Bọ hung sống gần những nơi nuôi gia súc như trâu, bò, ngựa, ăn phân của những con vật này và dùng chân sau đùn phân thành viên, rồi tha về tổ.
Trong y học cổ truyền, Bọ hung có tên thuốc là Khương lang, được bắt vào mùa hè, đập chết hoặc dùng nước nóng giết chết, bỏ đầu, chân, cánh, rồi dùng sống, nướng chín hoặc đốt thành than. Dược liệu có vị mặn, tính lạnh, có độc, có tác dụng chống sài giật, trừ độc, tán ứ, rút gai dằm, tên đạn.
Theo tài liệu cổ (Nam dược thần hiệu), Bọ hung đốt tồn tính, tán nhỏ, uống mỗi lần 4g với nước tiểu trẻ em (đồng tiện) chữa lam chướng, sốt rét, nếu uống với rượu vào lúc đói chữa kiết lỵ. Để chữa chứng kinh giản, phát cuồng, trẻ em sài giật, mụn nhọt, táo bón, lấy bọ hung 1 con nướng chín, tán nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm 1 lần trong ngày.
Dùng ngoài, Bọ hung tán nhỏ, rây mịn, trộn với giấm, đắp chữa mụn lở. Bọ hung 1 con, đốt tồn tính tán bột, cho bột này cùng với dầu vừng hoặc dầu lạc 50ml vào một củ ráy to đã khoét bỏ ruột. Nấu nhừ thành cao. Để nguội, bôi ngày 1 - 2 lần chữa chốc đầu.
Bột bọ hung đốt tồn tính trộn với bột băng phiến, rồi hòa với giấm, bôi chữa trĩ, lòi dom, tràng nhạc. Để rút mũi tên cắm vào da thịt, dùng bọ hung 1 con, giã nát, trộn với nửa hạt ba đậu tươi đã bóc vỏ, sao qua, tán nhỏ, đắp vào vết thương, một lát sau hết đau. Khi thấy ngứa nhiều, nhổ mũi tên ra, lấy hoàng liên và quán chúng sắc lấy nước để rửa. Sau cùng, lấy sáp ong nấu với dầu vừng thành cao đắp là khỏi.
Theo tài liệu nước ngoài, bọ hung sao vàng, tán bột mịn, uống mỗi lần 1 - 2g, ngày 2 - 3 lần, chữa sỏi đường tiết niệu.