Từ thuốc tới thiền – 18 – chết với chân giá trị

YduocNHH 07/12/2017

Từ thuốc tới thiền – 18 – chết với chân giá trị

Chết với chân giá trị

Chết tự nhiên là gì? Đây là câu hỏi có ý nghĩa, và có nhiều điều ngụ ý có thể có trong đó. Điều đơn giản nhất và hiển nhiên nhất là ở chỗ con người chết đi chẳng có nguyên nhân gì: người đó đơn giản trở nên già đi, già hơn, và việc thay đổi từ tuổi già sang cái chết không qua bất kì bệnh tật nào. Cái chết đơn giản là tuổi già tối thượng – mọi thứ trong thân thể bạn, trong não bạn, đều dừng hoạt động. Đây sẽ là ý nghĩa thông thường và hiển nhiên của cái chết tự nhiên.

Nhưng với tôi cái chết tự nhiên có ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều: người ta phải sống cuộc sống tự nhiên để đạt tới cái chết tự nhiên. Cái chết tự nhiên là đỉnh điểm của cuộc sống đã được sống một cách tự nhiên, không bất kì cấm đoán nào, không bất kì kìm nén nào – hệt như cách con vật sống, chim chóc sống, cây cối sống, không bất kì chia chẻ nào… cuộc sống buông bỏ, cho phép tự nhiên tuôn chảy qua bạn không có bất kì cản trở nào từ phía bạn, dường như bạn vắng mặt và cuộc sống đang di chuyển theo cách riêng của nó. Thay vì bạn sống cuộc sống, cuộc sống sống bạn, bạn là phụ; thế thì đỉnh điểm sẽ là cái chết tự nhiên. Theo định nghĩa của tôi chỉ người đã thức tỉnh mới có thể chết cái chết tự nhiên; ngoài ra tất cả mọi cái chết đều phi tự nhiên bởi vì tất cả các cuộc sống là phi tự nhiên.

Làm sao bạn có thể đi tới cái chết tự nhiên, khi sống cuộc sống phi tự nhiên? Cái chết sẽ phản ánh tột đỉnh tối thượng, cao trào của toàn bộ cuộc sống bạn. Dưới dạng cô đọng, nó là tất cả những điều bạn đã sống qua. Cho nên chỉ rất ít người trên thế giới mới chết một cách tự nhiên bởi vì chỉ rất ít người đã sống một cách tự nhiên. Huấn luyện của chúng ta không cho phép chúng ta được tự nhiên. Huấn luyện của chúng ta, ngay từ ban đầu, dạy chúng ta rằng chúng ta phải là cái gì đó còn hơn tự nhiên, rằng chỉ là tự nhiên mới là con vật; chúng ta phải là siêu tự nhiên. Và điều đó dường như rất logic. Tất cả các tôn giáo đều đã từng thuyết giảng điều này – rằng là con người có nghĩa là vượt lên trên tự nhiên – và họ đã thuyết phục nhân loại trong hàng thế kỉ để vượt lên trên tự nhiên. Không ai đã thành công trong việc vượt lên trên tự nhiên cả. Tất cả mọi điều họ đã thành công là phá huỷ cái tự nhiên của họ, cái đẹp tự phát, cái hồn nhiên của họ. Con người không cần siêu việt lên trên tự nhiên. Tôi nói với các bạn, con người phải hoàn thành tự nhiên – điều không con vật nào có thể làm được. Đó là khác biệt.

Tôn giáo đã tinh ranh, dối trá và lừa bịp mọi người. Họ đã tạo ra sự phân biệt rằng con vật là tự nhiên còn bạn phải siêu nhiên. Không con vật nào có thể nhịn ăn; bạn không thể thuyết phục bất kì con vật nào rằng nhịn ăn là cái gì đó thiêng liêng. Con vật chỉ biết rằng nó đói, và không có khác biệt gì giữa nhịn ăn và đói cả. Bạn không thể thuyết phục bất kì con vật nào đi ngược lại tự nhiên.

Điều này đã tạo ra một cơ hội cho cái gọi là những người tôn giáo, bởi vì con người có khả năng ít nhất là đấu tranh chống lại tự nhiên. Người đó sẽ không bao giờ thắng lợi cả, nhưng người đó có thể tranh đấu. Và trong tranh đấu người đó sẽ không phá huỷ tự nhiên; người đó sẽ phá huỷ chỉ bản thân mình. Đó là cách con người đã phá huỷ bản thân mình – mọi niềm vui của mình, mọi tình yêu của mình, mọi vĩ đại của mình – và đã không trở thành một cái gì đó cao hơn con vật, mà là một cái gì đó thấp hơn, trong mọi cách có thể. Có lẽ các bạn chưa bao giờ nghĩ về điều đó: không con vật hoang dã nào đồng dục. Chính cái ý tưởng này, và toàn bộ thế giới con vật sẽ phá lên cười. Điều đó đơn giản là xuẩn ngốc! Nhưng trong vườn thú, nơi con cái không có sẵn, con vật biến thành đồng dục do sự cần thiết cực điểm.

Nhưng con người đã biến thế giới này thành vườn bách thú: hàng triệu và hàng triệu người đồng dục, đồng dục nữ, người thú dâm, và đủ thứ tầm thường – đủ mọi loại đồi bại. Và ai chịu trách nhiệm? Người dạy bạn vượt ra ngoài tự nhiên, đạt tới điều thiêng liêng siêu nhiên…

Bất kì khi nào bạn ép buộc điều gì đó, kết quả không định đem lại cải thiện. Trong nhiều lĩnh vực, bởi các tôn giáo khác nhau, điều đó đã được thử để làm cho con người là một cái gì đó trên tự nhiên. Kết quả đã là thất bại, không ngoại lệ nào cả. Bạn được sinh ra như một sinh linh tự nhiên. Bạn không thể nào vượt lên trên bản thân mình. Đấy cũng hệt như là tự nâng mình lên khỏi mặt đất bằng việc kéo chân mình lên. Bạn có thể nhảy lên một chút, nhưng sớm hay muộn bạn rơi trở lại mặt đất, và bạn có thể bị gãy xương. Bạn không thể bay được.

Và đó là điều đã được làm. Mọi người đã cố gắng nâng mình lên trên tự nhiên, điều có nghĩa là trên bản thân mình. Họ không tách khỏi tự nhiên, nhưng ý tưởng này phù hợp với bản ngã của họ: bạn không phải là con vật cho nên bạn phải ở trên tự nhiên; bạn không thể hành xử giống con vật. Mọi người thậm chí đã thử làm con vật không hành xử như con vật; họ đã thử làm cho chúng đi lên cao hơn tự nhiên một chút.

Vào thời Victoria tại England chó được mặc quần áo khi người ta đưa chúng đi dạo. Chó có áo choàng để ngăn cản chúng khỏi tự nhiên, để ngăn cản chúng khỏi ở truồng và trần trụi – điều vốn thích hợp cho con vật. Những loại người này đang cố gắng nâng con chó của mình lên cao hơn con vật chút ít.

Bạn sẽ ngạc nhiên biết rằng trong thời Victoria ở England, thậm chí đến chân ghế cũng được bao bọc – bởi một lí do đơn giản rằng chúng đã được gọi là chân, và chân cần phải được che đậy. Bertrand Russell, người sống gần một thế kỉ – một cuộc sống dài – nhớ lại thời thơ ấu của mình là việc thấy chân của phụ nữ cũng đủ làm kích động dục. Trang phục đã được làm thời đó theo cách chúng che phủ hết cả bàn chân; bạn không thể thấy được bàn chân.

Người ta đã tin, cho dù một trăm năm trước đây, rằng phụ nữ của gia đình hoàng gia không có hai chân. Hoàng gia bằng cách nào đó phải khác với thứ dân, người thường, và không ai thấy – và cũng chẳng có khả năng nào để thấy – liệu chân của họ có tách biệt lẫn nhau không. Nhưng bản ngã… những người hoàng gia này đã không làm điều đó rõ ràng: “Điều này là vô nghĩa, chúng tôi là con người như các bạn vậy.” Bản ngã ngăn cản họ. Nếu mọi người sùng bái họ, thế thì sao phải bận tâm? – vẫn cứ là hoàng gia đi. Đó là một trong những lí do tại sao gia đình hoàng gia không cho phép bất kì ai, người thường, được lấy người trong hoàng gia, bởi vì người đó có thể phơi bầy toàn bộ vấn đề: “Những người này cũng chỉ là con người như mọi người khác; chẳng có gì hoàng gia về họ cả.” Nhưng trong nhiều thế kỉ họ vẫn duy trì cái ý tưởng này.

Tôi cũng muốn bạn khác với con vật, nhưng không theo nghĩa rằng bạn có thể đi cao hơn tự nhiên – không. Bạn có thể đi sâu hơn tự nhiên, bạn có thể tự nhiên hơn con vật. Chúng không được tự do, chúng đang trong cơn mê sâu; chúng không thể nào làm được bất kì điều gì khác hơn điều tổ tiên chúng đã làm từ hàng nghìn năm.

Bạn có thể tự nhiên hơn bất kì con vật nào. Bạn có thể đi vào các chiều sâu không đáy của tự nhiên, và bạn có thể đi lên các đỉnh rất cao của tự nhiên, nhưng bạn sẽ không vượt ra ngoài theo bất kì cách nào. Bạn sẽ trở thành tự nhiên hơn, bạn sẽ trở thành tự nhiên nhiều chiều hơn. Với tôi con người tôn giáo không phải là người ở trên tự nhiên, mà là người hoàn toàn tự nhiên, tràn đầy tự nhiên, người đã thám hiểm tự nhiên theo đủ mọi chiều của nó, người đã không bỏ lại cái gì không được thám hiểm.

Con vật bị tù đày; chúng có một vùng giới hạn của sự hiện hữu. Con người có khả năng, thông minh, tự do để thám hiểm. Và nếu bạn đã thám hiểm tự nhiên một cách toàn bộ, bạn đã về tới nhà – tự nhiên là nhà bạn. Và thế thì cái chết là niềm vui, là lễ hội. Thế thì bạn chết không phàn nàn gì; bạn chết với sự biết ơn sâu sắc, bởi vì cuộc sống đã cho bạn nhiều thế, còn cái chết đơn giản là chiều cao tối thượng của tất cả những điều bạn đã sống.

Cũng giống như trước khi ngọn lửa của cây nến tắt đi nó bùng cháy sáng nhất. Con người tự nhiên, trước khi người đó chết, sống sáng rực trong khoảnh khắc; người đó là tất cả ánh sáng, tất cả chân lí. Với tôi điều này là cái chết tự nhiên. Nhưng nó phải được giành lấy, nó không được trao cho bạn. Cơ hội này được trao cho bạn, nhưng bạn phải thám hiểm, bạn phải giành lấy nó, bạn phải xứng đáng. Thậm chí để thấy cái chết của một người đích thực, chỉ ở gần người đó trong khi người đó chết, bạn sẽ bỗng nhiên được tràn đầy với niềm vui kì lạ. Nước mắt bạn sẽ không phải bởi buồn bã, buồn rầu; chúng sẽ là bởi lòng biết ơn và phúc lạc – bởi vì khi một người chết một cách tự nhiên, việc sống cuộc sống người đó tràn đầy, người đó trải rộng bản thể mình vào trong toàn thể tự nhiên. Những người hiện diện và ở gần người đó đều được tắm… một sự tươi mát bất thần, một làn gió thoảng, một hương thơm mới và một cảm giác mới rằng cái chết không phải là cái gì đó xấu, rằng cái chết không phải là cái gì đó phải sợ, rằng cái chết là cái gì đó phải giành lấy, phải được xứng đáng.

Tôi dạy bạn nghệ thuật của cuộc sống. Nhưng nó cũng có thể được gọi là nghệ thuật của cái chết nữa. Chúng cả hai đều như nhau.

Trong tâm trí phương Tây, ốm bệnh, bệnh tật, đau đớn và cái chết tất cả được nhóm lại – được gói lại thành một gói. Từ đó vấn đề nảy sinh. Cái chết là đẹp; ốm bệnh thì không, đau đớn thì không, bệnh tật thì không đẹp. Cái chết không phải là lưỡi gươm cắt đứt cuộc sống bạn, nó giống như hoa vậy – hoa tối thượng – cái nở ra vào khoảnh khắc chót. Nó là đỉnh cao. Cái chết là hoa trên cây của cuộc sống. Nó không phải là chấm dứt cuộc sống mà là cao trào. Nó là cực thích tối thượng. Chẳng có gì sai trong cái chết cả; nó là đẹp – nhưng người ta cần biết cách sống và cách chết. Có nghệ thuật sống và có nghệ thuật chết; và nghệ thuật thứ hai còn giá trị nhiều hơn nghệ thuật thứ nhất. Nhưng nghệ thuật thứ hai có thể được biết tới chỉ khi bạn đã biết nghệ thuật thứ nhất. Chỉ những người biết cách sống đúng mới biết cách chết đúng. Và thế thì cái chết là cánh cửa tới điều thiêng liêng.

Cho nên, điều đầu tiên: xin giữ cái chết tách rời ra. Nghề y chỉ nghĩ đến ốm yếu, bệnh tật và đau khổ. Họ không cần tranh đấu chống lại cái chết. Điều đó đang tạo ra rắc rối trong tâm trí phương Tây, trong các bệnh viện phương Tây, trong y học phương Tây. Mọi người đang tranh đấu chống lại cái chết. Mọi người gần như sống dật dờ trong bệnh viện, chỉ sống dựa vào thuốc. Họ bị buộc phải sống một cách không cần thiết khi họ đáng sẽ chết một cách tự nhiên. Qua hỗ trợ của thuốc cái chết của họ bị trì hoãn. Họ không còn công dụng gì, cuộc sống không còn công dụng gì cho họ, trò chơi đã hết, họ đã chấm dứt. Bây giờ giữ cho họ sống chỉ làm cho họ đau khổ thêm. Đôi khi họ có thể trong cơn mê, và một người có thể trong cơn mê hàng tháng hay nhiều năm. Nhưng bởi vì có đối nghịch với cái chết nên điều đó đã trở thành vấn đề lớn trong tâm trí phương Tây: phải làm gì khi một người đang trong cơn mê và sẽ không bao giờ khôi phục lại, nhưng có thể được giữ cho sống nhiều năm? Người đó sẽ là cái xác, chỉ là cái xác thở, có thế thôi. Người đó đơn giản sống dật dờ, sẽ không có cuộc sống. Vấn đề là gì? Tại sao không cho phép người đó chết? Có sợ về cái chết. Cái chết là kẻ thù – làm sao lại đầu hàng kẻ thù, cái chết?

Cho nên có tranh luận sôi nổi trong tâm trí y học phương Tây. Phải làm gì? Người ta có nên được phép chết không? Người ta có nên được phép quyết định liệu mình muốn chết không? Gia đình có nên được phép quyết định liệu họ muốn người đó chết hay không? – bởi vì đôi khi người này có thể vô ý thức và không thể quyết định được. Nhưng có quyền giúp ai đó chết đi không? Nỗi sợ lớn nảy sinh trong tâm trí phương Tây. Chết đi sao? Điều đó có nghĩa là bạn đang giết người! Toàn bộ khoa học tồn tại để giúp cho người đó sống. Bây giờ điều này là ngu xuẩn! Cuộc sống trong bản thân nó không có giá trị trừ phi có niềm vui, trừ phi có điệu vũ, trừ phi có cái gì đó sáng tạo, trừ phi có tình yêu – cuộc sống trong bản thân nó là vô nghĩa. Chỉ sống là vô nghĩa. Một điểm sẽ tới khi người ta đã sống, một điểm tới khi chết là tự nhiên, khi chết đi là đẹp. Hệt như khi bạn đã làm xong việc cả ngày, một điểm tới khi bạn rơi vào giấc ngủ; cái chết là một loại giấc ngủ – giấc ngủ sâu hơn. Bạn sẽ được sinh ra lần nữa trong một thân thể mới hơn với máy móc mới hơn, với những tiện nghi mới, với những cơ hội mới, thách thức mới. Thân thể này già rồi và người ta phải bỏ lại nó; nó chỉ là chỗ trú ngụ…

Tại phương Đông chúng ta có cái nhìn khác: cái chết không phải là thù mà là bạn. Cái chết cho bạn nghỉ ngơi. Bạn đã trở nên mệt mỏi, bạn đã sống cuộc sống của mình, bạn đã biết tất cả mọi niềm vui có thể được biết trong cuộc sống, bạn đã đốt cháy toàn bộ cây nến của mình. Bây giờ đi vào trong bóng tối, nghỉ ngơi một chốc và thế rồi bạn có thể được sinh ra lần nữa. Cái chết sẽ làm sống lại bạn lần nữa theo một cách tươi tắn hơn.

Cho nên điều đầu tiên: Cái chết không phải là kẻ thù.

Điều thứ hai: Cái chết là kinh nghiệm lớn nhất trong cuộc sống nếu bạn có thể chết một cách có ý thức. Và bạn có thể chết một cách có ý thức chỉ nếu bạn không sợ nó. Nếu bạn chống lại nó bạn trở nên rất hãi hùng, rất sợ sệt. Khi bạn sợ đến mức mà bạn không thể nào dung thứ được cái sợ đó, có cơ chế tự nhiên trong thân thể, tiết ra thuốc mê vào trong thân thể và bạn trở nên vô ý thức. Có một điểm mà bên ngoài nó khả năng chịu đựng sẽ không thể có được; bạn trở thành vô ý thức. Cho nên hàng triệu người chết đi một cách vô ý thức và bỏ lỡ một khoảnh khắc vĩ đại, vĩ đại nhất trong tất cả các khoảnh khắc. Đó là samadhi, đó là satori, đó là thiền xảy ra cho bạn. Đó là món quà tự nhiên.

Nếu bạn có thể tỉnh táo và bạn có thể thấy rằng bạn không phải là thân thể… Bạn sẽ phải thấy, bởi vì thân thể sẽ biến mất. Chẳng mấy chốc bạn sẽ có khả năng thấy rằng bạn không là thân thể, bạn tách biệt. Thế thì bạn sẽ thấy bạn đang tách ra khỏi tâm trí nữa; thế thì tâm trí sẽ biến mất. Và thế thì bạn sẽ chỉ là ngọn lửa của nhận biết, và đó là phúc lành lớn nhất có đó. Cho nên đừng nghĩ về cái chết như ốm yếu, bệnh tật và đau khổ của con người.

Tự do chọn lựa cái chết của bạn nên được chấp nhận như quyền tập ấm của mọi con người. Một giới hạn có thể được đặt ra cho nó, chẳng hạn, bẩy mươi nhăm tuổi. Sau độ tuổi bẩy mươi nhăm bệnh viện nên sẵn sàng giúp cho bất kì ai muốn gạt bỏ thân thể mình. Mọi bệnh viện nên có một nơi dành cho người sắp chết, và những người đã chọn chết nên được trao cho sự quan tâm và giúp đỡ đặc biệt. Cái chết của họ sẽ đẹp.

Mọi bệnh viện nên có một giáo viên về thiền.

Người sắp chết nên được cho một tháng và sẽ được cho phép… nếu người đó đổi ý kiến người đó có thể quay lại, bởi vì không ai ép buộc người đó. Những người hay xúc động, người muốn tự tử không thể vẫn còn xúc động trong một tháng – xúc động có thể là tạm thời. Phần lớn những người tự tử, nếu họ chờ đợi một thời gian lâu hơn, họ sẽ không tự tử chút nào. Đấy là từ giận dữ, từ ghen tị, từ hận thù hay cái gì đó mà họ quên mất giá trị của cuộc sống.

Toàn bộ vấn đề là ở chỗ các chính khách coi việc chấp nhận chết tự nguyện, có nghĩa là tự tử, không là tội ác. Không, điều đó không có nghĩa như thế. Tự tử vẫn là một tội ác. Chết tự nguyện sẽ là việc cho phép của ban y tế. Việc ở lại một tháng trong bệnh viện – mọi loại giúp đỡ có thể được trao cho người này để trở nên bình thản và yên tĩnh… tất cả bạn bè tới gặp người đó, vợ người đó, con người đó, bởi vì người đó đang đi trên một cuộc hành trình dài. Không có vấn đề ngăn cản người đó – người đó đã sống lâu, và người đó không muốn tiếp tục sống nữa, công việc của người đó đã kết thúc.

Và người đó nên được dạy thiền trong một tháng này, để cho người đó có thể thiền trong khi cái chết tới. Và với cái chết, sự giúp đỡ của thuốc nên được trao cho để cho nó tới như giấc ngủ – dần dần, song song với thiền, giấc ngủ trở thành sâu hơn. Chúng ta có thể thay đổi cái chết của hàng nghìn người thành chứng ngộ. Và không có sợ tự tử, bởi vì người đó không định tự tử; nếu ai đó cố tự tử người đó vẫn sẽ phạm tội ác. Người đó đang yêu cầu việc cho phép. Với việc cho phép của ban y tế… và người đó có thời gian một tháng trong đó người đó có thể thay đổi ý kiến của mình vào bất kì lúc nào. Vào ngày cuối cùng người đó có thể nói, “Tôi không muốn chết” – thế thì người đó có thể về nhà. Không có vấn đề trong đó: đấy là quyết định của người đó.

Ngay bây giờ có một tình huống rất kì lạ trong nhiều nước. Mọi người cố gắng tự tử: nếu họ thành công, thì tốt; nếu họ không thành công, thế thì toà án phạt họ tội chết. Kì lạ thế! – bản thân họ đã làm điều đó. Họ đã bị vướng giữa chừng. Bây giờ trong hai năm việc xử án sẽ diễn ra; chánh án và luật sư sẽ tranh luận, và thế này thế nọ, và cuối cùng người này phải bị treo cổ, lần nữa. Người đó đã làm điều đó ngay chỗ đầu tiên, tự mình! Tại sao lại tất cả những điều vô nghĩa này?

Chết tự nguyện đang trở thành ngày càng cần hơn, bởi vì với tiến bộ y học mọi người đang sống lâu hơn. Các nhà khoa học vẫn chưa bắt gặp bộ xương nào từ năm nghìn năm trước đây của một người quá bốn mươi tuổi khi người đó chết. Năm nghìn năm trước người ta sống lâu nhất không quá bốn mươi tuổi, và trong mười đứa con sinh ra thì chín đứa chết đi trong vòng hai năm – chỉ một đứa sống sót – cho nên cuộc sống có giá trị mênh mông.

Hippocrates đã đưa ra lời thề với nghề y rằng bạn phải giúp đỡ cuộc sống trong mọi trường hợp. Ông ấy không nhận biết – ông ấy không phải là nhà tiên tri – ông ấy đã không có sáng suốt để thấy rằng một ngày có thể tới khi trong mười đứa trẻ, cả mười đều sống sót. Bây giờ điều đó đang xảy ra. Một mặt, chín đứa nữa sống sót; và mặt khác, y học giúp cho mọi người sống lâu hơn – chín mươi tuổi, một trăm tuổi không phải là hiếm. Trong các nước đã phát triển rất dễ tìm ra người chín mươi tuổi hay người một trăm tuổi.

Tại Liên Xô có người đã đạt tới một trăm năm mươi tuổi, và có vài nghìn người đã đạt tới một trăm tám mươi tuổi – và họ vẫn còn làm việc. Nhưng bây giờ cuộc sống đã trở thành nhàm chán. Một trăm tám mươi năm, nghĩ về điều đó, làm cùng một thứ – thậm chí đến xương cũng sẽ đau – và vậy mà họ vẫn không có khả năng chết. Cái chết vẫn dường như là xa xôi – họ vẫn làm việc và mạnh khoẻ. Tại Mĩ có hàng nghìn người trong các bệnh viện chỉ nằm trong giường với đủ mọi loại dụng cụ được nối vào họ. Nhiều người đang dùng máy thở nhân tạo. Phỏng có ích gì nếu bản thân người đó không thể thở được? Bạn trông đợi người đó làm gì? Và tại sao bạn làm cho cả quốc gia nặng gánh bởi con người này khi có nhiều người đang chết trên phố, chết đói?

Ba mươi triệu người ở Mĩ ở ngoài phố không nơi trú ẩn, không thức ăn, không quần áo, và hàng nghìn người đang chiếm các giường bệnh viện, bác sĩ, y tá – công việc của họ, lao động của họ, thuốc men. Mọi người đều biết họ sẽ chết sớm hay muộn, nhưng chừng nào mà bạn vẫn có thể thì bạn vẫn phải giữ họ sống. Họ muốn chết. Họ hét lên là họ muốn chết, nhưng bác sĩ chẳng thể giúp cho điều đó. Những người này chắc chắn là cần một quyền nào đó; họ đang bị buộc phải sống, và theo mọi cách thức bắt buộc là không dân chủ.

Cho nên tôi muốn điều đó là điều rất hợp lí. Làm điều đó bẩy mươi nhăm năm hay tám mươi năm, thế thì cuộc sống được sống đủ. Trẻ con lớn lên… khi bạn tám mươi, con bạn sẽ năm mươi, năm mươi nhăm; họ đang già đi. Bây giờ không có nhu cầu cho bạn để phải bận tâm và lo nghĩ. Bạn nghỉ ngơi; bây giờ bạn đơn giản là gánh nặng, bạn không biết làm cái gì.

Và đó là lí do tại sao người già cáu bẳn thế – bởi vì họ không có việc gì, họ không có bất kì sự kính trọng nào, họ không có bất kì chân giá trị nào. Không ai bận tâm về họ, không ai để ý đến họ. Họ sẵn sàng đánh nhau, giận dữ và hét lên. Đây đơn giản là nỗi thất vọng của họ biểu lộ ra; điều thực là họ muốn chết. Nhưng họ thậm chí không thể nói ra được điều đó. Điều đó là trái giáo lí, điều đó là phi tôn giáo – chính cái ý tưởng về chết.

Họ nên được trao cho tự do, nhưng không chỉ chết; họ nên được trao cho tự do của huấn luyện một tháng về cách chết. Trong huấn luyện đó, thiền nên là phần cơ bản; chăm sóc vật lí nên là một phần cơ bản. Họ nên chết một cách lành mạnh, toàn thể, im lặng, an bình – dần dần trượt sâu vào trong giấc ngủ. Và nếu thiền được nối liền với ngủ thì họ có thể chết được chứng ngộ. Họ có thể biết rằng chỉ thân thể là bị bỏ lại đằng sau, còn họ là một phần của vĩnh hằng.

Cái chết của họ sẽ tốt hơn cái chết thông thường, bởi vì trong cái chết thông thường bạn không có cơ hội trở nên được chứng ngộ. Trong thực tế ngày càng nhiều người sẽ ưa thích chết trong bệnh viện, trong các viện đặc biệt dành cho việc chết nơi mọi thu xếp được tiến hành. Bạn có thể rời bỏ cuộc sống theo cách cực lạc, vui sướng, với cám ơn và biết ơn lớn lao.

Tôi hoàn toàn ủng hộ cho chết tự nguyện với những điều kiện này.

OSHO

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN