La hán là quả của cây có tên khoa học Momordica grosvenori Swingle thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Quả này còn tên gọi khác như la hán quả, giả khổ qua, quang quả mộc miết...
quả la hán
La hán tên dược liệu là Fructus Siraitiae Grosvenorii, quả được thu hái vào tháng 9 – 10 hằng năm, phơi hay sấy khô cất dùng dần. Quả hình tròn hay hình tròn dài có đường kính 5 – 8cm, bề ngoài vỏ màu nâu vàng sẫm hoặc sắc nâu sẫm và bóng láng, trên vỏ cũng còn sót lại chút ít lông nhung và số ít có sọc dọc màu khá sẫm. Chóp phình to, giữa có vết gốc trụ hoa hình tròn, phần đáy hơi hẹp có vết cuống quả, chất giòn dễ vỡ, mặt trong quả có sắc trắng vàng, dạng xốp nhẹ, bóc bỏ vỏ ngoài thì bên trong thấy rõ 10 sợi vân dọc sống lưng. Hạt bẹt hình tròn chữ nhật hoặc tựa hình tròn, sắc nâu, rìa hơi dày, giữa hơi lõm, trong có 2 lá mầm, vị ngọt. Khi sử dụng làm thuốc nên chọn quả lớn tròn, cứng chắc, lắc không kêu, vỏ có màu nâu vàng mới là loại tốt.
Đông y cho rằng quả la hán vị ngọt, tính mát, không độc đi vào hai kinh phế và đại trường (sách Quảng Tây Trung dược chí nói quy kinh phế và tỳ). Có công năng nhuận phế, lợi hầu, hóa đàm chỉ khát, nhuận tràng thông tiện. Do đó được sử dụng để trị ho phế nhiệt và đàm hỏa nội kết, viêm hầu họng, đại tiện bí kết (trị đàm hỏa ho, ho gà, huyết táo)... Cụ thể được sử dụng trong viêm long đường hô hấp trên như hầu họng, viêm amidan... thuộc thể nhiệt độc uẩn kết, trị viêm phế quản cấp hay mạn, thuộc thể nhiệt đàm úng phế hay chứng táo bón kinh niên thuộc thể tân khuy tràng táo tức thể dịch thiếu, ruột khô...
Ngoài ra còn thấy nước sắc của quả la hán có tác dụng trấn khái (chống ho), khử đàm (trừ đờm) rõ ràng và lại còn có khả năng làm tăng cường chức năng miễn dịch của các tế bào của cơ thể. Trà la hán còn là thứ giải khát giàu dinh dưỡng, rất thích hợp với người bị nóng trong mà đông y gọi là “thể tạng uất hỏa nội kết”.
Đặc biệt hơn là quả la hán có chứa một số hợp chất có độ ngọt gấp hàng trăm lần đường mía, nhưng không phải là đường nên còn là thức ăn lý tưởng cho những bệnh nhân béo phì hay tiểu đường.
Liều sử dụng trung bình hằng ngày dưới dạng sắc, hãm hay hấp uống là từ 15 – 30g. Lưu ý nếu là ho do phế hàn có ngoại cảm thì không dùng độc vị mà cần phối hợp cùng các vị khác, người tỳ vị hư hàn không dùng vì quả la hán tính mát thích hợp với chứng ho đàm hỏa.
Để tham khảo và ứng dụng, xin giới thiệu những phương trị liệu tiêu biểu có la hán.
Chữa viêm họng: Lấy quả la hán thái hãm với nước sôi, uống thay nước trong ngày.
Chữa chứng viêm thanh quản (mất tiếng): La hán 1 quả, thái miếng sắc lấy nước uống 2-3 lần trong ngày hoặc uống dần mỗi lần một ít.
Chữa ho gà: La hán 1 quả, hồng khô 25g, sắc lấy nước uống; hoặc la hán 1 quả, phổi heo bóp hết bọt 40g, hầm nhừ, nêm gia vị ăn.
Chữa ho đờm vàng quánh: la hán 20g, tang bạch bì 12g, sắc lấy nước uống trong ngày.
Bổ phế (hỗ trợ trong trị lao): La hán 60g, thịt lợn nạc 100g, hai thứ thái lát cho hầm cùng, nêm gia vị đủ, ăn cùng cơm.
Chữa táo bón: Dùng la hán sắc lấy nước, pha thêm mật ong uống trong ngày.