huệ năng).

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN