Hạnh phúc tại tâm – 11 – sống trong an lạc

YduocNHH 07/12/2017

Hạnh phúc tại tâm – 11 – Sống trong an lạc

Vui thay ta sống trong tình yêu, sống giữa những gì người đời ghét bỏ
Vui thay ta sống trong an vui, khỏe mạnh ngay cả giữa những ưu phiền
Vui thay ta sống trong hòa bình, sống giữa những hận thù
Vui thay ta sống không chiếm hữu, sống như bậc hiền nhân
Người chiến thắng sẽ gieo mầm thù hận, bởi khiến kẻ thua trận đau khổ
Hãy từ bỏ chiến thắng và thất bại, hãy tìm lấy niềm an lạc.

Đó là những lời dạy của Đức Thích Ca. Ngài là một trong những người sống trong niềm vui vĩnh cửu. Đoạn kinh này sẽ giúp chúng ta thấu hiểu về cõi an lạc mênh mang của sự thức tỉnh:

Vui thay ta sống trong tình yêu, sống giữa những gì người đời ghét bỏ.

Niềm an lạc là trọng tâm của những câu thơ này. Niềm an lạc không phải là hạnh phúc nhất thời, bởi vì hạnh phúc ấy luôn trộn lẫn với bất hạnh. Chúng ta không thể tìm cái hạnh phúc thuần túy bởi nó luôn bị vấy bẩn. Nó luôn có cái bóng của nỗi khổ theo sau. Bởi lẽ, ngày luôn đi cùng đêm, hạnh phúc đi cùng bất hạnh.

Vậy niềm an lạc là gì? Đó là một mệnh đề siêu nghiệm. Người sống an lạc không hạnh phúc, cũng không bất hạnh, nhưng hoàn toàn yên lành, thanh thản, và tuyệt đối cân bằng. Tâm hồn yên tĩnh đó dường như ngân lên thành lời hát.

Niềm an lạc là mãi mãi, hạnh phúc mà chúng ta thường nói đến chỉ là tạm thời. Hạnh phúc được tạo ra từ những yếu tố bên ngoài, bởi vì nhận từ bên ngoài nên nó có tính chất phụ thuộc. Bất kỳ sự phụ thuộc nào cũng đáng sợ, bất kỳ sự phụ thuộc nào cũng là nô lệ. Niềm an lạc đến từ bên trong, nó không can hệ đến bên ngoài. Nó không được tạo ra bởi người khác, nó không được tạo ra bởi vạn vật. Niềm an lạc dâng lên tự nhiên từ trong năng lượng của chính chúng ta.

Nếu năng lượng bị trì trệ, chúng ta sẽ không có niềm vui. Nếu năng lượng của chúng ta như một dòng thác, hẳn ta sẽ có niềm vui mãnh liệt không cần lý do; ta chỉ cảm thấy nhanh nhẹn hơn, năng động hơn, dạt dào sức sống hơn. Tâm hồn ta trỗi dậy một khúc ca ngọt ngào.

Niềm vui đến bất ngờ mà chúng ta không thể tìm ra một nguyên nhân nào. Đó là một sự trải nghiệm huyền bí nhất trong cuộc sống: một điều gì đó không có lý do, vượt ra ngoài vòng nhân quả. Niềm vui đó không cần sự tác động bởi vì nó là bản thể bên trong của chính bạn, bạn sinh ra cùng với nó. Nó là toàn bộ dòng chảy của bạn.

Chuyển động tức là chảy về đại dương. Đó là niềm an lạc vĩnh cửu, là vũ điệu của dòng sông khi tìm về đại dương, gặp người thân yêu nhất của mình.

Khi cuộc sống trở thành một ao tù trì trệ tức là chúng ta đang chết: không chuyển động đến bất cứ nơi đâu, không đại dương, không hy vọng. Nhưng khi nào chúng ta bắt đầu tuôn chảy, đại dương sẽ hiện ra mọi lúc, mọi ngả và dòng sông trào dâng vũ điệu của nó, trạng thái viên mãn sẽ tràn trề trong ta.

Ý thức của bạn là một dòng sông. Đức Phật gọi đó là một thể liên tục. Đó là một dòng chảy vĩnh viễn. Đức Phật không bao giờ suy nghĩ về bạn và sự tồn tại của bạn như một vật tĩnh tại. Dưới mắt của Người, từ “tồn tại” là không đúng. Theo Người, sự tồn tại không gì khác là sự trở thành. Người từ chối sự tồn tại, người chấp nhận sự trở thành – bởi vì sự tồn tại cho bạn một ý tưởng về điều gì đó bất động ở bên trong, giống một tảng đá. Sự trở thành cho bạn một ý tưởng hoàn toàn khác. Nó giống như một dòng sông, giống một đóa sen đang hé mở, giống ánh nắng mặt trời đang tỏa sáng. Sự trở thành là một quá trình. Nó diễn ra liên tục. Bạn không đứng im mãi một chỗ như tảng đá, bạn đang trưởng thành.

Đức Phật thay đổi tất cả những gì thuộc về siêu hình học: Người thay sự sống bằng sự trở thành, Người thay vật thể bằng quá trình, Người thay danh từ thành động từ.

Sống trong an lạc… Hãy sống trong tận cùng bản thể của chính bạn, bất kể bạn là ai. Đừng cố gắng gò ép bản thân mình làm theo ý muốn của người khác. Chỉ khi sống đúng theo tiếng gọi bản thể, niềm hân hoan trong ta sẽ bừng nở, tuôn trào. Khi cái cây được chăm sóc kỹ, tưới nước, quan tâm, nó sẽ ra hoa mỗi ngày. Xuân đến, hoa cỏ khoe sắc rực rỡ. Con người cũng vậy. Hãy quan tâm chăm sóc bản thân. Hãy tìm một mảnh đất tốt vun trồng sự sống của bạn, hãy tìm một khí hậu ôn hòa và bắt đầu hành trình đi sâu vào nội tâm mình.

Đừng thăm dò thế giới, hãy thăm dò chính bản thân bạn. Bởi vì khi thăm dò thế giới, bạn sở hữu được nhiều thứ, nhưng bạn không làm chủ được nó. Khi chúng ta thăm dò chính mình, ta có thể chẳng sở hữu gì nhiều nhưng điều chắc chắn ta sẽ làm chủ thế giới của riêng mình. Trở thành ông chủ của bản thân mình tốt hơn là ông chủ của cả thế giới.

Một người sống trong niềm vui tự nhiên, họ sẽ sống trong tình yêu thương. Tình yêu thương là hương thơm của đóa hoa vui sống. Bên ngoài niềm vui sống này, sẽ không có tình yêu. Nó rất dồi dào, nó sẽ không thể chứa đựng hết. Nếu bạn cố hà tiện với nó, bạn sẽ chịu khổ sở. Niềm vui quá nhiều nếu bạn không chia sẻ nó, nó sẽ trở thành nỗi đau khổ.

Niềm an lạc cần được chia sẻ, bởi vì chia sẻ giúp bạn bày tỏ tâm tư, bởi vì chia sẻ giúp bạn tìm thấy một nguồn năng lượng mới, mở cửa vào bên trong tâm hồn chúng ta, khơi nguồn cho một dòng chảy mới, một mùa xuân mới sẽ bừng nở. Sự chia sẻ này là niềm vui của tình yêu thương.

Vì thế, có một điều cần nhớ: Bạn không thể thương yêu trừ khi trong bạn đang chứa đựng một niềm vui sống.

Rất nhiều người muốn yêu thương nhưng lại không biết bất cứ điều gì về niềm vui sống ấy. Khi đó tình yêu của họ trống rỗng, vô nghĩa. Khi đó tình yêu của họ mang sự thất vọng, đau khổ, phiền não, nó tạo nên địa ngục. Bạn không có gì để cho đi, bạn là ăn mày của chính bạn. Đầu tiên, bạn cần trở thành một vị hoàng đế, tinh thần vui sống sẽ giúp bạn trở thành một vị hoàng đế.

Khi niềm vui được chia sẻ, khi những bí mật không còn là bí mật, chúng bay đi trong gió, trong mưa, trong ánh mặt trời, khi sự huy hoàng bị giam cầm này được giải phóng, khi điều bí ẩn của bạn được mở ngỏ, khi nó ngân vang quanh bạn, đập rộn ràng xung quanh bạn – khi nó nằm trong hơi thở của bạn, trong nhịp đập con tim của bạn – khi ấy, bạn có thể yêu. Khi ấy, bạn chạm vào đám bụi và đám bụi biến thành thiên thần. Khi ấy, những gì bạn chạm đến đều trở thành vàng. Những viên đá cuội nằm trong tay bạn sẽ biến thành kim cương ngọc báu.

Một người vui sống bình an sẽ trở thành suối nguồn tạo nên sự chuyển động cho nhiều người xung quanh.

Ngọn lửa của người đó được thắp sáng lên, soi chiếu tâm hồn nhiều người khác. Những ngọn lửa còn tối tăm, khi đến gần những người cháy rực niềm hân hoan, chúng cũng sẽ bừng sáng. Khi bạn đến gần hơn, ngọn lửa sẽ truyền vào bạn và bạn sẽ không còn giống trước nữa.

Tình yêu thương chỉ có thể có khi ngọn lửa của bạn được thắp sáng. Nếu không, bạn chỉ là một khối đen – và bạn sẽ giả bộ thắp sáng người khác? Tình yêu là ánh sáng, lòng căm ghét là bóng tối. Bên trong tăm tối làm sao ta có thể truyền lửa cho người khác? Bạn sẽ nhân thêm bóng tối cho người khác, bạn sẽ khiến cho họ thêm khốn khổ.

Đừng cố làm điều đó, bởi vì điều đó là không thể, nó không tuân theo bản chất của sự vật. Nó không thể xảy ra.

Quan trọng hơn hết, hãy lấp đầy tâm hồn ta bằng niềm vui sống.

Hãy sống trong niềm vui, trong tình yêu, sống giữa những điều người ta ghét bỏ. Và đừng đặt câu hỏi trước những gì người khác làm với bạn. Bạn hãy yêu cả những người ghét bạn. Bạn có thể sống trong tình thương và niềm vui giữa những kẻ địch của bạn. Đừng đặt câu hỏi về tình cảm mà người ta dành cho bạn. Tình yêu đích thực là yêu thương chính kẻ thù của ta. Ngay bây giờ, thậm chí việc yêu thương những người thân của ta cũng khó nếu chúng ta không biết thế nào là vui sống bình an. Nhưng khi hiểu biết hạnh phúc viên mãn, điều kỳ diệu sẽ xảy ra, ấy là phép màu. Khi đó ta có thể yêu thương kẻ thù của mình.

Khi đó, ta sẽ không còn tự hỏi yêu hay không yêu một người nào nữa, bởi vì ta đã trở thành tình yêu.

Trong kinh Koran, tôi đọc thấy câu này: “Lòng căm ghét là con quỷ”. Rabiya – một người phụ nữ huyền thoại của đạo Hồi – đã xóa bỏ vài dòng trong quyển kinh Koran của cô. Hassan, một nhân vật huyền thoại khác, sống cùng Rabiya, thấy cô làm điều đó. Anh nói: “Cô đang làm gì thế? Kinh Koran không thể bị sửa chữa – đó là sự báng bổ. Cô không thể cắt bất cứ câu nào trong kinh Koran, nó đã hoàn thiện. Không thể có bất kỳ sự thay đổi nào. Cô đang làm cái gì thế?”.

Rabiya nói: “Hassan! Tôi phải làm điều này! Tôi không hề nghi ngờ kinh Koran. Từ khi tôi biết Thượng Đế, tôi không còn lòng căm ghét. Nó không phải là con quỷ, đơn giản là tôi không thể căm ghét ai. Thậm chí, nếu con quỷ đến trước mặt tôi, tôi sẽ yêu nó, bởi vì tôi chỉ có tình yêu, tôi không thể căm ghét – sự căm ghét đã biến mất. Nếu một người tràn đầy năng lượng của ánh sáng, họ chỉ trao tặng bạn ánh sáng, bất kể bạn là bạn hữu hay kẻ thù của anh ta.

Trước đây tôi có thể mang bóng tối quẳng lên con quỷ.

Giờ thì không còn nữa, tôi đã hóa thành ánh sáng. Ánh sáng của tôi có thể soi chiếu lên con quỷ cũng chan hòa như lên Thượng Đế. Bây giờ, theo tôi, không còn Thượng Đế và cũng không còn con quỷ. Tôi thậm chí không thể phân biệt được. Tất cả những gì của tôi là trao đi tình yêu thương, ngoài ra không có gì nữa.

Tôi không sửa kinh Koran – tôi là ai mà dám làm việc ấy? Nhưng câu này không còn đúng với tôi nữa. Và đây là bản chép lại của tôi, tôi không sửa chữa cuốn Koran của bất cứ người nào. Tôi có quyền sửa bản chép lại của tôi theo ý mình. Tôi đã vấp phải câu này khi đọc nó. Tôi không thể nào làm ngơ, vì thế tôi phải loại nó ra”.

Một người tràn đầy niềm an lạc và tình yêu thương sẽ không thể làm khác hơn. Tình yêu thương giản dị như hơi thở. Bạn sẽ ngừng thở nếu có một kẻ thù đến tìm gặp bạn chăng? Bạn sẽ hỏi: “Tôi sẽ thở thế nào khi đứng trước kẻ thù?”. Bạn sẽ hỏi: “Tôi sẽ thở như thế nào bởi vì kẻ địch vẫn thở và không khí vẫn đi qua phổi của hắn, rồi đi vào tôi? Tôi không thể thở”. Bạn sẽ cảm thấy ngột ngạt, bạn sẽ chết. Bạn sẽ tự tử hay trở nên mê muội.

Sống trong an lạc, từng khoảnh khắc ta hiện hữu trên cuộc đời đều khởi nguồn từ yêu thương – điều này cũng tự nhiên như sự thở vậy. Tình yêu dạt dào vẫn không ngừng ấp ủ trong từng nhịp thở của tâm hồn.

Dưới ánh sáng này bạn có thể hiểu được câu nói của Chúa Jesus: “Hãy yêu kẻ thù của con như bản thân con”.

Nếu bạn hỏi Đức Phật, người sẽ nói: Không cần phải làm một điều tương tự như thế, bởi vì bạn không thể làm khác đi. Bạn phải sống trong tình yêu thương. Sự thật là bạn đang yêu thương. Bạn là người của yêu thương. Tình yêu hân hoan tràn ngập tất cả những nơi bạn hiện hữu – trong một đóa hoa, một bụi gai, trong đêm khuya, trong trưa nắng, trong vùng ngoại ô nghèo khổ. Tình yêu thương của bạn là bất tận. Dù chúng ta có chấp nhận điều đó hay không nhưng chắc rằng ta không thể sống hận thù – đúng như bản chất thuần túy tốt đẹp bên trong của chúng ta.

Vui thay ta sống trong an vui, khỏe mạnh ngay cả giữa những ưu phiền.

Theo Đức Phật, sức khỏe nghĩa là sự trọn vẹn. Một người chữa lành bệnh là một người có sức khỏe, một người chữa lành bệnh là một người hoàn thiện. Sức khỏe, theo Đức Phật, không có nghĩa như bình thường hay một định nghĩa như trong y khoa, ý của Người không phải là thuốc uống, mà là một sự suy ngẫm – mặc dầu bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng từ “suy ngẫm” và từ “thuốc uống” xuất phát từ một gốc. Thuốc uống chữa bệnh về thể xác, còn suy ngẫm giúp chữa bệnh tinh thần. Cả hai đều là quy trình chữa bệnh, cả hai đều mang lại sức khỏe.

Nhưng Đức Phật không nói về sức khỏe của cơ thể chúng ta, Người nói về sức khỏe tâm hồn của bạn. Đó là tất cả, đó là toàn thể không chắp vá, không rời rạc, không thể chia nhỏ được.

Bạn nên biết rằng con người không phải là một khối thuần nhất, con người là tập hợp nhiều mảnh nhỏ mỏng mảnh, rời rạc được đan ghép với nhau theo một cách nào đó. Bất cứ lúc nào, cái tập hợp kia cũng có thể vỡ tan thành từng mảnh vụn. Tất cả họ đều là những cậu bé “quả trứng”, là cái bọc của nhiều thứ. Một nỗi hiểm nguy, một hoàn cảnh sống mới, một tình trạng bấp bênh… tất cả đều có thể nhấn chìm chúng ta. Vợ của bạn qua đời, bạn bị phá sản hay bạn thất nghiệp, bất kỳ sự việc nhỏ nào cũng có thể là “giọt nước làm tràn ly”.

Sự khác biệt chỉ là mức độ. Có người sôi sục ở 98 độ, có người ở 99 độ, có người ở 99,9 độ, sự khác nhau chỉ là ở điểm giới hạn và bất kỳ sự cố nhỏ nhặt nào cũng có thể phá vỡ sự cân bằng tạm thời bên trong mỗi chúng ta. Bạn có thể điên cuồng mất trí bất cứ lúc nào, bởi bên trong bạn là một khối xô bồ. Quá nhiều mong muốn, quá nhiều giấc mơ, và quá nhiều con người sống trong bạn.

Nếu bạn quan sát thật kỹ, bạn cũng sẽ không tìm thấy con người bên trong cho dù diện mạo bên ngoài có thay đổi theo từng phút. Bạn giống một cái chợ nơi có nhiều người đến và đi, nơi có quá nhiều tiếng ồn, và không có điều gì có thể tạo nên cảm xúc. Bạn trở thành kho tích lũy những thứ hỗn độn đó.

Tuổi thơ của bạn gần gũi với tâm Phật. Khi bạn càng lớn tuổi, bạn sẽ càng bị phiền não, điên đảo. Khi bạn già đi, bạn ngày càng xa cách Đức Phật. Đây là một chuyện kỳ lạ, nhưng sự thật là vậy. Đáng lẽ ra, con đường trưởng thành của mỗi người sẽ hướng họ đến gần Đức Phật nhưng dường như con người đã đi theo hướng ngược lại.

Đức Phật nói: Vui thay ta sống trong an vui, khỏe mạnh ngay cả giữa những ưu phiền.

Hãy ghi nhớ câu kinh này, nó rất quan trọng – bởi những tín đồ Thiên Chúa giáo đã tiếp cận cuộc sống theo một hướng ngược lại. Họ nói: Khi có nhiều nỗi khổ trên thế gian này, làm sao bạn có thể sống vui sướng? Họ nói: Có người vẫn đang chết đói vì nghèo khổ. Còn biết bao nhiêu người đang sống trong cảnh ốm đau bệnh tật, màn trời chiếu đất.

Làm sao ta có thể dạy những người nghèo khổ nhảy múa và vui sướng chứ nói chi đến việc dạy họ thiền định. Đó là sự ích kỷ tột bậc.

Hãy ngẫm kỹ lại những lời Đức Phật đã dạy:

Vui thay ta sống trong an vui, khỏe mạnh ngay cả giữa những ưu phiền.

Bạn không thể thay đổi toàn bộ thế giới này. Cuộc đời chỉ dài bằng một gang tay, nó sẽ trôi qua rất nhanh. Bạn không thể đặt ra điều kiện rằng: “Tôi chỉ vui vẻ khi nào cả thế giới thay đổi và tất cả mọi người đều được hạnh phúc”. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra và nó không nằm trong khả năng của bạn. Nếu chỉ có một cách khiến bạn hạnh phúc là mọi người hạnh phúc, thì bạn sẽ không bao giờ có thể làm được điều đó. Đức Phật đã dạy một sự thật rất đơn giản. Người không nói: “Hãy đừng giúp đỡ người khác”, mà Người nói rằng: “Nếu bản thân ta bị bệnh, ta không thể giúp đỡ người khác”.

Bởi vì bản thân bạn nghèo, nên bạn không thể giúp đỡ người nghèo, mặc dù họ sẽ tôn thờ bạn, xem bạn như một vị thánh. Họ tôn thờ đức Mahatma Gandhi chỉ vì ông đã cố gắng sống như một người nghèo. Nhưng sống như một người nghèo, bạn sẽ không giúp được người nghèo. Nếu vị bác sĩ bị mắc bệnh khi chữa cho bệnh nhân, bạn cũng gọi ông ta là bậc thánh ư? Bạn sẽ gọi ông ta là người ngớ ngẩn, bởi vì đây là thời gian ông ta cần đầy đủ sức khỏe để có thể giúp đỡ người khác.

Lập luận này có vẻ kỳ quặc, nhưng nó đã luân hồi qua biết bao thế kỷ: Rằng, nếu bạn muốn giúp người nghèo, hãy sống như một người nghèo. Tất nhiên người nghèo sẽ kính trọng và yêu mến bạn, nhưng điều đó chẳng giúp được gì cho họ, nó chỉ thỏa mãn bản ngã của bạn. Bản ngã bạn được no đủ, nó chỉ tạo nên sự khổ sở cho bạn, không phải niềm hân hoan.

Vui thay ta sống trong sức khỏe, sống giữa những ưu phiền.
Vui thay ta sống trong hòa bình, sống giữa những hận thù.

Đó là cách duy nhất để giúp đỡ, cách duy nhất để sẻ chia với người khác. Chúng ta đã từng sống ích kỷ, vậy thì hãy biến đổi bản thân mình trước. Chỉ khi nào sống yên bình, mạnh khỏe, chúng ta mới có thể tạo nên nguồn lực nuôi dưỡng người khác – những người bị đói khát về tinh thần.

Con người thực ra không nghèo đói về vật chất. Không khó để có được sự giàu có về vật chất: chỉ cần một chút khoa học, một chút kỹ thuật, con người sẽ có được điều đó. Vấn đề cốt lõi là làm sao để có được sự giàu có về tinh thần.

Cảm giác giàu có bên trong tâm hồn khiến chúng ta lần đầu tiên cảm thấy mình sâu sắc hơn, tử tế hơn và có khả năng nhận thức được nguồn năng lượng tinh thần của chính mình. Nhưng ý nghĩa của cuộc sống sẽ biến mất khi bạn chỉ chăm chút cho sự giàu có vật chất bên ngoài, bỏ mặc sự nghèo nàn tinh thần. Bề ngoài của bạn thì tràn đầy ánh sáng, còn bên trong lại là mảnh đất tâm hồn tối tăm.

Người giàu có sẽ cảm thấy cảnh bần cùng của mình nhiều hơn người nghèo khổ, bởi vì người nghèo khổ không có cảm giác về sự đối nghịch đó. Bên ngoài là bóng tối, bên trong là bóng tối, người nghèo khổ biết rằng bóng tối chính là cuộc sống của họ. Nhưng vì ánh sáng có mặt ở bên ngoài, người giàu sẽ khao khát một điều mới lạ hơn: mong muốn tinh thần mình được tươi sáng. Khi ấy, người giàu thấy rằng sự giàu có bên ngoài là có thể, vậy tại sao mình không thể giàu có bên trong?

Vui thay ta sống không chiếm hữu, sống như bậc hiền nhân.

Trong niềm vui sống, chúng ta yêu cả thế giới này – yêu mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, bông hoa, bầu trời, quả đất. Hãy tận hưởng chứ đừng cố chiếm hữu. Người chiếm hữu sẽ trở thành kẻ bị chiếm hữu bởi chính lòng ham muốn của anh ta. Đó là lý do vì sao nhiều người giàu có trở nên khổ sở, họ sống như một người đói khát. Họ có tất cả tiền bạc trên thế giới nhưng chẳng khác nào những kẻ hành khất.

Vài thập kỷ trước, có một người đàn ông giàu nhất thế giới tên là Nizam sống ở vùng Hyderabad. Ông giàu đến mức không ai có thể ước lượng được tất cả những gì ông có. Kho báu của ông đầy kim cương, tất cả mọi thứ đều làm từ kim cương. Thậm chí, cái chặn giấy của ông ta cũng là viên kim cương lớn nhất thế giới, viên kim cương nổi tiếng của Ấn Độ Kohinoor cũng chỉ bằng một phần ba kích thước của cái chặn giấy đó.

Ngày ông qua đời, cái chặn giấy được tìm thấy trong đôi giày của ông. Người ta không thể đếm xuể số kim cương khổng lồ thuộc quyền sở hữu của ông. Chúng nhiều đến nỗi không thể đếm bằng hạt mà phải tính bằng cân – hàng ngàn ki-lô kim cương – ai có thể đếm hết? Mỗi năm kim cương được khai thác từ lòng đất. Ông sở hữu cung điện lớn nhất Ấn Độ, kim cương được phủ khắp mọi nơi trong cung điện mà vẫn thừa mứa. Kim cương rải trên các mái vòm chói lọi đến nỗi ánh sáng mặt trời cũng ngại ghé đến đây. Vậy mà người đàn ông này lại sống trong nỗi khổ sở cùng cực. Chuyện thật khó mà tin được. Đến người ăn mày cũng sống tốt hơn ông ta.

Nizam thường thu lượm những điếu thuốc mà người khác đã hút rồi và quẳng đi – đó chỉ là những mẩu tàn thuốc. Ông không hề mua thuốc, ông chỉ thu nhặt những mẩu tàn thuốc để hút. Trong suốt năm mươi năm, ông ta chỉ sử dụng mỗi một cái nón vải cũ nát, hôi hám khủng khiếp! Và ông ta chết trong sự rách rưới, bẩn thỉu cùng cực như chính chiếc nón vải đó.

Nizam cũng không bao giờ thay đổi quần áo. Người ta nói rằng ông ta thường mua áo quần từ chợ bán những đồ dùng cũ rách đã qua sử dụng. Đôi giày của ông ta chắc hẳn là bẩn nhất thế giới, nhưng ông ta chỉ đem nó đi sửa một lần, chứ không hề mua thêm đôi khác.

Người đàn ông giàu nhất thế giới đã sống trong cảnh khổ sở và bần tiện. Toàn bộ cuộc đời ông ta là như thế. Ông ta sống trong hố sâu đen tối của thói ham muốn sở hữu! Tính chiếm hữu là căn bệnh của ông ta, là cơn nghiện của ông ta. Ông ta muốn sở hữu mọi thứ. Ông ta muốn nhiều và nhiều hơn nữa. Chúng ta không thể ăn kim cương, nhưng suốt cuộc đời mình, ông ta không ngừng tìm mọi cách nuốt chửng loại “thực phẩm khó nhai” này. Ông ta lo sợ đến nỗi không thể ngủ được – bởi ông ta rất sợ ai đó đánh cắp tài sản của mình.

Và chúng ta hiểu vì sao cái chặn giấy kim cương lại nằm trong chiếc giày của ông. Hẳn là ông đã giấu nó để không ai có thể đánh cắp nó. Thậm chí đến lúc chết, ông ta vẫn bận tâm đến kim cương nhiều hơn chính cuộc sống của ông. Ông ta không bao giờ cho ai bất cứ thứ gì.

Điều này cũng xảy ra với những người chiếm hữu quá nhiều: Họ không biết sử dụng tài sản, họ bị tài sản điều khiển và chiếm hữu trở lại. Họ không phải là ông chủ của những gì họ sở hữu mà họ phục tùng chúng. Họ chỉ biết còm lưng tích góp và đến lúc chết, họ cũng chưa bao giờ thỏa mãn với những gì họ có.

Vui thay ta sống không chiếm hữu, sống như bậc hiền nhân.

Hãy sống như Đức Phật, người không sở hữu bất cứ thứ gì nhưng có thể sử dụng tất cả mọi thứ. Hãy tận hưởng chứ đừng cố chiếm hữu. Chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi ra đi cũng y như thế, vậy tại sao phải cố tìm cách chiếm giữ tất cả cho riêng mình? Sở hữu là xấu xa. Hãy tận hưởng thế giới này, hân hoan với mọi thứ được tạo ra và hãy cứ bước đi nhưng đừng nhìn lại phía sau, đừng cố giữ chặt lấy mọi thứ.

Người thông minh sẽ sử dụng cuộc sống một cách tốt đẹp và thận trọng. Sau đó thế giới sẽ dâng tặng lại kho báu cho chúng ta. Đừng bao giờ trói buộc mọi thứ, bởi vì ngay trong lúc bạn trói buộc, bạn đã rơi vào trạng thái mờ mịt.

Người chiến thắng gieo mầm thù hận bởi họ khiến kẻ thất bại đau khổ.
Hãy từ bỏ chiến thắng và thất bại, hãy tìm lấy niềm an lạc.

Làm thế nào để sống hạnh phúc một cách sâu sắc? Hãy tận hưởng chứ đừng cố chiếm hữu. Chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi ra đi cũng y như thế, vậy tại sao phải cố tìm cách chiếm giữ tất cả cho riêng mình? Hãy chấm dứt tham vọng vì nó chính là rào cản. Tham vọng là chướng ngại của bản ngã: “Tôi muốn trở thành cái này, tôi muốn trở thành cái khác – tôi muốn nhiều tiền hơn, muốn tài năng hơn, muốn uy thế hơn”.

Nhưng hãy nhớ rằng, người chiến thắng sẽ gieo mầm thù hận bởi họ đã khiến kẻ thất bại đau khổ. Hãy từ bỏ chiến thắng và thất bại, hãy tìm lấy sự thanh thản. Nếu bạn muốn tìm thấy niềm vui, hãy quên đi chiến thắng và thất bại. Cuộc sống là cuộc vui đùa, là trò chơi. Hãy chơi thật đẹp, hãy quên chuyện thành bại, được mất.

Tinh thần thực sự của người tham gia thể thao không phải ở chỗ thắng thua, đó không phải là một mối quan tâm xứng đáng. Đơn giản là họ thích chơi. Như thế mới là người chơi thực sự. Nếu chúng ta cố gắng chơi để giành chiến thắng, ta sẽ chơi với áp lực căng thẳng. Chúng ta sẽ không còn thời gian quan tâm đến chính trò chơi, đến niềm vui thích và sự bí ẩn của nó mà chỉ quan tâm đến kết quả. Chúng ta không cần phải sống nặng nhọc đến thế.

Hãy sống bình an và đừng cố tạo ra ý niệm lo âu về những gì sẽ diễn ra. Nếu bạn cứ muốn phân định thắng bại, cuộc chơi sẽ chẳng còn ý nghĩa. Cái chết sẽ mang mọi thứ ra đi. Việc bạn là kẻ chiến bại hay chiến thắng đều vô nghĩa. Chỉ có một điều thường trực và quan trọng nhất là bạn đã chơi như thế nào. Bạn có thích trò chơi ấy không? Bởi lẽ, mỗi giây phút chơi đùa là mỗi giây phút của niềm hạnh phúc viên mãn, sâu sắc và vĩnh hằng.

Osho

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN