-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thương hiệu: (Đang cập nhật ...) Loại: (Đang cập nhật ...)
Là bệnh thường gặp chủ yếu do chấn thương ngoại vật vào mắt (bụi, dị vật, hạt thóc…).
Thuộc chứng Hắc Mục, Phong Luân, Tụ Tinh Chướng, Khí Ế của YHCT.
Một vài ký hiệu bệnh lý quốc tế về loét giác mạc được quy định như sau:
. X3A: Loét dưới 1/3 giác mạc.
. X3B: Loét 1/3 trên giác mạc.
. XS: Sẹo giác mạc.
. MP Fluo (+): Mắt phải nhuộm mầu Fluo dương tính (có loét).
. MT NTĐ (-): Mắt trái nhuộm thuốc đỏ âm tính (không loét, bình thường)..
Chứng loét giác mạc, nếu điều trị không đúng cách dễ gây nên mù vì vết loét trở thành sẹo sẽ che mất lỗ đồng tử.
- Chức năng: mắt chói, sợ ánh sáng, co quắp mi, trong mắt đau nhức, thị lực giảm sút nhiều hoặc ít tùy vị trí vết loét.
- Thực thể: quanh rìa giác mạc cương tụ, mầu đỏ sẫm,vết loét trên giác mạc lõm xuống, có bờ rõ ràng. Vết loét có nhiều hình thể khác nhau: chấm tròn, to, nhỏ, nông sâu hoặc có khi hình móng tay, hình móng ngựa ở trung tâm hoặc gần rìa. Quanh vết loét có thẩm lậu mỡ đục, có khi trong tiền phòng có ngấn mủ đọng lại ở phía dưới.
Nếu điều trị kịp thời, các triệu chứng rút dần, vết loét được phủ dầy và thành sẹo, để lại 1 đám đục trắng như sữa gọi là ‘vẩy cá’ hoặc đám đục lờ mờ gọi là ‘Màng khói’.
Nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ tiến triển nặng, các triệu chứng đều nặng. Vết loét sâu rộng hơn có thể dẫn đến những biến chứng như viêm nhiễm toàn bộ, lan đến nhiều bộ phận khác (Xích mạc hạ thùy), mạch máu chung quanh bò vào giác mạc (Huyết ế bao tình), viêm loét thành từng điểm (Tụ tinh chướng), loét chung quanh bờ cao, loét không đều (Hoa ế bạch hãm), loét kèm hoại tử (Ngưng chỉ ế), gây mủ tiền phòng (Hoàng dịch thượng xung, Băng hà chướng), và nặng nhất là giác mạc thủng (Giải tình – Mắt cua).
Để theo dõi kiểm tra vết loét của giác mạc, Tây y có phương phương đơn giản gọi là nhuộm giác như sau: Nhỏ một giọt Fluo hoặc một giọt thuốc đỏ 1% vào mắt bệnh, để 1 – 2 phút, rửa lại bằng cách nhỏ mấy giọt Chloraxine 4% sẽ thấy giác mạc bị bệnh chuyển thành mầu xanh xanh hoặc có mầu khác với mầu của giác mạc chỗ bình thường, vùng bị thay mầu chính là chỗ giác mạc bị loét.
. Nếu chỗ nhuộm đổi mầu ( Fluo (+) hoặc nhuộm thuốc đỏ (+): giác mạc chỗ đó bị loét.
. Nếu chỗ nhuộm không đổi mầu: giác mạch không loét mà có thể là giác mạc mới bị viêm hoặc bình thường.
Khi khỏi, những đám loét trên giác mạc sẽ thành sẹo, có mầu trắng giống như vẩy cá. Sẹo giác mạc sẽ tồn tại mãi, không có thuốc nào làm tan được
+ Theo YHHĐ, có thể do:
. Chấn thương (hạt lúa, dị vật… bắn vào mắt).
. Nhiễm khuẩn (trực khuẩn mủ xanh).
. Do nấm (nếu sử dụng lâu dài kháng sinh và kháng viêm loại Corticoid).
. Do thiếu dinh dưỡng (chủ yếu là thiếu sinh tố A).
. Do dị ứng (gặp ở rìa giác mạc).
+ Theo YHCT thường do:
- Thấp nhiệt độc uẩn kết, làm tổn thương tròng đen gây nên.
- Do nhiệt độc của Can, Đởm công lên mắt, nung nấu tân dịch, ứ huyết ngưng trệ gây nên.
- Phong nhiệt (Phong tà từ ngoài vào sinh ra nhiệt).
- Nhiệt thắng (do nội nhiệt sinh phong).
- Đờm thấp ứ trệ.
- Thận hư (Thận âm hư, Thận dương hư).
Điều Trị: Khu phong, thanh nhiệt, thoái ế, tư âm, bình Can, trừ thấp.
Chọn dùng các bài sau:
Bồ Cúc Thang (06), Bổ Thận Minh Mục Hoàn (09), Châu Hoàng Tán (14), Chỉ Thống Tiêu Thủng Tán (16), Dưỡng Phế Thanh Can Thang (26), Đại Thanh Tam Thảo Thang (28), Ngân Kiều Giải Độc Thang (63), Ngũ Hoàng Đơn (66), Như Thắng Tán (72), Quyển Ế Thang (77), Sài Cầm Thanh Can Thang (79),Tân Chế Sài Liên Thang (96), Thanh Chỉ Tứ Vật (103), Thanh Nhiệt Minh Mục Thang (107), Thoái Vân Tán Nhãn Dược (113), Thông Trị Mục Xích Phương (118).
+ Theo ‘Tạp Chí Đông Y’ (53), 9:
+ Do Phong Nhiệt: Cúc hoa, Chi tử, Liên kiều, Bạch chỉ, Ngân hoa, Kinh giới, Sinh địa đều 12g, Thuyền thoái 8g. Sắc uống.
+ Do Nội Nhiệt: Sinh địa 20g, Liên kiều, Chi tử, Bạch chỉ, Ngân hoa, Xích thược, Kinh giới, Câu đằng đều 12g. Sắc uống.
+ Do Thấp Nhiệt: Thương truật, Thần khúc, Quyết minh tử, Cúc hoa, Hoàng cầm đều 12g, Hoàng liên, Hậu phác, Trần bì đều 8g. Sắc uống.
+ Do Thận Âm Hư: Sinh địa 16g, Hoài sơn, Đơn bì, Tật lê, Mộc tặc, Ngưu tất, Bạch linh đều 12g, Trạch tả, Cúc hoa đều 8g. Sắc uống.
+ Do Thận Dương Hư: Thục địa 20g, Sơn thù, Đơn bì, Hoài sơn, Bạch linh, Thỏ ty tử, Trạch tả, Xa tiền tử đều 12g, Phụ tử 4g. Sắc uống.
Khi đã đỡ đau nhức và cần tăng phục hồi, làm cho mau thành sẹo, dùng thêm Lục Vị Địa Hoàng Hoàn uống mỗi ngày.
Có thể dùng thêm toa thuốc tiêu viêm sau: Sinh địa 16g, Ngân hoa, Chi tử, Kinh giới, Liên kiều, Xích thược đều 12g, Thuyền thoái 8g. Sắc với 300ml nước còn 200ml, chia làm 2 lần uống.
Thuốc Nhỏ mắt:
+ Nhất Nguyên Đơn (69).
+ Mật gấu, mỗi lần dùng đầu que tăm, chấm mật gấu, hòa với ít rượu, nhỏ vào mắt. ngày 4-5 lần.
+ Dầu lá Giấp cá nhỏ 10 lần /ngày.
(Cách chế dầu lá Giấp cá: lấy lá Giấp cá (Ngư tinh thảo) bỏ cuống, phơi khô héo, ngâm ngập vào cồn 90o trong 3 – 5 ngày. Lấy nước ngâm đó chế thành 2 dạng thuốc:
. Dầu: đem nước trên, cứ 100ml, cho vào 50ml dầu Phộng (Lạc) trung tính, lắc thành dung dịch mầu xanh. Cho cồn bốc hơi lên, đem ra dùng.
. Nước Nhỏ: lấy nước trên cho bốc hơi hết cồn, phần còn lại hòa tan trong nước 1-2%, để dành dùng.
CHÂM CỨU
+ Đại cốt không, Tiểu cốt không (đều cứu), Xích trạch, Thái dương [châm ra máu] (Châm Cứu Đại Thành).
+ Phong trì, Thái dương, Hợp cốc, Tam gian, Toàn trúc, Ngoại minh (Châm Cứu Học Thượng Hải).
+ Lương nhãn, Kiện minh 1, 2 (Châm Cứu Học HongKong)
06- BỒ CÚC THANG (Tứ Xuyên Trung Y Dược (4) 1986): Bồ công anh, Dã cúc hoa, Kim ngân hoa đều 15g, Đại hoàng, Long đởm thảo, Ngưu bàng tử, Hoàng cầm, Xích thược, Chi tử, , Sinh địa, Phòng phong đều 10g, Bạc hà 6g. Sắc uống.
TD: Thanh nhiệt, giải độc, khứ phong, lương huyết. Trị mắt sưng đỏ đau, kết mạc viêm.
(Trị 180 ca, khỏi 148, đỡ 21, không khỏi 11. Đạt 93, 89%).
09- BỔ THẬN MINH MỤC HOÀN (Ngân Hải Tinh Vi): Câu kỷ tử 40g, Chử thực tử 20g, Cúc hoa 8g, Đương quy 8g, Khương hoạt 8g, Linh dương giác, Nhục thung dung, Phòng phong, Sinh địa, Thảo quyết minh đều 40g. Tán bột. Dùng Dương can (gan dê), nấu chín, giã nát, trộn với thuốc bột, làm thành viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 viên.
TD: Trị đồng tử khô lõm (Đồng nhân can huyết), thần kinh thị giác teo, giác mạc viêm loét.
14- CHÂU HOÀNG TÁN (Trung Y Dược Học Báo (2) 1982): Ngưu hoàng, Trân châu, Xạ hương, Hùng đởm (Mật gấu) đều 1g, Lô cam thạch, Kê trảo liên, Băng phiến đều 10g, Chu sa 2g, Hổ phách, Ngân châu, Hùng hoàng đều 3g.
Lấy 2 lít nước nấu Kê trảo liên còn 800ml, để nguội. Lô cam thạch nung đỏ lên, nhúng vào nước Kê trảo liên cho nguội, lại nung, lại nhúng như vậy 7 lần, phơi trong râm 3 ngày, tán nhuyễn. Trân châu sấy khô, tán thật nhuyễn. Xạ hương, Hổ phách, Chu sa, Hùng hoàng, Ngân châu đều tán nhuyễn. Hùng đởm sấy khô cho đến khi có mầu vàng là được. Sau đó, cho Băng phiến vào, trộn đều. Đậy kín cho khỏi bay hơi. Mỗi lần dùng một ít điểm vào khóe mắt.
TD: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu thủng, chỉ thống, thoái ế, làm sáng mắt. Trị mắt toét (phong huyền xích lạn), mắt có mộng, chảy nước mắt, mắt sưng đỏ đau, mắt có màng.
16- CHỈ THỐNG TIÊU THỦNG TÁN (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Đại hoàng (sống) 30g, Xạ hương 1g, Nguyên minh phấn 30g, Một dược 10g, Huyết kiệt 10g. Tán nhuyễn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 – 4g.
Tác dụng: Thanh nhiệt, lương huyết, tiết hoả, giải độc, hành ứ, chỉ thống. Trị mắt sưng đỏ đau, giác mạc viêm cấp.
26- DƯỠNG PHẾ THANH CAN THANG (Thiên Gia Diệu Phương, Q. Hạ): Sinh địa, Sa sâm, Bạch cập, Bạch thược, Long đởm thang đều 12g, Mạch môn, Thảo quyết minh đều 15g, Hoàng cầm, Cúc hoa đều 9g. Sắc uống.
TD: Dưỡng Phế âm, thanh Can nhiệt. Trị giác mạc loét.
28- ĐẠI THANH TAM THẢO THANG (Bắc Kinh Trung Y Dược (2) 1990): Hạ khô thảo, Cốc tinh thảo đều 12g, Kim ngân hoa, Dã cúc hoa, Đại thanh diệp đều 15g, Liên kiều, Tang bạch bì, Bạch tật lê, Xích thược đều 12g, Bạc hà, Cúc hoa đều 6g. Sắc uống.
Thanh nhiệt, giải độc, thanh tiết Phế nhiệt, sơ phong, làm sáng mắt. Trị kết mạc viêm cấp, mắt sưng đỏ đau.
(Trị 126 ca, khỏi 125. Không khỏi 1. Đạt 99,2%. Thường uống 1 – 3 ngày là khỏi bệnh).
63- NGÂN KIỀU GIẢI ĐỘC THANG (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Ngân hoa 15g, Liên kiều 12g, Đơn bì, Bản lam căn, Thuyền thoái, Chi tử (tiêu), Kinh giới, Đại thanh diệp, Cát cánh, Mộc thông đều 10g, Lô trúc căn 30g, Cam thảo 3g. Sắc uống.
TD: Khứ phong, thanh nhiệt, giải độc, thoái ế, làm sáng mắt. Trị giác mạc viêm dạng độc.
66- NGŨ HOÀNG ĐƠN (Nhãn Khoa Cẩm Nang): Hoàng liên 15g, Hoàng cầm 24g, Hoàng bá 30g, Đại hoàng 30g, Hoàng đơn 60g, Bạc hà 120g. Tán nhuyễn. Dùng nước cốt Hành và nước trà trộn chung. Bôi vào 2 bên thái dương hoặc hố mắt.
TD: Thanh nhiệt, tả hoả, tiêu thủng, chỉ thống. Trị mắt sưng đỏ, đau.
72- NHƯ THẮNG TÁN (Phổ Tế Phương): Bạch phàn 6g, Xuyên ô đầu (bỏ vỏ, rễ, sấy khô) 6g, Hoàng liên (bỏ rễ con) 6g. Tán bột. Cho thêm Bạch thạch phấn 1,5g, trộn đều. Lấy nước cốt Gừng và nước cốt Bạc hà, trộn với thuốc bột trên, bôi vào huyệt Thái dương.
TD: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu thủng thống. Trị mắt sưng đỏ đau, mắt khó mở ra, chấn thương mắt.
Trị mắt hột.
77- QUYỂN Ế THANG (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Khương hoạt 10g, Xuyên khung 6g, Bán hạ 10g, Phục linh 15g, Ma hoàng, Bạch chỉ, Hoàng cầm, Cảo bản, Sung úy tử đều 10g, Bản lam căn 30g. Sắc uống.
TD: Tán phong, thanh nhiệt, táo thấp, hóa đờm. Trị giác mạc viêm độc tính.
79- SÀI CẦM THANH CAN THANG (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Sài hồ, Hoàng cầm đều 12g, Song hoa, Sinh địa đều 20g, Mộc thông 10g, Thạch quyết minh (sống, nấu trước) 30g, Tang diệp, Phòng phong, Mạn kinh tử, Xích thược đều 12g, Cúc hoa, Tri mẫu đều 15g, Nguyên sâm, Câu đằng đều 20g, Cam thảo 20g. Sắc uống.
TD: Bình Can, sơ phong, thanh nhiệt. Trị giác mạc viêm cấp.
(Trị 20 ca đều khỏi).
96- TÂN CHẾ SÀI LIÊN THANG GIA GIẢM (Nhãn khoa Toản Yếu): Sài hồ, Xuyên liên, Hoàng cầm, Xích thược, Mạn kinh tử, Sơn chi tử, Long đởm thảo, Mộc thông, Cam thảo, Kinh giới, Phòng phong. Sắc uống.
TD: Trị giác mạc loét (ngưng chỉ ế), mắt có màng (hoa bạch ế).
103- THANH CHỈ TỨ VẬT THANG (Thiên Gia Diệu Phương, Q. Hạ): Đại thanh diệp 50g, Bạch chỉ, Đương quy, Sinh địa, Xuyên khung đều 15g, Xích thược, Bạch thược đều 20g. Sắc uống.
TD: Thanh Can, lương huyết. Trị giác mạc viêm.
(Trị 30 ca, đều khỏi).
107- THANH NHIỆT MINH MỤC THANG (Cát Lâm Trung Y Dược (2) 1986): Kim ngân hoa, Xa tiền tử đều 30g, Cúc hoa, Liên kiều đều 15g, Mật mông hoa, Chi tử, Mộc tặc đều 10g, Hoàng cầm, Ngưu bàng tử, Thảo quyết minh, Thanh tương tử đều 12g. Sắc uống.
TD: Thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy, làm sáng mắt. Trị giác mạc viêm cấp.
113- THOÁI VÂN TÁN NHÃN DƯỢC (Hồ Nam Y Dược Tạp Chí (1), 1981): Hoàng bá 4g, Hoàng liên 4g, Hoàng cầm 4g, Sơn chi tử 4g, Liên kiều 4g, Đại hoàng 4g, Bạch cúc hoa 4g, Đương quy 4g, Xích thược 4g, Xuyên khung 4g, Bạch chỉ 4g, Bạc hà 4g, Kinh giới 4g, Phòng Phong 4g, Thuyền thoái 4g, Mộc tặc 4g, Lô cam thạch 60g, Trân châu 1,2g, Tây hoàng 0,6g, Hải phiêu tiêu 6g, Hùng đởm 0,6g, Chu sa 0,3g, Uy nhân sương 9g, Băng phiến 0,75g, Xạ hương 0,75g, Bột tề phấn 9g, Não sa 0,3g, Địa ngưng mễ tùng 200g. Các vị thuốc nấu làm hai lần; lấy nước đó tẩm chế với Lô cam thạch, sấy khô, tán nhuyễn. Hải phiêu tiêu tán nhuyễn. Trộn chung để dành dùng.
Mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần một ít, điểm vào khoé mắt trong, nhắm mắt lại khoảng 20 phút.
TD: Trị các chứng bệnh về mắt, mắt sưng đau, mắt có màng, mắt toét…
Thuốc Nhỏ Mắt
69- NHẤT NGUYÊN ĐƠN (Nhãn Khoa Cẩm Nang): Cam thảo, Thủy tiên căn. Hai vị bằng nhau. Đốt tồn tính, nghiền thật nhuyễn, hòa với sữa, nhỏ vào mắt.
TD: Trị giác mạc loét