-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Trí tuệ của tế bào – phần 3
07/12/2017
Trí tuệ của tế bào – phần 3
Lời giới thiệu: Trong bài này tác giả lại tiếp tục giải thích, khai triển và dẫn chứng về nguyên lý ‘Tâm lý làm chủ sinh lý’ . Ông cũng không quên nhấn mạnh rằng việc áp dụng nguyên lý này vào đời sống hàng ngày sẽ có thể giúp thay đổi cuộc sống cá nhân và xã hội trở nên lành mạnh, hạnh phúc. Luanle.
Tế bào là một sinh vật có trí thông minh. Ta có thể lấy tế bào ra khỏi cơ thể, đặt nó vào một cái đĩa trong phòng thí nghiệm và nó sẽ tự sinh tồn: biết thích ứng vào môi trường, phát triển, sinh sản và liên kết với các tế bào khác để thành lập cộng đồng. Trong cơ thể con người, chúng ta đang giao tiếp với một cộng đồng tế bào rộng lớn phối hợp với nhau rất nhịp nhàng. Trong cái đĩa đó tế bào hành xử như một cá thể riêng biệt, nhưng trong cơ thể các tế bào lại đối xử với nhau như một cộng đồng; nơi đó cá nhân không thể làm bất cứ điều gì mình muốn, vì như thế sẽ làm cho cộng đồng tan rã. Cho nên khi ở trong một cộng đồng, các tế bào có một ý thức chung với khả năng điều hành sinh hoạt của từng tế bào trong nhóm. Thực sự, các tế bào phải chìu theo một mệnh lệnh tối cao. Cơ thể là một cộng đồng với trên 50 ức tế bào sinh hoạt trong sự đoàn kết nhịp nhàng, luôn cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu cũng như mệnh lệnh từ nơi tối cao. Và chính tiếng nói này lại phải tiếp thu cũng như học hỏi từ những nhận thức trong cuộc sống.
Những nhận thức điều hành đời sống xuất phát từ 3 nguồn gốc. Nhóm thứ nhất là từ di truyền, gồm những bản năng chung của con người, ví dụ như tự động rụt bàn tay lại để tránh ngọn lửa đốt nóng. Nhóm thứ hai xuất phát từ tiềm thức, phần này điều hành những chức năng mà ta không cần để ý đến. Ví dụ khi đã tập đi được rồi, thì phần hành điều khiển việc đi lại trở nên một phần của tiềm thức. Ta chỉ cần có ý muốn đi thì bộ óc sẽ phối hợp các động tác. Nhóm thứ 3 đến từ ý thức. Ý thức có khả năng sửa đổi lại những phần hành đã học được còn ghi nhớ trong tiềm thức, và nó cũng có thể điều chỉnh lại ngay cả những sinh hoạt di truyền nữa. Bản chất của ý thức rất đặc biệt bởi vì nó có khả năng thay đổi những gì đã nhận thức trong quá khứ để hình thành những hành vi và lối sống khác hẳn.
Trẻ con học tập như thế nào?
Các di thể làm chủ số mạng con người khi còn đang phát triển trong giai đoạn bào thai. Lúc này vai trò của người phụ nữ coi như chỉ giới hạn trong việc đem máu huyết đến nuôi dưỡng cho thai nhi mà thôi. Nhưng máu của người mẹ còn chứa nhiều thứ hơn là chỉ có chất dinh dưỡng. Trong máu còn chứa các phân tử truyền tin, như phân hoá tố và chất cảm xúc. Bà mẹ luôn luôn biết điều chỉnh sinh lý và tâm lý để thích nghi với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống. Bởi vì máu của mẹ truyền qua nhau đi thẳng đến bào thai cho nên thai nhi cảm nhận được những gì mà mẹ nó đang trải qua. Đây thật là một điều cực kỳ sáng suốt của đấng Tự Nhiên. Bởi vì sau khi sinh ra thì thai nhi cũng sẽ ở trong cùng một môi trường như bà mẹ, cho nên những gì bà mẹ cảm thức được sẽ giúp cho đứa trẻ thích ứng với thế giới đó. Nếu bà mẹ mang nhiều nổi sợ hãi trong cuộc sống thì bà sẽ gởi cho thai nhi một tín hiệu khác với khi bà cảm thấy cuộc sống là một nơi ấm cúng đáng tin cậy.
Khi mẹ bị stress, hormones chuyền qua thai nhi cũng đến những nơi giống như trong cơ thể bà mẹ. Chúng làm cho mạch máu bên trong nội tạng bào thai co lại để đẩy máu ra bên ngoài cơ bắp, chuẩn bị cho hài nhi một phản ứng chiến đấu hay tẩu thoát. Khi bào thai lớn dần, stress sẽ khiến cho hệ cơ bắp thai nhi phát triển thành một cơ thể vạm vỡ, và cũng làm cho các chức năng phía sau não phát triển để điều khiển các phản ứng do stress. Trong một thế giới không ổn định, bà mẹ sẽ sinh ra một đứa trẻ có khả năng chiến đấu cao hơn. Đúng vậy, mặc dầu các di thể chỉ đạo sự phát triển cơ thể, nhưng dòng dữ liệu thông tin chuyển đi từ máu của bà mẹ vào nhau sẽ làm cho từng cơ tạng tăng cường hay thoái hóa.
Hiện nay hầu như ai cũng biết rằng, khi đứa trẻ sinh ra thì nó đã có khả năng cảm nhận hầu hết các cảm xúc biểu lộ nơi người lớn. Hài nhi có thể bày tỏ sự giận dữ, ganh tỵ, thương yêu và buồn bực. Thực sự, cha mẹ đã huấn luyện tâm lý và sinh lý của đứa trẻ để nó thích ứng với cuộc sống. Nếu cha mẹ cảm thấy cuộc đời là bất ổn, thì nó cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ, khi cha mẹ muốn từ bỏ đứa nhỏ, thì cảm xúc sẽ chuyển thông tin này đến bào thai. Thai nhi sẽ biết là nó không được chấp nhận. Ta phải nhận thức rằng việc tạo ra một đứa trẻ là tiến trình hổ tương giữa cha mẹ và thai nhi, điều này rất quan trọng. Thực vậy, những hiểu biết về bệnh học đã cho biết rằng các chứng bệnh như tim mạch, ung thư và mập phì có nguồn gốc từ giai đoạn thai nhi tượng hình. Lúc còn trong lòng mẹ hoàn cảnh chung quanh đã khiến hình thành nên tính cách và sinh lý đứa trẻ trong suốt cuộc đời của nó.
Khi mới sinh ra, đứa trẻ sẽ nhìn vào mặt cha mẹ, trong vòng vài giờ nó đã có thể đọc hiểu được nét mặt của cha mẹ. Điều này rất quan trọng bởi vì nét mặt của cha mẹ sẽ giúp đứa bé hiểu được thế giới của nó. Khi đứa bé bước vào đời mà gặp điều gì mới, đồng thời nó cũng nhận thấy nét mặt cha mẹ lộ vẻ lo lắng sợ hãi, nó sẽ biết rằng điều này cần nên tránh. Nó sẽ biết tránh xa những gì nó thấy đáng sợ, và đây là phản ứng tốt cho sự sinh tồn. Qua quan hệ hỗ tương này, cha mẹ đang huấn luyện cho đứa nhỏ học cách phản ứng. Khi cha mẹ không hiện diện và thân thiết gắn bó với nó thì sự phát triển của nó sẽ có vấn đề, như hội chứng rối loạn tình cảm thân sơ (1). Các trẻ này cũng thấy khó tập trung giống như bị bệnh ADD (Attention Deficit Disorder). Khoa học đã ghi nhận rằng những phản ứng mà cha mẹ đã dạy cho bé góp phần tạo ra thể cách, sức khoẻ và bệnh tật trong đời sống đứa trẻ.
Thích ứng với xã hội
Ở đây ta sẽ tìm hiểu đứa bé học thích ứng nhanh chóng vào xã hội như thế nào: bộ óc của trẻ có thể chuyển tải kinh nghiệm nhanh siêu tốc. Từ khi sinh ra đến 6 tuổi là thời kỳ đứa trẻ học hỏi thật nhanh. Trẻ học từ người lớn cách thức họ đối xử với trẻ em và giữa họ với nhau. Thuật thôi miên cho biết rằng ta có thể chuyển thông tin vào tiềm thức của người khác mà không thông qua ý thức. Tại sao lại nói về điều này? Bởi vì từ 1 đến 6 tuổi, bộ óc của trẻ hoạt động giống như khi bị thôi miên, cho nên bất cứ điều gì nó học đều được ghi nhận trong tiềm thức. Tiềm thức tiếp thu các chương trình này và thường thường phóng trở lại vào ý thức. Có thể kể nào là luật lệ xã hội, cách sinh hoạt, các tiểu dị của ngôn ngữ. Một đứa trẻ 3 tuổi có thể học cùng một lúc 3 thứ tiếng mà không lẫn lộn câu cú, từ ngữ và văn phạm. Khi lên 8 tuổi thì học một sinh ngữ cũng rất khó khăn. Tại sao lại có sự khác biệt? Bởi vì khi trẻ dưới 6 tuổi thì phần ý thức chưa được phát triển cho nên nó không gây cản trở việc tiếp thu. Những kinh nghiệm mà trẻ gặp gỡ hàng ngày được gieo thẳng vào tiềm thức. Cũng trong lúc này, ý niệm về bản ngã phát triển và sẽ luôn hiện diện trong suốt cuộc đời.
Quyền năng của ý thức
Con người có nhiều quyền năng và chúng ta có thể tạo ra phép lạ. Thực ra phép lạ chỉ là những điều khoa học chưa thể giải thích được. Phép lạ xuất hiện hàng ngày. Ví dụ có người bị bệnh ung thư, bổng nhiên họ thay đổi nhận thức và bệnh được chữa lành. Khi thay đổi nhận thức thì họ cũng khiến cho cấu trúc tế bào thay đổi. Điều này có thể được gọi là sự vận hành của ‘biểu sinh học’ (2), là các sự xúc tác trong phân tử đem lại quyền năng cho con người. Thay vì nghĩ rằng ta là nạn nhân của tế bào, ngành khoa học mới cho rằng ta có quyền năng điều khiển tế bào.
Lịch sử đã ghi lại nhiều câu chuyện về quyền năng của tư tưởng. Cái gọi là hiệu ứng thuốc giả thực ra chỉ là hiệu ứng của nhận thức. Nếu ta tin vào một điều gì có thể giúp, thì chính niềm tin này có khả năng chữa bệnh. Trong những loại thuốc bán đắt nhất trên thị trường có các loại như thuốc Prozac và Zoloftand, cũng nhờ luật tự do thông tin mà các phòng bào chế mới tiết lộ rằng các loại thuốc này cũng nào có hiệu quả hơn các loại thuốc giả đâu. Hiệu ứng thuốc giả là một điều mà chúng ta còn chưa biết cách lợi dụng, đây có ý nói rằng niềm tin có khả năng điều khiển được sinh lý cơ thể. Hiện nay người ta đã chấp nhận rằng 1/3 trong tổng số bệnh nhân đã được chữa lành là do hiệu ứng thuốc giả, hay hiệu ứng trấn yên, kể cả những người đã được giải phẫu.
Nhưng có một điều quan trọng nhất đã bị quên lãng, đó là một hiệu ứng trái ngược với placebo, gọi là ‘nocebo’ (3) . Điều này xảy ra khi một tư tưởng hay một niềm tin tiêu cực gây ảnh hưởng cho đời sống. Ví dụ, nếu một chuyên gia như bác sĩ nói rằng bạn sẽ chết trong vòng 3 tháng và bạn tin lời, thì có thể bạn sẽ ghi nhận ngày này, rồi bắt đầu buông bỏ mọi chuyện thế gian và thực sự chết trong vòng 3 tháng. Nói chung, hiệu ứng ‘placebo’ và ‘nocebo’ là hai mặt của một đồng tiền, là hiệu ứng của nhận thức. Nhưng đây là vấn đề: tiềm thức của chúng ta có thể xử lý dữ liệu nhanh hơn ý thức cả triệu lần. Chúng ta đều tin tưởng rằng ý thức của mình đang vận hành cuộc sống. Chính tôi muốn sống như vậy. Tôi muốn làm nhiều chuyện tuyệt vời. Nhưng đời sống thực tế lại xảy ra không đúng như ý nguyện, vì vậy mà có khuynh hướng nói rằng:”Tôi không thể nào đạt được điều tôi muốn, cuộc sống không đem nó đến cho tôi.” Thế là chúng ta chịu đóng vai nạn nhân. Có những điều mặc khải mới đã làm đảo lộn hoàn toàn lối suy nghĩ này. Hiện nay chúng ta đã nhận ra rằng từ 95% đến 99% những sinh hoạt nhận thức của chúng ta đến từ tiềm thức, ý thức chỉ chủ động được dưới 5%.
Khi thực tập ám thị hoặc suy nghĩ lạc quan, là ta đang sử dụng một bộ phận nhỏ bé chỉ có 5% sức mạnh. Nghĩa là phải nhờ vào ý chí để chế ngự phần tiềm thức. Đây thật là một công việc gần như bất khả thi, bởi vì khi mà mắt ta rời khỏi mục tiêu thì mọi thứ tự động đâu lại vào đó. Suy nghĩ lạc quan cũng tốt, vẫn còn khá hơn là suy nghĩ bi quan, nhưng khi mà ta dùng ý thức vận dụng tư tưởng tốt lành, thì tiềm thức vẫn dư sức vận hành theo những chương trình hạn hẹp ngược dòng của riêng nó. Hậu quả là đối với hầu hết mọi người, những tư tưởng lạc quan không giúp cải thiện tình hình chút nào.
Như vậy không có nghĩa là ý thức không có sức mạnh, bởi vì nó có thể vận dụng bất cứ cái gì trong cơ thể. Ta thường quen nghĩ rằng ý thức chỉ có thể điều khiển bộ xương tay và chân. Nhưng các nhà yoga lại có thể dùng ý thức để làm thay đổi nhiệt độ cơ thể, áp huyết và nhịp tim. Khi ý thức tập trung vào bất cứ cơ quan hay chức năng nào của cơ thể thì nó có thể điều khiển cái đó. Nhưng ý thức với khả năng hạn hẹp, không thể điều khiển nhiều việc cùng một lúc như tiềm thức bởi vì tiềm thức làm việc nhanh hơn cả triệu lần.
Hầu hết mọi người ít khi nào dùng ý thức. Sinh hoạt hàng ngày của họ đều do các chương trình trong tiềm thức điều khiển. Vậy thì tiềm thức vận hành những chương trình nào? Xin thưa, cũng chính là những chương trình mà khi xưa đã được chuyển tải vào trong tiềm thức. Không có chi khác. Nó tiếp thu cái gì thì nó cũng phóng ra cái đó trong suốt cuộc đời, trừ khi ta mở nó ra và ghi chép lại. Ý thức thường không biết đến những gì tiềm thức làm bởi vì cả hai làm việc song song không kiểm soát nhau. Cho nên khi đời sống không theo đúng ý nguyện của mình thì phải chăng là bởi vì trời đất không cho ta cơ hội hay là vì ta đã tự mình làm cho nó hư hỏng? Hầu như chắc chắn rằng ta đã làm hư đời ta do những chương trình gò bó, hạn hẹp nằm sẵn trong tiềm thức.
Ta có cần phải quay trở lại quá khứ để biết thế nào mà những chương trình này lại có ở đó? Tuyệt đối không thể được. Tiềm thức không có tương lai mà cũng chẳng có quá khứ. Lúc nào nó cũng chỉ biết có hiện tại. Khi môi trường gởi đến một tín hiệu, nó tiếp nhận rồi gửi phản hồi. Đó là tiềm thức. Không có ai ở đó cả, trong tiềm thức không có ai để nói chuyện hay thương thảo. Ta phải tìm cách khác để ảnh hưởng đến sự vận hành của tiềm thức. Có một cách mà các tu sĩ phật giáo sử dụng, đó là pháp tỉnh thức, mình cần phải tỉnh thức trong mọi lúc và làm từng hành động bằng óc sáng tạo, chứ không phải bằng thói quen đến từ tiềm thức. Pháp môn yoga cũng có những cách thực hành khác nhau. Và còn vài cách khác nữa là pháp thôi miên, ngành ‘năng lượng tâm lý học’ (energy psychology), là các cách để nhận diện và sửa đổi những niềm tin đã khắc sâu vào tiềm thức.
Gánh vác trách nhiệm của mình
Ngành sinh học mới rất quan trọng vì nó giải thích tại sao ta lại thiếu trách nhiệm, tại sao ta lại không biết khả năng mình đến đâu trong việc làm chủ cuộc đời và hoàn cảnh chung quanh ta, tại sao ta lại đang bước vào tử lộ, và tại sao thế giới đang tan rã. Chúng ta đang huỷ hoại môi trường. Ta đang đối diện với khủng hoảng ở mọi mặt, trong đó có sức khoẻ. Khi mọi người sống trong sợ hãi thì càng làm cho cuộc khủng hoảng về y tế cộng đồng trở nên trầm trọng hơn, bởi vì nỗi sợ hãi sẽ khởi động phản ứng tự vệ khiến cho cơ chế phát triển và chức năng miễn nhiễm bị triệt tiêu. Chúng ta đang ở trong vòng lẩn quẩn của sợ hãi và bệnh tật. Đây là lời kêu gọi tỉnh thức. Cuối cùng ta chỉ biết trông cậy vào từng cá nhân nắm lại quyền làm chủ đời mình mà thôi.
Các ngành khoa học mới như Biểu Sinh Học và Cơ Học Lượng Tử hiểu được tầm quan trọng của trường lực vô hình trong việc vận hành đời sống, trong đó có tư tưởng (thần lực) và khí lực góp phần xây dựng nên hoàn cảnh hiện tại. Sự thức giác mới mẻ này đang làm thay đổi thế giới quan của chúng ta. Ngày nay chúng ta biết rằng chính ta làm chủ các gien, chính ta làm chủ đời sống của mình. Tư tưởng của chúng ta là những thực thể. Tư tưởng ảnh hưởng đến sinh lý. Các nhà vật lý học bắt đầu biết rằng thần lực là nền tảng cấu trúc của vũ trụ. Quyền năng của chúng ta sẽ tăng cường khi nhận biết được những điều này. Những chủng tử trụ trong tiềm thức đã triển khai thành đời sống hiện tại. Điều ta cần phải làm là duyệt lại cuộc sống và nhận ra cái gì cần phải sửa đổi. Những điều gì ta cố gắng đạt đến nhưng không thành tựu là phản ảnh sự kiện trong đó tiềm thức đang chứa chấp các chướng ngại. Ta không cần phải đi ngược dòng để tìm xem làm thế nào mà những điều này lại trụ được ở đó, vì như thế cũng không khác nào ta giết người đưa thư vì những tin xấu. Mặc dầu ta có thể sửa đổi các chướng ngại này bằng nhiều cách, nhưng khi ta chưa thực hành tu sửa thì mình vẫn còn là tên nô lệ của tiềm thức. Không phải là nô lệ cho người thế gian mà là nô lệ cho những thói quen tư tưởng của chính ta. Khi ta khai thông những bế tắc thì sẽ trở nên đầy quyền năng. Chỉ có lúc đó ta mới có thể chứng nghiệm được câu nói của Jesus: “Các ngươi có thể làm các phép lạ này còn giỏi hơn ta khi các ngươi có đức tin”.
Bạn và tôi đều cần có nhận thức chung. Chỉ có thức giác thôi vẫn chưa đủ, mà thực sự phải áp dụng sự tỉnh thức để làm thay đổi đời sống. Trong khi ý thức có thể dẫn ta đi đến mục tiêu, thì ta cần phải thực hành để đem phép lạ vào đời sống. Chúng ta đang tham dự một cuộc chạy đua tối cần thiết nhằm đến mục tiêu tự thay đổi mình để thay đổi môi trường cho địa cầu trở lại quân bình. Khi có niềm tin như vậy thì con người sẽ bắt đầu giúp đỡ nhau thay vì chém giết lẫn nhau. Tương lai của chúng ta trông cậy vào sự nhận thức rằng: một khối con người liên kết nhau chặc chẽ thì vĩ đại hơn là một khối những cá nhân sống riêng rẽ.
Hãy nghĩ như thế này: bên dưới lớp da bao bọc cơ thể là 50 ức tế bào sống hoà hợp trong một môi trường khép kín. Các tế bào này rất thông minh. Ta thường hay có thói quen khinh khi tất cả những gì không phải con người là kém thông minh. Sự tự cao này đã làm hại ta rất nhiều. Nếu nhìn vào cơ thể bạn sẽ thấy cả ức tế bào đang sống trong hoà hợp, hãy biết rằng: mỗi tế bào là một sinh linh như mỗi người chúng ta. Mỗi tế bào sống trong một cộng đồng và làm việc để phục vụ cộng đồng. Đâu đó có luật lệ. Tế bào được phục vụ, chăm sóc. Hệ miễn nhiểm lo về sức khoẻ. Cơ quan bài tiết giữ vệ sinh chung. Bộ tiêu hoá phân phối thức ăn. Một xã hội gồm hàng ức cá nhân trong cơ thể đang sống mạnh khi ta có sức khoẻ, trong khi đó chỉ có vài tỷ người trên trái đất mà lại lâm vào tình cảnh mất quân bình và làm cho môi trường bị hủy hoại.
Nhận thức này đưa ta đến thời đại của những tin tưởng huyền bí, lúc đó họ cho rằng: “Câu trả lời nằm ở bên trong các ngươi.” Nếu chúng ta muốn học cách tổ chức hoàn hảo vài tỷ con người trên trái đất, thì câu trả lời nằm ở ngay bên dưới lớp da của ta. Con người đang tiến hoá. Nhân loại sẽ tiến đến dạng cộng đồng đa nguyên và lúc đó ta sẽ biết rằng khi mình chống phá người khác thì chính là ta đang chống lại ta. Nhân loại là một cơ thể có nhiều tế bào, mỗi người là một tế bào trong cơ thể. Khi hiểu như thế chúng ta nên ngưng làm hại lẫn nhau và bắt đầu tổ chức lại xã hội cho giống như những gì đang hiện hành bên trong cơ thể. Khi đạt đến điểm đó thì địa cầu sẽ hoàn tất hành trình tiến hoá giống như một tế bào sống. Vai trò của chúng ta là gì trong tế bào địa cầu? Chúng ta giống như là các phân tử protein trên màng tế bào địa cầu. Chúng ta là những tế bào thụ cảm (receptors) trên mặt đất đang tiếp nhận tín hiệu từ môi trường và cũng là các tế bào thực hiện (effectors) đang tham gia thể hiện mọi sắc thái của địa cầu! Chúng ta còn giữ hạnh nguyện ban đầu hay không? Các sắc tộc thổ dân vẫn còn hiện diện và họ đang nhắc nhở rằng chúng ta là những người có nhiệm vụ chăm sóc khu vườn, và những gì ta làm hiện nay đang làm hư hỏng cả khu vườn. Nhưng khi đã tiến hoá cao hơn ta sẽ biết đến quyền năng của tâm thức. Bây giờ chúng ta phải tự tổ chức đời sống hướng về tương lai. Chúng ta có thể sáng tạo ra một kinh nghiệm hoàn toàn khác trên quả địa cầu. Khi địa cầu hoàn tất hành trình tiến hóa, nó sẽ trở thành một cá thể sống động. Lịch sử tiến hoá cho thấy rằng khi một đơn vị hoàn tất một trình độ nào thì nó sẽ kết hợp với những đơn vị khác cùng trình độ để tạo nên một cơ cấu xã hội mạnh mẽ hơn. Cho nên tôi tiên đoán rằng lúc đó chúng ta sẽ bắt đầu tiếp xúc với các hành tinh khác, các tế bào khác trong vũ trụ, để tạo ra một hệ thống rộng lớn của những tế bào sống bao gồm các hành tinh trong vũ trụ. Chúng ta có hy vọng và khả năng lớn lao trước mặt. Chúng ta đang sống trong một khu vườn đầy sức sống, một khu vườn nâng đỡ cho tất cả mọi người, nơi đây ta có thể an hưởng sự thịnh vượng và hạnh phúc.
Ghi chú:
(1) attachment disorder: đứa nhỏ trở nên không gắn bó với cha mẹ và không phân biệt người lạ hay quen, ai nói gì cũng nghe theo.
(2) Một định nghĩa về biểu sinh học tìm được trên net:
Biểu Sinh Học’: Đây là một chuyên ngành nghiên cứu các đặc trưng di truyền nào không được mã hoá ở chuỗi gien, mà xuất hiện nhờ mối tương tác giữa DNA với các phân tử khác, hoặc giữa các protein với nhau. Cần biết rằng trong khi DNA hàm chứa trong một chừng mực nào đó “ký ức” của loài và nòi giống, thì biểu sinh là một hiện tượng có thể quyết định khi nào thì kích hoạt hoặc ức chế các gien nào. Chính môi trường đã ảnh hưởng đến các dấu hiệu biểu sinh này, dẫn đến những thay đổi khả dĩ trong quá trình biến đổi di truyền đến nhiều thế hệ đời sau.
(3) Nocebo là tác dụng của bi quan, tiêu cực.
HẾT
Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.