Hạnh phúc tại tâm – 05 – tận cùng đau khổ đến an lạc vĩnh cửu

YduocNHH 07/12/2017

Hạnh phúc tại tâm – 05 – Tận cùng đau khổ đến an lạc vĩnh cửu

Osho - Hiểu dược chính mình sẽ mang tới hạnh phúc thật sự. Trong những bước đi đầu tiên, bạn không thể tránh khỏi việc đối mặt với đau khổ. Con đường phía trước còn rất gian nan. Nhưng càng tiến sâu vào cuộc hành trình, phần thưởng bạn nhận được càng lớn lao.

Osho – Hiểu được chính mình sẽ mang tới hạnh phúc thật sự. Trong những bước đi đầu tiên, bạn không thể tránh khỏi việc đối mặt với đau khổ. Con đường phía trước còn rất gian nan. Nhưng càng tiến sâu vào cuộc hành trình, phần thưởng bạn nhận được càng lớn lao.

Thấu nhập chân lý

Chúng ta cần thống nhất điều này: ánh sáng giác ngộ không phải là thoát khỏi nỗi đau mà là hiểu biết về nỗi đau, hiểu biết những cơn giận, hiểu biết những nỗi khổ tâm – hiểu chứ không nên che giấu, ngụy biện – hiểu sâu trong bản chất vấn đề: “Tại sao tôi lại đau khổ, tại sao tôi lại lo âu đến thế, giận dữ đến thế, cái gì đã tạo ra tất cả những cảm giác đó?”. Nếu hiểu được căn nguyên một cách rốt ráo, chúng ta sẽ thoát khỏi mọi tâm trạng tiêu cực khổ sở.

Chỉ khi nào thấu hiểu nỗi khổ của bản thân mình, bạn mới được giải thoát. Và bạn sẽ thực sự sống trong ánh sáng giác ngộ viên mãn. Giác ngộ không phải là một cái gì ở bên ngoài đến với bạn. Thấu hiểu mọi cảm xúc, cảm giác tiêu cực của mình (đau khổ, giận dữ, lo lắng) và làm tiêu tan chúng, đó là giác ngộ. Lúc ấy, những cảm xúc liên tục xô đẩy mà bạn từng trải qua không còn là nguyên nhân tạo nên cuộc sống của bạn nữa. Giác ngộ là khi bạn chứng nghiệm lần đầu tiên sự hài lòng thực sự, niềm vui thực sự, niềm an lạc đích thực. Trong tâm trạng đặc biệt đó, bạn mới nhìn nhận lại những gì đã qua. Bạn thấy hài lòng, vì rằng trước đó bạn đã không hề hài lòng; bạn thấy hạnh phúc vì trước đó bạn không hề hạnh phúc. Niềm vui giác ngộ không gì có thể so sánh nổi.

Tinh thần giác ngộ mang đến cho bạn một trạng thái sống chân thật, bạn sẽ thấy rõ hạnh phúc và nhận ra rằng những ước ao mình từng có chỉ là những giấc mơ viển vông, không hề có thật. Giờ đây, chúng sẽ ra đi vĩnh viễn.

Đây là một định nghĩa về sự hài lòng chân thật: Sự hài lòng đến với bạn và không bao giờ từ bỏ bạn một lần nào nữa là sự hài lòng chân thật, nếu không phải như thế thì cảm giác hài lòng chỉ là cái gì đó thoáng qua giữa những nỗi khổ tâm – chỉ là một khoảnh khắc bình yên ngắn ngủi mà thôi; khoảnh khắc ấy chợt có rồi lại chợt mất, và chúng ta lại tiếp tục bất an, hay trầm trọng hơn là lại gây chiến tranh. Khoảng cách giữa những bất an người ta gọi là “chiến tranh lạnh”, một thứ chiến tranh ngấm ngầm để chuẩn bị cho những cuộc chiến tranh nóng bỏng hơn.

Cái gì đến và đi đều là những giấc mơ. Cái gì đến và không bao giờ đi nữa mới là sự thật.

Hãy cố gắng thấu hiểu nỗi đau khổ của bạn. Hãy sống với nó, chìm sâu vào nó, tìm ra căn nguyên tại sao nó lại xuất hiện. Hãy định tâm lại.

Cũng như thế, bạn hãy cố hiểu sâu sắc thế nào là hạnh phúc phù du thoáng qua, thế nào là hạnh phúc chân thật, vĩnh hằng. Một khi biết rõ hạnh phúc chỉ là bề ngoài và nỗi thống khổ mới thật là sâu xa, toàn bộ ý thức của bạn sẽ thay đổi. Bạn sẽ cảm thấy dễ sống hơn rất nhiều, những cảm xúc tiêu cực từng hành hạ bạn sẽ giảm bớt.

Tình yêu cuộc sống sẽ lan tỏa trong tâm hồn bạn. Mặc cho thời gian trôi đi, lòng yêu ấy vẫn tồn tại. Điều mà bạn đạt được là sự sâu sắc toàn diện. Và hoa sẽ nở, bài hát sẽ ngân vang từ tâm hồn ngập tràn yêu thương của bạn. Người ta gọi đó là “giác ngộ”. Giác ngộ là một khái niệm của phương Đông, nhưng trạng thái giác ngộ là của toàn thể nhân loại, không phân biệt Đông Tây.

Cuộc sống và trò chơi

Chúng ta thường chơi không phải là chơi theo đúng nghĩa của từ này, mà chỉ là giải trí. Ta xem những trò chơi như một cách để trốn tránh thực tại, trốn tránh chính mình. Ta xem trò chơi như một nơi trú ẩn tạm thời giúp ta trốn tránh bao nỗi lo lắng, giận dữ, đau đớn và muộn phiền.

Và hầu hết mọi người đều đánh đồng trò giải trí mua vui với trò chơi đích thực. Không phải như thế. Bất kỳ điều gì đến từ bên ngoài chúng ta đều không phải là trò chơi. Một trò chơi không hề lệ thuộc vào cái bên ngoài. Trò chơi toát ra từ nơi sâu kín của tâm hồn ta. Chơi đồng nghĩa với tự do – tự do thoát khỏi môi trường vây bọc ta. Điều đó không có nghĩa là thoát khỏi bản thân mà là gặp lại chính mình. Trò chơi chỉ xuất hiện khi bạn trở về đúng bản thể của mình.

Những gì mà chúng ta gán cho trò chơi đều không phải là trò chơi đích thực, thậm chí hoàn toàn trái ngược với bản chất của nó. Thực sự, bạn có chơi đâu, bạn chỉ tìm cách giải trí thôi.

Trong một lần đến nước Mỹ, Maxim Gorky – một trong những nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất của Nga – đã được giới thiệu rất nhiều trò tiêu khiển. Người hướng dẫn du lịch cho Gorky hy vọng ông sẽ vui vẻ, nhưng càng đi nhiều, càng nhìn ngắm, Gorky càng cảm thấy buồn bã và khổ tâm.

Người hướng dẫn hỏi ông: “Thưa ngài, có chuyện gì vậy? Ngài không hiểu những trò vui này sao?”.

Maxim Gorky trả lời: “Tôi hiểu – vì hiểu nên tôi buồn. Đất nước này không có trò chơi nhưng lại quá nhiều trò giải trí”.

Chỉ có những người không biết chơi mới phải tìm cách giải trí. Thế giới càng ít trò chơi thì người ta càng cần truyền hình, phim ảnh, những thành phố hào nhoáng và hàng ngàn thú tiêu khiển khác. Người ta phải nhờ đến rượu, thuốc phiện để quên đi đau khổ, phiền não. Nhưng quên đi hoàn toàn không có nghĩa là không còn đau khổ nữa.

Vì thế, chơi là một cái gì rất sâu sắc của riêng chúng ta. Bắt đầu trò chơi, chúng ta sẽ gặp khó khăn, vất vả. Việc chúng ta bắt đầu nhìn thẳng vào nỗi khổ cũng khó như trèo lên một đỉnh núi cao. Nhưng càng nhận thức sâu hơn, chúng ta càng được đền bù xứng đáng.

Học được cách đối điện với đau khổ, bạn sẽ bắt đầu một cuộc chơi. Cuộc chơi đó là: nhìn thẳng vào nỗi khổ thì nỗi khổ sẽ tiêu tan, nỗi khổ tiêu tan thì bạn càng dễ chấp nhận mọi biến cố cuộc đời.

Chừng nào nỗi khổ còn đó, bạn vẫn còn phải đối diện với nó cho đến khi nó bất ngờ tan vỡ hết: bạn sẽ thấy nỗi khổ rời xa bạn cũng như bạn đang rời xa nó. Cuối cùng, bạn nhận ra nó chỉ là một ảo tưởng mà bạn đã gắn chặt cuộc đời mình vào đó. Giờ đây, bạn hiểu rằng sự đau khổ không còn nữa. Và đó cũng là lúc niềm hạnh phúc bùng nổ, tuôn tràn.

An lạc là tự do

Mỗi em bé khi sinh ra đã an lạc. An lạc là bản chất con người. Không phải chỉ có bậc thánh mới được an lạc. Đó là món quà mà tất cả chúng ta có thể mang vào thế giới này. Đó là cõi sâu kín nhất trong tâm hồn con người. Đó là một phần của sự sống. Cuộc đời không còn là bể khổ, mà là một nguồn vui bất tận. Mỗi em bé đều mang niềm vui vào thế giới, trong khi xã hội thì dẫm đạp lên niềm vui ấy, hủy diệt những mầm vui bé bỏng và ra sức uốn nắn những đứa trẻ trở thành những con người đau khổ.

Xã hội xô bồ điên loạn của loài người không cho phép chúng ta được sống an lạc; xã hội ấy chỉ hướng chúng ta đến những lo âu bất an.

Bạn không có cách nào điều khiển một người đang tràn trề niềm vui sống; nhưng bạn có thể tác động đến một người đang đau khổ. Người sống an lạc là người được giải thoát. An lạc đồng nghĩa với tự do. Khi bạn cảm nhận niềm vui một cách sâu sắc, bạn không thể bị nô lệ bởi bất kỳ điều gì.

Khi ấy, không ai dễ dàng hủy diệt hay cầm tù bạn. Bạn thích nhảy múa đưới những vì sao, thích đi trong gió hay trò chuyện với mặt trăng, mặt trời, không ai ngăn cản được. Bạn cần một không gian rộng lớn, khoáng đạt. Bạn không thể bị phụ thuộc, không thể trở thành một tù nhân bị giam cầm trong hầm tối. Bạn sống cuộc đời tự do và làm những gì bạn muốn.

Trong xã hội ngày nay, điều này thật khó thực hiện. Nếu bỗng dưng có một vài người sống an lạc, ngay lập tức họ sẽ bị xa lánh. Những người an lạc thực sự sẽ trở thành những kẻ nổi loạn, bởi họ muốn được sống như những cá nhân, thoát ra khỏi sự khô cằn, cứng nhắc của xã hội đang tồn tại.

Bạn hãy cố gắng hiểu điều này: an lạc là tự do vĩnh cửu. Hiểu theo một nghĩa nào đó, người “nổi loạn” không muốn bị điều khiển và cũng không muốn điều khiển ai. Họ tin vào tự nhiên thuần túy, vì đó là cái đẹp nguyên sơ thánh thiện nhất. Sự thật là thế!

Vũ trụ rộng lớn này có thể hồn nhiên vận động, không hề lệ thuộc vào ý chí của một ai. Muông thú, cây cối có thể sống an lành mà không cần người quản lý. Tại sao chúng ta cứ mãi tự trói buộc mình vào những cái khuôn cứng nhắc của những quy tắc xã hội? Nếu quá tin vào cơ chế cực đoan, con người sẽ rơi vào một cái vòng luẩn quẩn tối tăm, không còn cơ hội để sống một cách vui tươi, nhẹ nhàng. Ai đã nghĩ ra những luật lệ? Chính bạn đã ủng hộ những sợi dây trói buộc mình, đã cho phép mình bị trói buộc. Bạn đã tự cầm tù mình mà không biết. Mọi sự đóng khung cứng nhắc của các thể chế độc đoán đều dập tắt con đường tự do tinh thần của bạn.

Từ thuở ấu thơ, bạn đã bị ngăn cấm bước tới cánh cửa tự do thực sự, bởi một khi chúng ta đã biết tự do là gì, hẳn sau đó ta sẽ không thừa nhận, sẽ không thỏa hiệp với bất kỳ điều gì đi ngược với tự do nữa. Thà chết còn hơn là bị làm nô lệ. Chắc chắn là như thế rồi.

Đương nhiên một người nổi loạn sẽ không quan tâm đến việc tác động quyền lực lên kẻ khác. Đam mê quyền lực dữ dội là dấu hiệu của người bị loạn thần kinh chứ không phải của người nổi loạn một cách ý thức. Vì sao con người ta lại đam mê quyền lực? Vì trong thâm tâm, anh ta cảm thấy bất lực; anh ta cho rằng nếu không mở rộng quyền lực thì sẽ bị người khác khuất phục.

Machiavelli nói rằng cách tốt nhất để bảo vệ là tấn công. Các chính trị gia ở khắp mọi nơi trên thế giới đã học theo lối suy nghĩ này, đơn giản vì họ nghi ngại quyền lực thực sự của mình sẽ bị xâm phạm. Họ cho rằng thà bóc lột kẻ khác còn hơn là để kẻ khác bóc lột. Thế nhưng, bị bóc lột hay trở thành kẻ bóc lột đều không có gì hay ho.

Một khi đứa trẻ đã biết được mùi vị của tự do, nó sẽ không bao giờ có ý định tham gia vào bất kỳ chính thể nào lúc trưởng thành. Nó muốn duy trì phẩm chất cá nhân của mình, duy trì tự do và tạo ra một không khí tự do xung quanh mình, biến mình trở thành cánh cửa mở ra tự do vô tận.

Nhưng một đứa trẻ không thể biết được mùi vị tự do. Nếu đứa trẻ hỏi: “Mẹ ơi, con đi ra ngoài được không? Nắng đẹp quá. Con muốn đi chơi” thì ngay lập tức – một cách đầy thành kiến và độc đoán – người mẹ sẽ trả lời: “Không được!”. Đứa trẻ không đòi hỏi gì nhiều. Nó chỉ muốn đi ra ngoài để chơi đùa trong nắng sớm, hít thở không khí trong lành dưới những tán cây xanh, nó không đòi hỏi điều gì lớn lao cả. Nhưng câu trả lời là “Không”. Chẳng có người cha người mẹ nào lại dễ dàng đồng ý cho đứa trẻ ra khỏi nhà một mình, dù chỉ là đi dạo chơi. Nếu đồng ý, họ cũng rất miễn cưỡng. Họ sẽ tìm cách làm cho đứa trẻ thấy mình có lỗi, rằng “con đã sai rồi”.

Cứ khi nào đứa bé cảm thấy hạnh phúc hoặc thích làm một điều gì đó thì người lớn lại kìm hãm: “Không được như thế”. Dần dần, đứa trẻ hiểu ra: “Vui sướng tức là sai lầm”. Và tất nhiên, nó cũng không bao giờ cảm thấy hạnh phúc nếu cứ bị nhắc nhở. Niềm vui được sống theo cảm nhận của mình trở nên gượng ép. Đứa bé đi đến một quan niệm rằng: “Vui sướng là sai lầm. Chỉ có đau khổ mới là đúng đắn”. Nó tin chắc như vậy.

Đứa bé muốn mở một chiếc đồng hồ để nhìn vào bên trong, hẳn là người lớn sẽ cảnh cáo: “Dừng lại ngay! Hỏng đồng hồ bây giờ”. Thực ra, nó chỉ muốn nhìn vào bên trong đồng hồ để xem trong ấy có gì. Nó thắc mắc vì sao cái đồng hồ lại kêu tích tắc. Bao nhiêu đó cũng giúp cho đứa bé cảm thấy thỏa mãn. Chiếc đồng hồ làm sao có giá trị bằng sự tò mò tìm hiểu của đứa bé, nói đúng hơn, làm sao có giá trị bằng trí tuệ của đứa bé. Nếu đồng hồ bị hỏng, chẳng có điều gì ghê gớm xảy ra cả. Nhưng nếu ngăn cản đứa bé tìm hiểu, có thể chúng ta sẽ hủy diệt cả tâm hồn khát khao của đứa bé. Rồi nó sẽ chẳng bao giờ còn muốn tìm hiểu sự thật nào nữa.

Một buổi tối đẹp trời, sao mọc lấp lánh khiến đứa bé muốn được đi chơi; nhưng đã đến giờ phải đi ngủ mất rồi. Đứa bé không hề buồn ngủ. Nó đang thức và hoàn toàn tỉnh táo. Thế là đứa bé cảm thấy bị lẫn lộn. Buổi sáng, khi nó đang muốn ngủ thì người lớn ra lệnh: “Thức dậy thôi”. Khi đứa bé muốn thức để chơi đùa trong một đêm đầy sao thì bị nhắc nhở phải đi ngủ. Ngược lại, khi nó muốn ngủ thêm một chút vì một giấc mơ đẹp nào đó thì bị gọi thức dậy. Bầu trời đầy sao sáng đối với đứa bé rất nên thơ, rất đẹp. Nó thấy xúc động. Sao nó có thể ngủ được chứ. Nó còn muốn nhảy múa nữa. Nhưng với người lớn, đứa bé chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là đi ngủ ngay lập tức.

Khi đứa bé không hề thấy đói thì người lớn lại bắt nó ngồi vào bàn ăn. Nhưng khi nó đói, mẹ của đứa bé lại nghiêm nghị: “Đây không phải là giờ ăn đâu”. Bằng những cách như vậy, chúng ta đã hủy diệt khả năng sống hạnh phúc của một con người, thậm chí hủy diệt cả khả năng sống an lạc mãi mãi của họ. Những gì mà một đứa trẻ cảm nhận là vui sướng đều bị cho là sai lầm và ngược lại, những gì nó không thích thì được cho là đúng đắn.

Trong trường học, khi những con chim bất ngờ hót vang ngoài sân, những đứa trẻ sẽ hướng ra nơi có tiếng chim, không còn tập trung vào bài giảng môn toán và ông thầy nghiêm nghị với viên phấn trắng trên bảng. Một con chim hót chẳng có quyền lực gì, nhưng ông thầy thì có. Con chim chỉ là vẻ đẹp của tự nhiên. Con chim thu hút đứa bé vì nó không nhồi nhét vào đầu đứa bé những câu đại khái như: “Chú ý nào! Chú ý vào tôi nào!”. Không, một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, ý thức của đứa bé bắt đầu trôi ra phía cửa sổ, đi theo phía có tiếng chim. Đứa bé phải nhìn lên bảng, trong khi trái tim của nó đang hướng đến chỗ khác.

Hạnh phúc phải chăng là một sai lầm? Mỗi tình cảm bộc phát hồn nhiên của đứa trẻ đều có nguy cơ trở thành sai trái. Từ đời này sang đời khác, chúng ta đã lần lượt hủy diệt cực đoan cái phần hồn nhiên, tươi mới trong tâm hồn con người. Và từ đó, những nguyên tắc nghiệt ngã cứng nhắc của xã hội loài người vẫn được duy trì. Những rào cản mọc lên ngày càng nhiều. Hầu như người ta không còn biết vui sướng là gì. Trái đất xanh tươi này trở thành một ngôi nhà bất an cùng cực.

Chỉ có người đau khổ mới đi đến đền thờ để cầu nguyện. Người hạnh phúc sẽ không đến nơi ấy bao giờ. Đến để làm gì kia chứ.

Tôi từng nghe một câu chuyện thế này: Một lần, Adolf Hitler có buổi nói chuyện với một nhà ngoại giao người Anh. Họ đứng ở tầng thứ 13 của một tòa nhà chọc trời, và để gây ấn tượng với khách, Hitler đã ra lệnh cho một chiến binh Đức nhảy xuống. Người chiến binh thi hành mệnh lệnh không chút đắn đo. Tất nhiên, anh ta chết. Nhà ngoại giao người Anh không thể tin vào mắt mình. Ông bị sốc. Tại sao người ta lại lãng phí đời mình mà chẳng nhằm mục đích gì. Còn Hitler, để gây ấn tượng mạnh hơn, lại tiếp tục ra lệnh cho một chiến binh khác. Anh này lại nhảy xuống và chết. Rồi đến lượt người chiến binh thứ ba.

Không kìm nổi lòng mình, nhà ngoại giao Anh kéo người chiến binh lại và hỏi: “Anh đang làm gì vậy? Sao phải chết oan uổng như thế?”. Người chiến binh trả lời: “Ai có thể sống được ở đất nước này, dưới quyền một tên điên loạn kia? Ai có thể sống với Hitler? Tốt hơn hết là chết đi. Thế là được tự do”.

Khi nỗi đau khổ lên đến cực điểm, chết là một cách giải thoát. Khi đau khổ, người ta muốn giết mình, giết người. Và chiến tranh cứ thế diễn ra.

Bây giờ chúng ta đã hiểu vì sao mình khổ, và làm cách nào để chấm dứt đau khổ. Nếu không cố gắng thoát ra khỏi nỗi phiền não, không thấu hiểu được con đường của sự khổ; nếu cứ khư khư bám lấy nỗi buồn mờ mịt, chúng ta sẽ không bao giờ có được niềm vui chân thực. Tâm hồn ta không bao giờ có thể ca hát với đời. Rồi chúng ta sẽ chết dần mòn với cuộc sống tẻ nhạt thiếu vắng lời ca tiếng hát hay điệu múa giọng đàn. Chúng ta sẽ chết ngay khi sống, bởi chưa bao giờ chúng ta có được cuộc sống tự nhiên, vui tươi đúng nghĩa.

Sự thật hay ảo ảnh

Bạn từng nghĩ rằng, cuộc sống của mình chỉ là một chuỗi hy vọng, nó không phải là một cái gì có thật. Nhưng nó hoàn toàn có thể là thật.

Những hình thái mà chúng ta gọi dưới những cái tên như xã hội, văn minh, văn hóa, giáo dục đều là cấu trúc tinh tế của một thế giới bị “nhiễm độc”. Cấu trúc đó như sau: người ta tạo ra cho bạn một ý tưởng mơ hồ rằng thế giới chỉ là một bóng đen u ám, rằng không thể nhìn thấy sự thật cuối cùng, rằng con người đang gắn bó sinh tồn trong một thế giới ảo ảnh. Người ta khuyến khích bạn ước mơ, kỳ vọng; nghĩa là khuyên bạn hãy sống trong hy vọng, hướng tới ngày mai; hãy hy sinh hôm nay cho ngày mai.

Nhưng ngày hôm nay vẫn còn ở đó; ngày hôm nay là thời gian duy nhất mà bạn đang thực sống, là thời gian duy nhất mà bạn có thể nắm giữ. Nếu muốn sống, hãy sống trong hiện tại.

Xã hội thúc đẩy chúng ta không ngừng theo đuổi các tham vọng. Từ thuở ấu thơ, bạn được giáo dục phải trở nên giàu có, quyền lực, phải trở thành một ai đó khác chứ không phải chính bạn. Không ai giúp bạn hiểu rằng con người đang sống trong một niềm hạnh phúc dồi dào trước mắt. Người ta nói với bạn rằng con người chỉ có thể hạnh phúc khi được đủ đầy về tiền của.

Hạnh phúc chẳng liên quan gì đến của cải vật chất. Hạnh phúc không phải là một thành tựu. Hạnh phúc là bản chất vốn có của mỗi sinh thể. Hãy nhìn xem, muông thú vẫn nhởn nhơ trong thế giới mà chẳng cần bạc tiền. Một con nai hay con chó không có nhu cầu trở thành Rockefeller (8). Chúng cũng chẳng cần quyền lực. Những cái cây vẫn hồn nhiên sống trong niềm vui xanh tươi ngay cả khi nó không còn có thể dâng tặng cuộc đời những đóa hoa xinh đẹp. Mùa xuân trở về thì hoa lại nở. Mọi thứ vận động một cách tự nhiên theo nhịp điệu thần thánh của vũ trụ bao la. Lời cầu nguyện của vạn vật là vĩnh cửu, đó là những buổi thánh lễ không bao giờ bị gián đoạn. Chúng có cần đến nhà thờ đâu. Thượng Đế đến với chúng, trong gió, trong mưa, trong ánh mặt trời rực rỡ.

(8) Rockefeller (1839 – 1937): Nhà công nghiệp người Mỹ. Theo tính toán của tạp chí tài chính Forbes, ông được xem là người giàu nhất trong lịch sử.

Chỉ có con người mới đánh mất đi niềm an nhiên hạnh phúc buổi ban đầu ấy, bởi con người cứ sống trong hy vọng, đợi chờ và không chịu chấp nhận sự thật. Thực ra, sống trong mơ tưởng là một sự giả dối. Sự giả đối ấy làm tâm trí bạn rối bời. Cuộc sống ảo tưởng đã thay thế cho cuộc sống chân thật.

Bạn hãy quan sát quan sát cuộc sống mà xem. Đứa bé muốn mẹ yêu nó nhiều hơn, nhưng điều đó không diễn ra; người mẹ luôn trì hoãn niềm yêu thương của mình vì công việc hoặc vì những mong muốn khác. Tình yêu cuộc sống trong cô đã hóa thành một hoang mạc khô cằn. Mục đích sống của cô là lấp đầy hố sâu của những tham vọng. Cô đang bận nghĩ cách nào đó có thể kiểm soát và sở hữu chồng mình. Nếu cô không phải là người phụ nữ của yêu thương thì làm sao cô có thể yêu thương đứa con một cách chân thành được?

Tôi đang đọc cuốn sách “Sự thật cuộc sống” của R. D. Laing. Cuốn sách cho biết kinh nghiệm tâm lý qua khảo sát nhiều trường hợp phụ nữ giữ thiên chức làm mẹ bằng những dạng câu hỏi như: “Khi nào con của bạn có thể ra đời? Bé có thực sự được chào đón không? Bạn đã sẵn sàng để có bé chưa?”. Ở câu hỏi thứ nhất: “Bạn sinh con vì vỡ kế hoạch hay thực sự ao ước muốn có con?”, 90% phụ nữ lập tức trả lời: “Tôi không hề mong có con, đó chỉ là tai nạn”. Câu hỏi tiếp theo: “Khi biết mình có mang, bạn có quyết tâm giữ đứa bé không? Hay bạn muốn bỏ nó đi? Bạn có thực sự muốn có con không?”. Nhiều người trong số họ trả lời rằng trong mấy tuần lễ đầu họ rất lưỡng lự, không biết có nên giữ đứa bé lại hay không. Nhiều đứa bé ra đời chỉ vì người mẹ không có cách nào giải quyết được cái thai trong bụng. Có khi họ là những tín đồ Thiên Chúa giáo, và ý nghĩ về việc nạo phá thai khiến họ sợ hãi bởi đó là một tội lỗi khiến con người có thể bị đày xuống địa ngục. Để tránh mặc cảm tội lỗi, tránh nỗi ám ảnh của những hình phạt nơi địa ngục, nhiều phụ nữ theo đạo Thiên Chúa đã sinh con ngoài ý muốn. Hoặc có thể đo chịu ảnh hưởng từ quan niệm chung của xã hội, chẳng hạn như người chồng muốn có đứa bé để duy trì dòng dõi. Song dù ở trường hợp nào, thì điều cốt lõi là đứa bé không nhận được tình yêu thương thật sự từ các đấng sinh thành. Trong số những phụ nữ đã được phỏng vấn, chỉ một số ít các bà mẹ có câu trả lời rằng: “Vâng, con cần phải ra đời. Mẹ yêu con và mẹ hạnh phúc thật sự”.

Vậy nên có nhiều em bé ra đời mà không được thương yêu trân trọng. Việc này gây ra những hậu quả không lường. Đứa bé khi được sinh ra đã cảm nhận rằng nó không được chào đón. Khi một người mẹ đã từng nghĩ đến chuyện phá bỏ thai nhi, thì trong sâu xa, đứa bé đã bị tổn thương. Bé là một phần cơ thể người mẹ, nó rất nhạy cảm. Còn nếu người mẹ do dự, không rõ mình muốn có con hay không thì cái tâm trạng lấp lửng kỳ quặc đó cũng ảnh hưởng đến bé, khiến bé trở nên lo sợ, không yên ổn. Nó bị treo lơ lửng giữa hai đầu dây sự sống và cái chết. Bằng cách nào đó, một em bé ra đời và mẹ của bé nghĩ rằng đó chỉ là một sự cố tình dục – rõ ràng những người mẹ như vậy đang cố điều khiển sự sinh nở, cố tránh việc có con nhưng thất bại. Đứa bé vẫn có mặt trong cuộc sống của họ. Vì thế, người mẹ phải chịu đựng.

Chịu đựng, tức là không yêu. Đứa bé bị mất tình yêu ngay từ khi chào đời. Người mẹ thì cảm thấy có lỗi vì không thể yêu con một cách bản năng. Chị bắt đầu tìm cách bù đắp cho cái tình yêu ít ỏi đó. Chị bắt đứa bé ăn thật nhiều. Vì không thể lấp đầy tình yêu của mình vào tâm hồn con, chị nhồi thức ăn vào dạ dày của nó. Đó chỉ là một sự thay thế. Trong những trường hợp này, người mẹ thường bị mặc cảm tội lỗi ám ảnh. Khi đứa bé nói: “Con không đói”, chị cũng bắt nó phải ăn. Họ không lắng nghe con, vì không đủ yêu thương dành cho con, họ không biết phải làm gì với đứa trẻ. Họ nhồi nhét thức ăn cho con như một cách lấp đầy khoảng trống rộng hoác của trái tim. Rồi khi đứa bé lớn lên, thức ăn được thay bằng tiền. Lúc này, đến lượt đồng tiền sẽ thay thế cho tình yêu.

Như vậy, người ta đã dạy đứa trẻ rằng tiền quan trọng hơn tình yêu. Nếu bạn không có tình yêu, điều đó chẳng có gì đáng lo, nhưng nếu bạn không có tiền thì mọi chuyện bắt đầu khó khăn rồi. Cách giáo dục đó biến người ta trở nên tham lam. Đứa trẻ sẽ chạy theo đồng tiền một cách điên cuồng. Nó sẽ không chút bận tâm về sự thiếu vắng tình yêu. Nó chỉ quan tâm đến số tiền có trong ngân hàng. Nó cho rằng: “Tôi cần phải có rất nhiều tiền, sau đó mới tính đến tình yêu”.

Giờ đây, chúng ta biết rằng tình yêu không cần đến tiền. Bạn có thể yêu một cách vô tư như bản chất của mình. Nếu quan niệm tình yêu gắn với đồng tiền, một ngày nào đó bạn sẽ cảm thấy trống rỗng vô vị sau cuộc chạy đua hoang phí tâm sức vật lộn với đồng tiền để mong có tình yêu. Quãng thời gian rong ruổi đó đâu chỉ bị phí hoài mà còn là những năm tháng không có tình yêu, không được giáo dục về lòng yêu thương. Tiền bạc đã rủng rỉnh rồi nhưng bạn không biết cách nào để yêu thương. Bạn đã quên hết ngôn ngữ của cảm giác, của tình yêu và hạnh phúc.

Vâng, đến lúc này, bạn có thể “tậu” một cô gái đẹp, nhưng đó không phải là tình yêu, cho dù đó là cô gái đẹp nhất thế giới. Cô gái ấy có thể đến với bạn vì cái tài khoản trong ngân hàng chứ không phải vì tình yêu chân thành.

Tiền bạc chỉ là ảo ảnh. Quyền lực cũng vậy. Chúng không phải là sự thật. Sự ngưỡng mộ cũng chỉ là phù du. Tất cả chúng chỉ là những ước vọng hão huyền, những giấc mơ của loài người vốn nhiều đau khổ.

Nếu muốn vui sống một cách bình thường, hãy sớm từ bỏ ảo ảnh xa vời mà xã hội đã khuyến khích bạn đuổi theo. Hãy trở thành chính bản thân mình chứ không phải vì ý muốn của người khác. Chỉ khi nào can đảm thoát khỏi ảo ảnh, bạn mới có khả năng bước vào sự thật. Đơn giản vì duy nhất Sự Thật là cái có thật, còn ảo ảnh thì không bao giờ trở thành sự thật.

Cái hiện tại và cái trở thành

Hạnh phúc đích thực là gì? Có phải là khi ta đạt được cái gì đó? Không. Có phải là khi ta tìm được cái gì đó? Không. Có phải là khi ta trở thành một ai đó? Không. Hạnh phúc nằm ở cái đang là, còn đau khổ nằm ở cái trở thành. Nếu muốn trở thành một cái gì đó, bạn sẽ lập tức rơi vào đau khổ. Trở thành một cái gì đó là nguồn gốc của đau khổ. Bạn chỉ hạnh phúc khi chú tâm vào thực tại đang sống, tại đây, ngay lúc này. Không có gì ngăn trở giây phút hiện tại của con người. Hạnh phúc là cái rất bình dị, rõ ràng. Nó là bản chất của chúng ta. Nó luôn ở trong chúng ta. Chỉ cần ta mang đến cho nó cơ hội để tuôn trào, nở rộ.

Hạnh phúc không trú ngụ ở khối óc, nó nằm ở trái tim. Hạnh phúc không nằm ở suy nghĩ; nó thuộc về cảm giác. Khi bạn bị tước đi cảm giác, bạn sẽ không còn cảm giác. Bạn không biết cảm giác là gì. Bạn nói: “Tôi cảm thấy…”, không phải vậy, thật ra bạn đang nghĩ là mình cảm thấy thì đúng hơn. Bạn nói: “Tôi cảm thấy hạnh phúc”, đó chẳng qua là do bạn nhìn nhận, phân tích và nghĩ rằng mình đang có cảm giác hạnh phúc. Bạn đã suy nghĩ về hạnh phúc chứ không phải cảm nhận nó một cách giản dị, hồn nhiên. Bạn nghĩ về nó thì nó xuất hiện, nếu bạn không nghĩ về nó thì bỗng dưng nó biến mất không để lại dấu vết.

Nếu nhìn thế giới bằng khối óc, bạn chỉ thấy được mặt này hay mặt khác. Còn với trái tim, bạn có thể cảm nhận thế giới một cách toàn vẹn bằng chính tâm hồn mình. Vì thế, cảm giác đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống con người. Hãy quan sát một họa sĩ đang vẽ tranh để thấy rõ sự khác biệt giữa một nghệ sĩ thực thụ và một người sành sỏi về kỹ thuật. Nếu người họa sĩ chỉ giỏi kỹ thuật, một người nắm được thuật phối màu trên bảng vẽ và cách sử dụng cọ nhờ chịu khó thực hành, anh ta chỉ cần cố gắng suy nghĩ cách nào để hoàn thành bức tranh. Nhưng một nghệ sĩ thì khác. Anh ta hoàn toàn bị cuốn hút vào tác phẩm của mình, hoàn toàn quên mất xung quanh. Anh ta không chỉ vẽ bằng tay, không chỉ cố gắng hoàn thành bức tranh có trong đầu mình mà anh ta đang trút tất cả sự sống đang tuôn chảy trong mình vào bức họa. Không có gì tồn tại ngoài những nét vẽ. Giây phút ấy thậm chí ngay cả người họa sĩ cũng không tồn tại nữa. Giây phút ấy, toàn bộ đời anh chỉ là một thông điệp, mọi sắc màu đi xuyên qua anh.

Khi bạn gặp gỡ một nghệ sĩ múa – một nghệ sĩ đích thực, không phải chỉ là một người chuyên biểu diễn – bạn sẽ thấy họ không múa. Có một cái gì đó bên kia điệu múa trong con người họ. Toàn bộ sự sống của họ nằm trong điệu múa. Làm một cái gì đó bằng tất cả hồn mình, đó là hạnh phúc. Ngược lại, bạn sẽ luôn cảm thấy chưa đủ, cảm thấy khổ sở. Khi cảm thấy mình chỉ là một phần tách rời của cái toàn thể, cảm giác đó rất đau đớn. Sự cắt chia đó giống như tâm trạng căng thẳng nặng nề hoặc cơn tức giận.

Nếu yêu thương bằng cái đầu, chúng ta sẽ rất khó trao tặng cho người khác những trải nghiệm hạnh phúc. Cũng như vậy, ta không thể thiền định chỉ bằng cái đầu.

Tôi rất thích bơi lội. Những người hàng xóm nói rằng nhìn tôi rất hạnh phúc sau mỗi lần đi bơi về. Một ngày kia, họ hỏi tôi: “Có chuyện gì xảy ra vậy? Tôi thấy anh đi ra dòng sông và bơi ở đó đến mấy tiếng. Tôi cũng muốn đi theo anh vì tôi thấy anh hạnh phúc quá”.

Tôi nói: “Xin đừng đi theo tôi. Anh quên mất một điều, ở ngoài bờ sông buồn lắm. Anh đừng hành động giống tôi vì càng muốn đi theo tôi, anh sẽ càng gặp khó khăn đấy. Nếu đi ra bờ sông rồi cố gắng bơi để mong được vui sướng thì anh sẽ không bao giờ có được cảm giác đó đâu”.

Bơi có thể trở thành thiền định. Chạy cũng có thể trở thành thiền định – bất cứ việc gì cũng có thể trở thành thiền định. Hạnh phúc ở trong tim chúng ta. Trái tim là sự hợp nhất tất cả.

Nếu thích, hãy nhảy múa ngay lúc này bằng tâm hồn mình, như một “người say” từ bỏ bản thân mình. Trò chơi thực sự là một cuộc say. Đó là cơn say của người biết chơi đùa một cách hồn nhiên. Những kẻ quá tỉnh táo không bao giờ biết chơi, không bao giờ nỗ lực với trò chơi nên cũng không bao giờ điều khiển được nó. Xã hội không thể điều khiển được một người thích chơi đùa. Còn chúng ta, nếu không thể điều khiển trò chơi thì ta cũng không thể làm chủ niềm hạnh phúc của bản thân mình.

Nhiều người tâm sự với tôi rằng họ muốn thoát khỏi nỗi đau khổ, nhưng họ không sẵn sàng chấp nhận buông xả. Họ vẫn cứ mong mỏi điều khiển cái này cái khác, như thể điều khiển trò chơi vậy. Họ vẫn cứ muốn làm ông chủ. Đó là điều không thể. Niềm vui thực sự chỉ đến khi chúng ta từ bỏ mọi ước muốn điều khiển cái này cái khác. Trò chơi, hay niềm vui là một cái gì đó rất hồn nhiên, nó không biết đến sự điều chỉnh nào.

Hạnh phúc cũng vậy, là một cái gì đó rất hồn nhiên. Người ta không thể điều khiển hạnh phúc được. Bạn chỉ có thể cảm nhận mình rơi sâu vào niềm an vui như bước vào một trò chơi vô tận. Đó là một cuộc chơi vĩnh cửu. Với trò chơi ấy, làm sao chúng ta có thể điều khiển, sắp xếp?

Khi đang nhảy múa một cách say sưa, ca hát một cách say sưa, chúng ta tựa hồ như không có mặt nữa – trò chơi đã tràn đầy trong ta, tuôn chảy cùng lúc với dòng máu trong ta. Tất cả đều như một phép màu. Sống với chết đang nhảy múa cùng nhau bởi vì cả hai đều biến mất. Nếu bạn không cảm nhận một sự hòa hợp cao độ, sự ngăn cách sẽ xuất hiện, và không còn hạnh phúc nữa.

Nếu tách mình ra khỏi thế giới, thế giới sẽ chia cắt chúng ta. Sự tồn tại của ta vươn lên một cách cô đơn trên tấm màn vũ trụ. Nếu gắn bó hài hòa với vũ trụ, chúng ta không còn bị giày vò bởi sự chia cắt. Sự sống và cái chết không phải là hai thể đối lập mà chúng bù đắp cho nhau trong một điệu múa. Vật chất và ý thức không phải là hai thứ khác biệt mà chúng hòa quyện bên trong chúng ta: linh hồn và thể xác đang nhảy múa cùng nhau. Tất cả hiện hình làm một và hòa trộn nhau trong cái nhất thể tuyệt đối. Linh hồn và thể xác luân phiên ẩn hiện.

Thượng Đế không phải là một đấng siêu nhiên nào xuất hiện trên bầu trời mênh mông kia. Người ở đây, trên những hàng cây, những hòn đá, trong tôi, trong bạn, trong mọi sự hiện hữu. Thượng Đế là linh hồn của tồn tại, vô hình và sâu thẳm. Bên trong nhảy múa với bên ngoài, thiên đường nhảy múa với cõi tục, cái thánh thiện nhảy múa với tội lỗi.

Và khi bạn trở thành một thực thể hợp nhất, lập tức, những mặt đối lập này sẽ biến mất.

Vậy nên, một người thông thái cũng có thể là một kẻ ngớ ngẩn, bởi cái thông thái kia nhảy múa với cái ngốc nghếch. Bậc hiền triết có thể thành kẻ tinh quái. Thượng đế và ma quỷ không hẳn là hai. Bạn đã bao giờ nghĩ về từ “ma quỷ” (devil) chưa? Từ ấy cùng gốc với từ “thánh thần” (divine) đấy. Ở tiếng Sankrit cũng vậy, diva cùng gốc với từ deva.

Một cái cây trong sâu thẳm của nó là một sự hợp nhất hoàn thiện, dù nó có đến hàng trăm cành nhánh hướng về những nơi khác nhau, dù nó có đến hàng triệu chiếc lá.

Khi chúng ta bắt đầu điệu múa, cả thế giới sẽ múa cùng chúng ta. Một câu cách ngôn nói rất đúng: nếu khóc, hãy khóc một mình; khi cười thì cả thế giới sẽ cười với bạn. Khi đau khổ, chúng ta sẽ bị cô lập. Đau khổ sẽ là bức tường ngăn cách chúng ta với thế giới.

Nỗi đau đớn sẽ cô lập bạn, hay đúng hơn, sự cô lập đó sẽ làm bạn đau đớn. Mỗi khi rời khỏi cái toàn thể, lập tức bạn sẽ đau khổ. Đó là lý do mà một cá thể duy nhất không thể có được niềm vui thật sự, bởi bản chất của niềm vui là sự giao hòa. Niềm vui chỉ đến khi người ta không bao giờ còn bị cách chia. Con người cá nhân nếu cố sức sống vui trong đơn độc thì ở đâu đó trong lòng anh ta vẫn âm ỉ một nỗi khổ đau. Càng vùng vẫy anh ta càng tạo thêm chất chồng nỗi khổ tâm, càng duy trì cái tôi của mình anh ta càng rơi vào cô đơn.

Khi thật sự hạnh phúc, cái tôi cá nhân của mỗi người sẽ biến mất. Khi thật sự hạnh phúc, chúng ta thấy mình ở trong cái toàn thể. Hạnh phúc gắn với sự sẻ chia.

Khi Đức Phật buồn chán, Người đã bỏ vào rừng, bỏ lại cả thế giới sau lưng. Sáu năm sau, khi đã giác ngộ, Ngài hân hoan biết bao khi trở lại chốn kinh kỳ bởi lẽ khi ấy, trong Ngài đã tràn ngập tình cảm chia sẻ lớn lao.

Đau khổ là hạt giống, hạnh phúc viên mãn là đóa hoa. Hương thơm của niềm hạnh phúc tràn đầy ấy sẽ hòa cùng cánh gió lan tỏa khắp nơi nơi.

Khi buồn, bạn khép chặt lòng mình lại, bạn không muốn nhìn thấy bạn bè người thân, không muốn đi đâu, không muốn tham dự vào cuộc chơi nào. Bạn nói: “Để tôi yên, để tôi một mình!”. Khi rơi vào nỗi đau cùng cực, bạn muốn tự sát. Điều đó nghĩa là gì? Tự sát là gì? Tự sát chỉ là một nỗ lực chạy thoát khỏi thế giới mà sau đó người ta không có cách quay trở lại. Đó là cuộc trốn chạy với nỗi cô đơn tuyệt đối, bất lực tuyệt đối, cuộc ra đi ấy nhất quyết không còn lối trở về.

Không ai muốn tự sát khi đang sống trong niềm hạnh phúc, an lạc. Chỉ có những người tràn ngập niềm vui mới có thể nhảy múa một cách hồn nhiên và mời gọi người khác đến với mình, sẵn sàng cho đi niềm vui bất tận của bản thân mình. Ai cũng được chào đón trong phút giây mà tâm hồn chúng ta rộng mở hân hoan. Nhưng nếu đang khổ đau, chúng ta cũng không thể chào đón bất kỳ ai – kể cả những người bạn vốn rất yêu thương và có sự đồng cảm sâu sắc.

Người Hindu nói điệu nhảy thiêng liêng hợp nhất chúng ta và vũ trụ là Ras-Leela – một đấng tối thượng đang nhảy múa trong khi xung quanh ngài, trăng sao, thiên hà cũng quây quần hòa điệu. Đó là điệu nhảy vô tận đang diễn ra trước mắt ta, nhưng chỉ khi nào ta học được cách nhảy múa, học được ngôn ngữ của niềm hạnh phúc chân thật, ta mới nhận ra điệu nhảy kỳ diệu ấy.

Trong Thế chiến thứ hai, một binh sĩ bỗng dưng bỏ súng tại chiến trường và chạy đến nhặt bất cứ mẩu giấy nào anh ta nhìn thấy, hối hả đọc nó và buồn bã lắc đầu khi những mảnh giấy rơi lả tả xuống đất. Người ta đưa anh vào bệnh viện, và dù bị tác động đến mấy, anh vẫn câm lặng, chỉ lắp bắp những từ không rõ nghĩa. Anh lang thang một mình trong khuôn viên bệnh viện, nhặt những mảnh giấy và cứ mỗi lần như vậy, gương mặt anh ánh lên vẻ hy vọng rồi lại lập tức buồn bã. Một ngày kia, anh nhận được giấy chứng nhận miễn trừ tham gia quân đội. Đến lúc này, người ta mới nghe tiếng nói của anh: “Nó đây rồi!”. Anh khóc òa trong niềm hạnh phúc.

Hạnh phúc thực sự chính là tự do cuối cùng. Chỉ là tiếng kêu đơn giản của một trò chơi: “Nó đây rồi! Eureka! Ta đã tìm thấy nó rồi!”.

Điều khôi hài ở chỗ chúng ta chẳng cần đi đâu xa để tìm kiếm hạnh phúc. Nó ở ngay đây. Nó nằm ở cuộc sống bên trong chúng ta. Nếu phải đi tìm nó, bạn hãy tìm ngay thời khắc này, không nên trì hoãn một giây phút nào. Khát khao lớn có thể mở mọi cánh cửa tự do. Sức mạnh thôi thúc bên trong có thể mang đến tự do cho bạn ngay lúc này.

Osho

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN