Cân bằng thân tâm – 02 – tại sao chúng ta chọn bất hạnh

YduocNHH 07/12/2017

Cân bằng thân tâm – 02 – tại sao chúng ta chọn bất hạnh

02. Tại sao chúng ta chọn bất hạnh

Nghĩa vụ duy nhất bạn có là hạnh phúc. Làm nó thành tôn giáo về hạnh phúc. Nếu bạn không hạnh phúc, thế thì bất kì điều gì bạn đang làm, cái gì đó phải sai và sự thay đổi mạnh mẽ nào đó là cần thiết. Để hạnh phúc quyết định.

Tôi là người theo chủ nghĩa hưởng lạc. Và hạnh phúc là tiêu chuẩn duy nhất con người có.

Cho nên bao giờ cũng nhìn vào điều xảy ra khi bạn làm cái gì đó: nếu bạn trở nên an bình, nếu bạn trở nên thanh thản, ở nhà, thảnh thơi, điều đó là đúng. Đây là tiêu chuẩn, không cái gì khác là tiêu chuẩn. Cái là đúng cho bạn có thể không đúng cho ai đó khác, nhớ điều đó nữa. Bởi vì cái thoải mái cho bạn có thể không thoải mái cho ai đó khác, cái gì đó khác lại có thể thoải mái cho người đó. Cho nên không thể có được luật phổ dụng về điều đó. Mọi cá nhân đều phải tìm ra điều đó cho bản thân mình. Cái gì là thoải mái cho bạn?

Tại sao chúng ta chọn bất hạnh? – Đây là một trong những vấn đề con người phức tạp nhất. Nó phải được xem xét rất sâu sắc – và nó không phải là lí thuyết – nó liên quan tới bạn. Đây là cách mọi người ứng xử – bao giờ cũng chọn sai, bao giờ cũng chọn cái buồn, cái thất vọng, cái khổ sở. Phải có lí do sâu sắc cho điều đó, và đây là lí do.

Điều đầu tiên: cách thức con người được nuôi dưỡng giữ một vai trò rất xác định trong việc đó. Nếu bạn bất hạnh, bạn được cái gì đó từ nó, bạn bao giờ cũng thu được. Nếu bạn hạnh phúc, bạn bao giờ cũng mất.

Ngay từ chính ban đầu đứa trẻ tỉnh táo bắt đầu cảm thấy sự phân biệt. Bất kì khi nào nó bất hạnh, mọi người đều thông cảm với nó; nó có được sự thông cảm. Mọi người cố gắng hướng tình yêu về nó; nó có được tình yêu. Và thậm chí còn hơn thế, bất kì khi nào nó bất hạnh mọi người đều chú ý tới nó – nó có được sự chú ý. Chú ý tác động tựa như thức ăn cho bản ngã, sự kích thích rất ngây ngất. Nó cho bạn năng lượng; bạn cảm thấy mình là ai đó. Do đó mới có biết bao nhu cầu, có biết bao ham muốn được chú ý tới.

Nếu mọi người nhìn bạn, bạn trở nên quan trọng. Nếu không ai nhìn bạn, bạn cảm thấy dường như bạn không có đó, bạn không còn nữa, bạn không hiện hữu. Những người nhìn bạn, những người chăm sóc bạn, đem lại cho bạn năng lượng.

Bản ngã tồn tại trong quan hệ. Càng nhiều người chú ý tới bạn, bạn càng thu được nhiều bản ngã. Nếu không ai nhìn bạn, bản ngã tan biến. Nếu mọi người hoàn toàn quên mất bạn, làm sao bản ngã có thể tồn tại được? Làm sao bạn có thể cảm thấy bạn đang hiện hữu? Do đó cần có hội, hiệp hội, câu lạc bộ. Câu lạc bộ có trên khắp thế giới – Rotary, Lions, Masonic Lodges – hàng triệu câu lạc bộ và hội. Những hội và câu lạc bộ này tồn tại chỉ để đem cho sự chú ý tới những người không thể có được sự chú ý theo các cách khác.

Ngay từ ban đầu trẻ con đã học chính trị. Chính trị là: trông khổ sở, thế thì bạn được sự thông cảm, thế thì mọi người chú ý tới. Trông ốm yếu – bạn trở nên quan trọng. Đứa trẻ ốm trở thành kẻ độc tài; cả gia đình phải theo nó – bất kì điều gì nó nói cũng là luật lệ.

Khi nó hạnh phúc chẳng ai nghe nó. Khi nó mạnh khoẻ chẳng ai chăm sóc nó. Khi nó hoàn hảo chẳng ai chú ý tới. Ngay từ ban đầu chúng ta bắt đầu chọn khổ sở, buồn tủi, bi quan, phía tối hơn của cuộc sống. Đấy là một điều.

Điều thứ hai có liên quan với nó là: bất kì khi nào bạn hạnh phúc, bất kì khi nào bạn vui vẻ, bất kì khi nào bạn cảm thấy cực lạc và phúc lạc, mọi người đều ghen tị với bạn. Ghen tị nghĩa là mọi người đối kháng, không ai thân thiện; vào khoảnh khắc đó mọi người đều là kẻ thù. Cho nên bạn đã học không tỏ ra cực lạc đến độ mọi người trở thành thù địch với mình – không biểu lộ niềm phúc lạc của mình, không cười to.

Nhìn mọi người khi họ cười to. Họ cười rất tính toán. Đấy không phải là cái cười từ trong lòng, nó không tới từ rất sâu của bản thể họ. Trước hết họ nhìn bạn, thế rồi họ phán xét… và thế rồi họ cười. Và họ cười tới mức độ đặc biệt, mức độ mà bạn sẽ chịu được, mức độ sẽ được coi như phù hợp, mức độ mà không ai sẽ trở nên ghen tị.

Ngay cả nụ cười của chúng ta cũng chính trị. Tiếng cười đã biến mất, phúc lạc đã trở nên hoàn toàn không được biết tới, và cực lạc gần như là không thể có được bởi vì nó không được phép. Nếu bạn khổ chẳng ai nghĩ bạn điên. Nếu bạn cực lạc và nhảy múa mọi người sẽ nghĩ bạn điên. Nhảy múa bị bác bỏ, ca hát không được chấp nhận. Một người phúc lạc – và chúng ta nghĩ điều gì đó đã đi sai.

Đây là kiểu xã hội gì vậy? Nếu ai đó khổ sở mọi thứ là được; người đó phù hợp bởi vì toàn thể xã hội nhiều ít cũng khổ sở. Người đó là một thành viên, người đó thuộc về chúng ta. Nếu ai đó trở nên cực lạc chúng ta nghĩ người đó gàn dở, hâm hâm. Người đó không thuộc về chúng ta – và chúng ta cảm thấy ghen tị.

Bởi ghen tị chúng ta kết án người đó. Bởi ghen tị chúng ta cố gắng bằng mọi cách đẩy người đó về trạng thái cũ. Chúng ta gọi trạng thái cũ là bình thường. Các nhà phân tâm sẽ giúp đỡ, các nhà tâm thần sẽ giúp đỡ để đưa người này về khổ sở thường.

Xã hội không thể cho phép cực lạc. Cực lạc là cuộc cách mạng vĩ đại nhất. Tôi nhắc lại điều đó: cực lạc là cuộc cách mạng vĩ đại nhất. Nếu mọi người trở nên cực lạc thì toàn bộ xã hội sẽ phải thay đổi, bởi vì xã hội này dựa trên khổ sở.

Nếu mọi người phúc lạc thì bạn không thể đưa họ vào chiến tranh – ở Việt Nam hay ở Ai cập hay ở Israel. Không. Ai đó đang phúc lạc sẽ chỉ cười và nói: điều này là vô nghĩa!

Nếu mọi người phúc lạc bạn không thể làm cho họ bị ám ảnh bởi tiền bạc. Họ sẽ không lãng phí toàn bộ cuộc đời mình chỉ để tích luỹ tiền bạc. Đối với họ sẽ tựa như điên rồ khi một người huỷ hoại toàn bộ cuộc sống mình chỉ để đánh đổi cuộc sống mình lấy những đồng tiền chết, chết đi và tích luỹ tiền bạc. Và tiền sẽ có đó khi người ấy chết. Điều này tuyệt đối điên rồ! Nhưng sự điên rồ này không thể thấy được chừng nào bạn còn chưa cực lạc.

Nếu mọi người cực lạc thế thì toàn bộ hình mẫu của xã hội này sẽ phải thay đổi. Xã hội này tồn tại trên khổ. Khổ là đầu tư lớn nhất cho xã hội này. Cho nên chúng ta nuôi lớn trẻ con… ngay từ đầu chúng ta đã tạo ra việc học hướng tới khổ. Đó là lí do tại sao chúng bao giờ cũng chọn khổ.

Vào buổi sáng với mỗi người đều có chọn lựa. Và không chỉ buổi sáng – mọi khoảnh khắc đều có chọn lựa là khổ sở hay là hạnh phúc. Bạn bao giờ cũng chọn khổ bởi vì có đầu tư. Bạn bao giờ cũng chọn khổ bởi vì điều đó đã trở thành thói quen, mẫu hình, bạn bao giờ cũng làm điều đó. Bạn đã trở nên hiệu quả khi làm việc đó, nó đã trở thành lối mòn. Khoảnh khắc tâm trí bạn phải chọn lựa, lập tức nó ùa vào khổ sở.

Khổ sở dường như đi xuống dốc, cực lạc dường như đi lên dốc. Cực lạc có vẻ rất khó khăn đạt tới được – nhưng nó không vậy đâu. Điều thực hoàn toàn đối lập: cực lạc là đi xuống dốc, khổ sở là đi lên dốc. Khổ là điều rất khó đạt tới, nhưng bạn đã đạt tới nó, bạn đã làm điều không thể được – bởi vì khổ phản tự nhiên thế. Không ai muốn khổ và mọi người ĐỀU khổ.

Xã hội đã làm được một việc lớn. Giáo dục, văn hoá và các tổ chức văn hoá, bố mẹ, thầy giáo – họ đều đã làm một việc lớn. Họ đã tạo ra các sinh linh khổ sở từ các đấng sáng tạo cực lạc. Mọi đứa trẻ được sinh ra đều cực lạc. Mọi đứa trẻ được sinh ra đều là thượng đế. Và mọi người chết đi đều là người điên.

Đây là toàn bộ sự nghiệp cho bạn – làm sao giành lại tuổi thơ, làm sao đòi lại nó. Nếu bạn lần nữa có thể trở thành đứa trẻ thế thì sẽ không có khổ sở.

Tôi không ngụ ý là đối với đứa trẻ không có khoảnh khắc khổ – có đấy. Nhưng dầu vậy vẫn không có khổ. Cố hiểu điều này đi.

Một đứa trẻ có thể trở thành khổ sở, nó có thể bất hạnh, cực kì bất hạnh vào một khoảnh khắc, nhưng nó là toàn bộ đến mức trong bất hạnh đó, nó là một với bất hạnh đó, đến mức không có sự phân chia. Đứa trẻ tách biệt khỏi bất hạnh không có đó. Đứa trẻ không nhìn vào nỗi bất hạnh của mình như tách biệt, bị phân chia. Đứa trẻ là bất hạnh – nó tham dự thế vào trong đó. Và khi bạn trở thành một với bất hạnh, bất hạnh lại không phải là bất hạnh nữa. Nếu bạn trở thành một với nó như vậy, ngay cả điều đó cũng có cái đẹp của riêng nó.

Cho nên nhìn vào đứa trẻ – tôi muốn nói đứa trẻ không bị làm hư hỏng. Nếu nó giận dữ, thế thì toàn bộ năng lượng của nó trở thành cơn giận dữ; không có gì còn lại đằng sau, không giữ lại gì. Nó đã di chuyển và trở nên giận dữ; không ai thao túng và kiểm soát điều đó. Không có tâm trí. Đứa trẻ đã trở thành cơn giận dữ – nó không giận dữ, nó trở thành cơn giận dữ. Và thế thì bạn xem cái đẹp, việc nở hoa của cơn giận dữ. Đứa trẻ chưa bao giờ trông xấu xí – ngay cả trong giận dữ nó trông cũng đẹp đẽ. Nó trông mãnh liệt hơn, sinh động hơn, sống động hơn – một núi lửa sẵn sàng bùng nổ. Một đứa trẻ nhỏ như vậy, một năng lượng lớn như vậy, một bản thể nguyên tử như vậy – với toàn bộ vũ trụ nổ tung.

Và sau cơn giận dữ này đứa trẻ sẽ im lặng. Sau cơn giận dữ này đứa trẻ sẽ rất an bình. Sau cơn giận dữ này đứa trẻ sẽ thảnh thơi. Chúng ta có thể nghĩ thật khổ bị vào cơn giận dữ đó, nhưng đứa trẻ lại không khổ – nó tận hưởng điều đó.

Nếu bạn trở thành một với bất kì cái gì, bạn trở nên phúc lạc. Nếu bạn tách bạch bản thân mình với mọi thứ, cho dù đó là hạnh phúc, bạn sẽ trở thành khổ sở.

Cho nên đây là chìa khoá. Tách biệt như bản ngã là cơ sở cho mọi khổ sở; là một, tuôn chảy theo bất kì cái gì cuộc sống đưa đến cho bạn, hiện hữu trong đó thật mãnh liệt, thật toàn bộ đến độ bạn không còn nữa, bạn mất hút, thế thì mọi thứ đều là phúc lạc.

Chọn lựa có đó, nhưng bạn thậm chí trở nên không nhận biết về chọn lựa. Bạn đã chọn cái sai liên tục thế, điều đó đã trở thành thói quen chết đến mức bạn đơn giản chọn nó một cách tự động. Không có sự chọn lựa nào còn lại.

Trở nên tỉnh táo. Mỗi khoảnh khắc khi bạn chọn lựa khổ, hãy nhớ: đây là chọn lựa của bạn. Thậm chí sự lưu tâm này sẽ có ích – tỉnh táo biết rằng đây là sự chọn lựa của mình và mình chịu trách nhiệm, và đây là điều mình đang làm cho bản thân mình, đây là việc làm của mình. Ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy sự khác biệt. Phẩm chất của tâm trí sẽ thay đổi. Sẽ dễ dàng hơn cho bạn để đi tới hạnh phúc.

Và một khi bạn biết rằng đây là chọn lựa của bạn, thế thì toàn thể sự việc đã trở thành trò chơi. Thế thì nếu bạn thích khổ, cứ việc khổ, nhưng nhớ đây là chọn lựa của bạn và đừng phàn nàn. Không ai khác chịu trách nhiệm cho điều đó. Đây là vở kịch của bạn. Nếu bạn thích cách này, nếu bạn thích cách khổ, nếu bạn muốn trải qua cuộc sống trong khổ sở, thế thì đây là chọn lựa của bạn, trò chơi của bạn. Bạn đang chơi nó – chơi cho hay!

Điều đó là ngớ ngẩn. Đừng đi và hỏi các thầy và các guru cách hạnh phúc. Cái gọi là các guru tồn tại bởi vì bạn ngu. Bạn tạo ra khổ, và thế rồi bạn lại đi và hỏi người khác cách đừng tạo ra nó. Và bạn sẽ tiếp tục tạo ra khổ bởi vì bạn không tỉnh táo với điều bạn đang làm. Từ chính khoảnh khắc này hãy cố – cố hạnh phúc và phúc lạc.

Hai cách sống

Có hai cách sống, cách hiện hữu, cách biết: một là từ nỗ lực, ý chí, bản ngã; cách kia là từ vô nỗ lực, vô tranh đấu, nhưng hiện hữu trong buông bỏ cùng sự tồn tại.

Tất cả các tôn giáo trên thế giới đều đã từng dạy bạn cách thứ nhất, tranh đấu – tranh đấu chống lại tự nhiên, tranh đấu chống lại thế giới, tranh đấu chống lại thân thể riêng của bạn, tranh đấu chống lại tâm trí. Chỉ thế thì bạn mới có thể đạt tới chân lí, điều tối thượng, điều vĩnh hằng. Nhưng có đủ bằng chứng rằng ý chí quyền lực, con đường này của bản ngã, sự tranh đấu này và cuộc chiến này đã thất bại hoàn toàn. Trong hàng triệu năm, rất ít người đã đạt tới kinh nghiệm tối thượng của cuộc sống, ít đến nỗi họ chỉ chứng tỏ là ngoại lệ, họ không chứng tỏ qui luật.

Tôi dạy bạn cách thứ hai: đừng đi ngược lại dòng chảy của sự tồn tại, đi cùng nó; nó không phải là kẻ thù của bạn. Cũng như một người có thể cố gắng đi ngược dòng, tranh đấu với dòng sông, chẳng mấy chốc người đó sẽ mệt mỏi và người đó sẽ chẳng đạt tới đâu cả. Dòng sông bao la còn người đó là một phần nhỏ bé.

Trong sự tồn tại bao la này, bạn còn nhỏ hơn một nguyên tử. Làm sao bạn có thể tranh đấu chống lại cái toàn thể được? Chính ý tưởng này là không thông minh. Và bạn được cái toàn thể sinh ra – làm sao nó có thể là kẻ thù của bạn được? Tự nhiên là mẹ bạn, nó không thể chống lại bạn được. Thân thể bạn là chính cuộc sống của bạn, nó không thể đối kháng với bạn được. Nó phục vụ bạn mặc cho sự tranh đấu liên tục của bạn với nó. Nó phục vụ bạn khi bạn thức, nó phục vụ bạn ngay cả khi bạn ngủ. Ai cứ thở thế? Bạn ngủ say và ngáy. Thân thể có trí huệ riêng của nó. Nó liên tục thở, tim liên tục đập, thân thể cứ vận hành mà không có bạn. Thực tế, nó vận hành tốt hơn khi bạn không hiện diện. Sự hiện diện của bạn bao giờ cũng là việc gây rối, bởi vì tâm trí bạn được huấn luyện bởi những người đã bảo bạn phải chống lại nó.

Tôi dạy bạn tình bằng hữu với sự tồn tại. Tôi không muốn bạn từ bỏ thế giới này, bởi vì thế giới là của chúng ta. Chẳng cái gì đang tồn tại chống lại bạn. Mọi điều bạn phải học là nghệ thuật sống – không phải là nghệ thuật từ bỏ, mà là nghệ thuật vui vẻ. Đó chỉ là vấn đề học nghệ thuật và bạn có thể đổi chất độc thành nước cam lồ.

Trên nhiều thuốc bạn sẽ thấy viết, chất độc, nhưng trong tay của các chuyên gia khoa học chất độc đã trở thành thuốc. Nó không giết bạn, nó cứu bạn.

Nếu bạn thấy rằng đâu đó thân thể bạn, tự nhiên, thế giới đang chống lại bạn, nhớ một điều: đấy phải là dốt nát của bạn, đấy phải là thái độ sai nào đó. Đấy phải là bạn không biết nghệ thuật sống. Bạn không nhận biết rằng sự tồn tại không thể nào chống lại bạn được. Bạn được sinh ra từ nó, bạn sống trong nó, nó đã cho bạn mọi thứ và bạn thậm chí còn không biết ơn. Ngược lại, tất cả các tôn giáo đều đã dạy bạn kết án nó từ ngay chính ban đầu.

Bất kì tôn giáo nào dạy bạn kết án cuộc sống đều mang tính độc hại. Nó là phản cuộc sống, nó đang phục vụ cái chết; nó không phục vụ bạn, nó không phục vụ sự tồn tại. Nhưng sao những câu hỏi này nảy sinh?

Tất cả những tôn giáo này đều đã chống lại tự nhiên. Sao họ lại tạo ra logic nào đó rằng chừng nào bạn còn chưa chống lại thế giới này, bạn sẽ không bao giờ có khả năng đạt tới thế giới khác, thế giới cao hơn? Sao họ lại đã làm ra sự phân chia như vậy giữa thế giới này và thế giới kia? Có lí do cho điều đó.

Nếu thế giới này không bị từ bỏ mà được sống trong tính toàn bộ của nó, thế thì tu sĩ chẳng còn được cần tới nữa. Nếu thế giới này phải bị tranh đấu, từ bỏ, bạn phải kìm nén bản tính tự nhiên của mình. Thế thì tất nhiên, bạn sẽ ở vào trạng thái ốm yếu. Chống lại tự nhiên bạn không bao giờ có thể lành mạnh được, bạn không bao giờ có thể là toàn thể. Bạn bao giờ cũng bị chia chẻ và tinh thần phân liệt. Một cách tự nhiên, bạn sẽ cần ai đó hướng dẫn bạn, ai đó giúp bạn – bạn sẽ cần tu sĩ.

Một cách tự nhiên, khi bạn mặc cảm, bạn đi tới nhà thờ, bạn đi tới đền thờ, bạn đi tới giáo đường; bạn hỏi tu sĩ, bạn hỏi mục sư, bạn hỏi giáo sĩ giúp bạn, bởi vì trong chỗ tối tăm sâu thẳm của mình – điều họ chịu trách nhiệm cho việc tạo ra – bạn bất lực thế, bạn cần ai đó bảo vệ bạn, ai đó giúp bạn, ai đó chỉ cho bạn ánh sáng. Bạn đang trong nhu cầu tuyệt vọng đến mức bạn thậm chí không nghĩ liệu tu sĩ có biết gì nhiều hơn bạn không, hay ông ta cũng chỉ là người phục vụ được trả tiền.

…Vấn đề của bạn về cơ bản là nhìn vào trong bản thân mình, nơi bạn hiện hữu. Và nếu bạn đang trong khổ sở, trong đau khổ, trong lo âu, trong phiền não; nếu bạn đang thiếu cái gì đó trong cuộc sống, nếu bạn không hài lòng, nếu bạn không thấy ý nghĩa nào ở bất kì đâu và bạn đơn giản kéo lê bản thân mình tới cái chết…

Bóng tối cứ trở nên ngày một tối hơn, mọi ngày cái chết cứ tới gần hơn – đây có phải là lúc đi vào các vấn đề thần học lớn lao không? Nó là lúc thay đổi con người bạn. Bạn không có nhiều thời gian đâu.

…Và phương pháp mà tất cả các tôn giáo đã từng dạy bạn đều là các phương pháp tranh đấu; chúng không dẫn tới đâu cả. Chúng đơn giản làm hỏng niềm vui cuộc sống của bạn. Chúng đầu độc mọi thứ đáng tận hưởng được trong cuộc sống này. Chúng đã tạo ra một nhân loại buồn. Tôi muốn nhân loại tràn đầy tình yêu và đầy bài ca và đầy điệu vũ.

Cho nên tôi muốn mọi người cần hiểu rõ rằng phương pháp của tôi là phương pháp thứ hai, và với phương pháp thứ hai tôi ngụ ý bạn không tranh đấu ới dòng chảy và đi ngược dòng – điều đó là ngu xuẩn. Bạn không thể tranh đấu được, dòng chảy của tự nhiên là quá lớn và quá mạnh. Cách tốt nhất là học từ thân thể chết. Người chết biết vài bí mật mà người sống không biết.

Người sống, nếu họ không biết cách bơi, sẽ chìm nghỉm. Điều này là rất kì lạ. Vào lúc họ chết, họ lại nổi lên bề mặt. Khi họ còn sống, họ chìm nghỉm; khi họ chết, họ nổi lên. Chắc chắn, người chết biết điều gì đó mà người sống không biết. Điều gì đã xảy ra? Sao dòng sông và đại dương lại cư xử khác đi với người chết vậy? Người chết là tuyệt đối buông bỏ. Người đó thậm chí không bơi. Người đó chẳng làm gì cả.

Người bơi giỏi nhất đơn giản nổi. Người bơi tối thượng trôi như người chết theo dòng nước, bất kì đâu dòng sông đưa tới – nó bao giờ cũng dẫn tới đại dương. Mọi dòng sông đều dẫn tới đại dương, cho nên bạn không cần lo nghĩ liệu bạn có trong dòng sông linh thiêng hay không. Linh thiêng hay không linh thiêng, mọi dòng sông đều có định mệnh đạt tới đại dương dù sớm hay muộn. Bạn chỉ nổi cùng dòng sông. Và điều này tôi gọi là tin cậy – tin cậy vào sự tồn tại rằng bất kì chỗ nào nó dẫn tới, nó đều dẫn tới con đường đúng, tới đích đúng. Nó không phải là kẻ thù của bạn. Tin cậy vào tự nhiên rằng bất kì chỗ nào nó đưa bạn tới, chỗ đó là nhà bạn.

Nếu toàn thể nhân loại học thảnh thơi chứ không tranh đấu, học buông bỏ chứ không làm nỗ lực gian nan, sẽ có sự thay đổi lớn về phẩm chất của tâm thức. Người thảnh thơi, đơn giản đi im lặng cùng dòng sông, không có mục đích của riêng mình, không có bản ngã…

Trong việc nổi thảnh thơi như vậy bạn không thể có bản ngã nào. Bản ngã cần nỗ lực – bạn phải làm điều gì đó. Bản ngã là người làm, và bằng việc nổi bạn đã trở thành không người làm. Trong vô hành động này, bạn sẽ ngạc nhiên làm sao mà các lo âu và khổ sở của bạn bắt đầu rơi rụng đi và làm sao bạn bắt đầu trở nên hài lòng với bất kì cái gì sự tồn tại trao cho bạn.

Một nhà huyền môn Sufi đi du hành…

Và mọi tối ông ấy đều cám ơn sự tồn tại: “Ngài đã làm bao nhiêu điều cho con và con không thể có khả năng đáp lại được, và con sẽ không bao giờ có khả năng đáp lại điều đó.” Các đệ tử của ông ấy có hơi chút phẫn nộ, vì đôi khi cuộc sống gian nan quá chừng.

Nhà huyền môn Sufi là một người nổi dậy. Chuyện xảy ra lần này là trong ba ngày liền họ đã không có thức ăn, bởi vì mọi làng họ đi qua đều từ chối vì họ không phải là người Mô ha mét giáo chính thống. Họ đã tham gia nhóm nổi dậy của người Sufi. Mọi người không cho họ chỗ trú ngụ ban đêm, cho nên họ ngủ trong sa mạc. Họ đói, họ khát, và đó là ngày thứ ba. Vào buổi cầu nguyện tối, nhà huyền môn lại nói với sự tồn tại, “Con biết ơn thế. Ngài đã làm quá nhiều cho chúng con và chúng con thậm chí không thể đáp lại được điều đó.”

Một trong các đệ tử nói, “Thế này thì quá lắm. Bây giờ đã ba ngày rồi xin thầy nói cho chúng tôi sự ồn tại đã làm cái gì cho chúng ta? Thầy cám ơn sự tồn tại để làm gì?”

Ông già này cười to. Ông ấy nói, “Ông vẫn không nhận biết về điều sự tồn tại đã làm cho chúng ta. Ba ngày này đã rất có nghĩa cho ta. Ta đói, ta khát; chúng ta không có chỗ trú ngụ, chúng ta bị bác bỏ, bị kết án. Đá ném vào chúng ta, và ta đang quan sát bên trong bản thân ta – không giận dữ nào đã nảy sinh. Ta đang cám ơn sự tồn tại. Món quà của nó thật vô giá. Ta không bao giờ có thể đền đáp lại được chúng. Ba ngày đói, ba ngày khát, ba ngày không ngủ, mọi người ném đá… và vậy mà ta đã không cảm thấy bất kì thù địch nào, giận dữ nào, bất kì hận thù nào, bất kì thất bại nào, bất kì thất vọng nào. Điều đó phải là lòng nhân từ của ngài; điều đó phải là sự tồn tại đang hỗ trợ ta.

“Ba ngày này đã để lộ cho ta nhiều điều mà đã không được để lộ nếu thức ăn được cho, sự tiếp đón được cho, chỗ trú ngụ được cho, đá không bị ném – và ông lại hỏi ta đang cám ơn sự tồn tại về cái gì sao? Ta sẽ cám ơn sự tồn tại ngay cả khi ta chết, bởi vì ngay cả trong cái chết ta vẫn biết sự tồn tại vẫn cứ để lộ các bí ẩn cho ta như nó đã từng để lộ trong cuộc sống, bởi vì cái chết không phải là kết thúc mà là chính cao trào của cuộc sống.”

Học chảy theo sự tồn tại để bạn không có mặc cảm nào và vết thương nào. Đừng tranh đấu với thân thể bạn, hay tự nhiên, hay bất kì cái gì, do vậy bạn an bình và thoải mái như ở nhà, bình thản và thanh thản.

Tình huống này sẽ giúp cho bạn trở nên tỉnh táo hơn, nhận biết hơn, ý thức hơn, điều chung cuộc đưa tới đại dương của thức tỉnh tối thượng – giải thoát.

Thân thể là bạn của bạn

Mọi tôn giáo đều đã từng dạy bạn tranh đấu chống lại tự nhiên. Bất kì điều gì tự nhiên đều bị kết án. Tôn giáo nói rằng bạn phải xoay xở làm cái gì đó phi tự nhiên, chỉ thế thì bạn mới có thể thoát khỏi sự giam cầm của sinh học, sinh lí, tâm lí, tất cả những bức tường bao quanh bạn. Nhưng nếu bạn cứ hài hoà với thân thể mình, với tâm trí mình, với trái tim mình, thế thì tôn giáo nói bạn sẽ không bao giờ có khả năng đi ra ngoài bản thân mình. Đó là chỗ tôi đối lập với mọi tôn giáo. Họ đã cho hạt mầm độc hại vào con người bạn, cho nên bạn sống trong thân thể, nhưng bạn không yêu thân thể mình.

Thân thể phục vụ bạn trong bẩy mươi, tám mươi, chín mươi, thậm chí một trăm năm, và không có cơ chế khác mà khoa học có khả năng phát minh ra có thể sánh được với thân thể. Sự phức tạp của nó, phép màu của nó mà nó cứ làm cho bạn… và bạn thậm chí không nói cám ơn. Bạn đối xử với thân thể mình như kẻ thù của mình, và thân thể là bạn của bạn.

Nó chăm nom cho bạn theo mọi cách có thể, trong khi bạn thức, trong khi bạn ngủ. Ngay cả trong giấc ngủ nó cũng vẫn cứ chăm sóc bạn. Khi bạn ngủ và nhện bắt đầu bò vào chân bạn, chân bạn hẩy nó đi mà hông làm bạn bận tâm. Chân có bộ não nhỏ của riêng nó. Cho nên với các vấn đề nhỏ không có nhu cầu đi tới hệ thống trung tâm, đi tới bộ não – chừng đó chân có thể làm được. Muỗi đốt bạn, tay bạn xua nó hay đập nó, và giấc ngủ của bạn không bị quấy nhiễu. Ngay cả khi bạn ngủ thân thể bạn vẫn liên tục bảo vệ bạn, và làm những việc nói chung không được coi là của nó. Tay không được coi là có não, nhưng chắc chắn nó có cái gì đó mà chỉ có thể được gọi là một bộ não rất nhỏ. Có lẽ mọi tế bào của thân thể bạn đều có một bộ não nhỏ trong nó. Và có hàng triệu tế bào trong thân thể bạn, hàng triệu bộ não nhỏ, di chuyển quanh, liên tục chăm nom.

Bạn cứ ăn đủ mọi thứ mà chẳng bận tâm điều gì xảy ra khi bạn nuốt chúng. Bạn không hỏi thân thể liệu cơ chế của nó, hệ thống hoá chất của nó, có khả năng tiêu hoá cái bạn ăn vào không. Nhưng bằng cách nào đó hệ thống hoá chất bên trong của bạn cứ làm việc gần cả thế kỉ. Nó có hệ thống tự động thay thế các bộ phận đã đi sai. Nó cứ tống chúng ra, tạo ra những bộ phận mới; và bạn không phải làm gì về điều đó cả, nó cứ xảy ra theo cách riêng của nó. Thân thể có trí huệ nào đó của riêng nó.

Những tôn giáo này cứ nói với bạn, “Bạn bao giờ cũng phải tranh đấu, bạn phải đi ngược dòng. Đừng nghe thân thể – bất kì điều gì nó nói, làm điều ngược lại.” Jaina giáo nói, “Thân thể đói, cứ để nó đói. Bạn bỏ đói nó, nó cần việc trị liệu đó.” Nó đơn giản phục vụ bạn mà không đòi thanh toán gì về phía bạn, không lương lậu, không tiện nghi, và Jaina giáo nói chống lại nó. Khi nó muốn ngủ, cố vẫn thức.

Điều đó chắc chắn cho bạn quyền năng bản ngã lớn. Khi thân thể muốn thức ăn, bạn nói không. “Không” có quyền năng lớn trong nó. Bạn là người chủ. Bạn thu thân thể thành nô lệ – không chỉ thành nô lệ, bạn buộc thân thể câm miệng lại: “Bất kì điều gì ta quyết định đều sẽ được làm; ngươi không được can thiệp vào.”

Đừng tranh đấu với thân thể bạn. Nó không phải là kẻ thù của bạn, nó là bạn của bạn. Nó là món quà của tự nhiên cho bạn. Nó là một phần của tự nhiên. Nó được nối liền với tự nhiên theo mọi cách có thể. Bạn được bắc cầu không chỉ bằng việc thở; với ánh mặt trời bạn được bắc cầu, bạn được nối liền với hương thơm của hoa, bạn được bắc cầu, với ánh trăng bạn được bắc cầu. Bạn được bắc cầu từ mọi nơi; bạn không là hòn đảo tách rời. Vứt ý tưởng đó đi. Bạn là một phần của toàn thể lục địa này, và vậy mà… nó đã trao cho bạn tính cá nhân. Đây là điều tôi gọi là phép màu.

Bạn là một phần và một gói của sự tồn tại, vậy mà bạn có tính cá nhân. Sự tồn tại đã làm một phép màu, đã làm điều gì đó có thể thành không thể được.

Cho nên trong hài hoà với thân thể mình, bạn sẽ trong hài hoà với tự nhiên, với sự tồn tại. Cho nên thay vì đi ngược lại dòng chảy, đi cùng dòng chảy. Hãy trong buông bỏ. Cho phép cuộc sống xảy ra. Đừng áp đặt điều gì, theo bất kì cái tên mĩ miều nào. Vì sách thiêng nào đó, vì lí tưởng thiêng nào đó, đừng quấy rối sự hài hoà của bạn.

Không gì giá trị hơn được hài hoà, được hoà điệu với cái toàn thể.

Tôn kính cuộc sống, kính trọng cuộc sống. Không có gì linh thiêng hơn cuộc sống, không cái gì thiêng liêng hơn cuộc sống. Và cuộc sống không bao gồm những thứ lớn lao. Những kẻ ngu tôn giáo đó đã từng bảo bạn, “Làm điều lớn lao,” còn cuộc sống lại bao gồm những điều nhỏ bé. Chiến lược này là rõ ràng. Họ bảo bạn, “Làm điều lớn lao, cái gì đó vĩ đại, cái gì đó mà tên bạn sẽ được ghi nhớ mãi về sau. Làm điều gì đó vĩ đại.” Và tất nhiên điều đó hấp dẫn bản ngã. Bản ngã là đại lí của tu sĩ. Tất cả các nhà thờ và tất cả các giáo đường và tất cả các đền đài đều chỉ có một đại lí, và đó là bản ngã. Họ không dùng các đại lí khác. Không có các đại lí khác. Chỉ có một đại lí, và đó là bản ngã – làm điều gì đó vĩ đại, điều gì đó lớn lao.

Tôi muốn bảo bạn, chẳng có cái gì lớn lao cả, chẳng cái gì vĩ đại cả. Cuộc sống bao gồm những điều rất nhỏ bé. Cho nên nếu bạn trở nên quan tâm tới cái gọi là những điều lớn lao, bạn sẽ bỏ lỡ cuộc sống.

Cuộc sống bao gồm nhấm nháp cốc trà, tán gẫu với bạn bè; đi dạo buổi sáng, chẳng đi đâu đặc biệt, chỉ đi dạo, không mục đích, không mục tiêu, từ bất kì điểm nào bạn cũng có thể quay lại; nấu thức ăn cho ai đó bạn yêu; nấu thức ăn cho bản thân bạn, bởi vì bạn yêu thân thể mình nữa; giặt quần áo, lau nhà, tưới vườn… những điều nhỏ bé này, những điều rất nhỏ… nói lời chào với người lạ, điều chẳng cần chút nào bởi vì không có vấn đề kinh doanh nào với người lạ cả.

Người có thể nói lời chào với người lạ cũng có thể nói lời chào với bông hoa, cũng có thể nói lời chào với cây cối, có thể hát bài ca với chim chóc.

Chúng hót mọi ngày và bạn đã không bận tâm chút nào rằng một ngày nào đó bạn sẽ trở lại với lời mời. Những điều nhỏ bé, rất nhỏ bé…

Kính trọng cuộc sống của bạn. Từ sự kính trọng đó bạn sẽ bắt đầu kính trọng cuộc sống trong những đối tượng khác.

OSHO

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN