Sức mạnh của hiện tại. chương 5

YduocNHH 07/12/2017

Sức mạnh của hiện tại – 05 – trạng thái có mặt sâu sắc ở hiện tại, điều đó không phải như bạn nghĩ đâu

Chương 5

Trạng thái có mặt sâu sắc ở hiện tại, điều đó không phải như bạn nghĩ đâu

Ông đã đề cập nhiều đến trạng thái có mặt sâu sắc như là một chìa khóa. Tôi cho rằng tôi có thể hiểu được trên mặt trí năng nhưng không rõ là tôi đã từng kinh nghiệm được trạng thái ấy chưa. Liệu trạng thái ấy có như tôi nghĩ không hay nó chỉ là một cái gì hoàn toàn khác hẳn?

Điều đó không phải như bạn nghĩ đâu! Bạn không thể nào nghĩ gì về trạng thái có mặt sâu sắc, lý trí của bạn không thể hiểu được trạng thái đó. Để hiểu về sự hiện diện sâu sắc thì bạn phải “là” sự hiện diện đó.

Hãy thử làm một thí nghiệm nhỏ. Bạn nhắm mắt lại và tự bảo mình “không biết ý tưởng sắp đến ở trong tôi sẽ là ý tuởng gì đây”. Xong bạn rất tỉnh táo và chờ đợi sự xuất hiện của ý tưởng đó. Hãy giống như một con mèo đang canh chừng một hang chuột. Ý tưởng nào của bạn sẽ xuất hiện từ hang chuột đây? Hãy làm thử đi.

Sao rồi?

Tôi phải đợi một thời gian khá lâu mới thấy một ý tưởng xuất hiện.

Đúng vậy, chừng nào bạn có mặt thật sâu sắc, bạn sẽ không còn một chút suy nghĩ nào nữa. Bạn cảm thấy rất yên tĩnh, nhưng tỉnh táo cao độ. Khi sự chú tâm của bạn bị chùng xuống dưới một mức nào đó, thì ý tưởng mới bắt đầu có thể tràn vào. Tiếng ồn ào của những suy nghĩ miên man mới bắt đầu trở lại, sự tĩnh lặng sẽ biến mất. Bạn lại trở về với thời gian – quá khứ và tương lai.

Để đo lường mức độ có mặt của đệ tử mình, một thiền sư thường từ từ im lặng tiến đến sau lưng một người học trò của mình, rồi bất thần đưa cây gậy lên quất. Thật là một sự bất ngờ! Nhưng nếu một thiền sinh đang hoàn toàn có mặt, và đang ở trong trạng thái tỉnh táo cao độ, như cách nói của Chúa Jesus “Hãy che chở từng thớ thịt ở trong mình và giữ cho ngọn đèn tiếp tục cháy”, khi đó hẳn họ sẽ nhận ra rằng thầy của mình đang từ phía sau tiến lại, và họ sẽ đưa tay ra ngăn chiếc gậy lại, hay tránh đi bằng cách bước sang một bên. Nếu bị thầy đánh, tức là thiền sinh đó đang bị chìm trong suy tưởng, chưa thực sự có mặt, tức là thiếu sự tỉnh thức.

Thực tập có mặt trong đời sống hàng ngày giúp bạn bồi đắp gốc rễ ở trong ta, nếu không thì những suy nghĩ miên man, với quán tính rất mạnh của nó, sẽ cuốn bạn đi như một dòng sông hoang dại.

Vậy “gốc rễ ở trong ta” là gì?

Là an trú, là sự có mặt hoàn toàn với thân thể của mình. Là luôn hướng sự chú tâm của mình vào trường năng lượng bên trong của cơ thể. Có thể nói: đó là cảm nhận cơ thể của bạn từ bên trong. Nhận thức về cơ thể giúp ta hiện diện. Nhận thức về cơ thể giúp ta cắm neo trong Giây Phút Hiện Tại.

Ý nghĩa mật truyền của sự “chờ đợi” trong cảnh giác

 Về một mặt nào đó, ta có thể so sánh trạng thái có mặt với sự chờ đợi trong cảnh giác. Chúa Jesus từng nói về trạng thái chờ đợi như thế này trong những câu chuyện ngụ ngôn của Ngài. Đây không phải là sự chờ đợi trong nôn nóng và chán nản bình thường, tức là phủ nhận hiện tại như tôi đã đề cập trước đây. Đó cũng không phải là loại chờ đợi khi tâm ý của bạn được tập trung vào một tiêu điểm trong tương lai và hiện tại lúc đó được xem như là một chướng ngại không đáng có, ngăn không cho bạn đạt được những gì mình mong muốn. Đây là một sự chờ đợi có tính chất khác, nó đòi hỏi ta phải tỉnh táo hoàn toàn. Nếu không hoàn toàn tỉnh táo, không tuyệt đối yên tĩnh, ta sẽ bỏ qua một cách đáng tiếc một chuyện gì đó sẽ xảy ra trong bất kỳ lúc nào. Đây là kiểu chờ đợi Chúa Jesus đã từng nói đến. Trong trạng thái đó, tất cả sự chú ý của bạn là ở phút giây hiện tại. Không mơ màng, nghĩ ngợi, nhớ nhung hay phỏng đoán. Không có sự căng thẳng hay sợ hãi mà chỉ là sự hiện diện đầy tỉnh táo. Bạn có mặt với toàn bộ sự Hiện Hữu của mình, có mặt với từng tế bào trong cơ thể bạn. Trong trạng thái đó, cái “ta” có quá khứ có tương lai – có khi được gọi là cá tính – khó mà tồn tại được. Bạn sẽ không mất đi thứ gì cà. Vì căn bản bạn vẫn là bạn. Thực ra, lúc đó bạn mới thực là bạn, một cách đầy đủ hơn bao giờ hết, hay nói đúng hơn, chỉ có bây giờ bạn mới thực sự là bạn.

Chúa Jesus đã từng nói: “Hãy như là một người hầu chờ đợi chủ về”. Người hầu đâu biết khi nào thì chủ mình về nên luôn luôn sáng suốt, tỉnh táo, đĩnh đạc, yên lặng trong trạng thái sẵn sàng chờ đón. Ở một câu chuyện khác, Chúa Jesus kể về năm người đàn bà bất cẩn (mê lầm) họ không có đủ dầu đốt (sự tỉnh thức) để giữ cho ngọn đèn tiếp tục cháy (an trú trong phút giây hiện tại) vì vậy, không đón được chàng rể (phút giây hiện tại) và không được đi dự tiệc cưới (giác ngộ). Năm người này khác hẳn với năm người đàn bà khôn ngoan khác, họ có đủ dầu (vẫn duy trì được sự tỉnh thức).

Qua những câu chuyện ngụ ngôn này, Chúa đã không có ý nói về ngày tận thế mà là về việc chấm dứt sự thống trị của thời gian – quá khứ và tương lai – trên tâm thức của con người. Những câu chuyện ấy muốn nói về trạng thái vượt thoát ra khỏi sự khống chế của tâm thức tự ngã và khả năng sống trong trạng thái hoàn toàn mới mẻ của nhận thức.

Cái đẹp phát sinh từ sự có mặt tĩnh lặng của bạn

Chỉ những khi ở một mình giữa thiên nhiên, thỉnh thoảng tôi có cảm nhận được, dù chi trong thoáng chốc, những gì ông vừa đề cập đến.

Vâng, các Thiền sư thường dùng chữ Ngộ, satori, để mô tả một ánh chớp của sự tỉnh thức, một thoáng của trạng thái Tâm không hề suy tư nhưng lại rất hoàn toàn có mặt. Dầu satori không phải là sự chuyển hóa bền lâu, bạn hãy tri ân khi nó đến vì trạng thái đó giúp ta nếm được mùi vị của trạng thái giác ngộ. Hẳn là bạn đã trải nghiệm trạng thái đó nhiều lần rồi, nhưng có thể bạn không ý thức được nó là gì cũng như không hiểu tầm quan trọng của trạng thái tỉnh thức đó. Ta cần có sự hiện diện sâu sắc để ý thức được nét đẹp, vẻ tráng lệ, linh thiêng của đất trời. Bạn đã từng ngước nhìn lên bầu trời đêm và thán phục bởi vẻ tĩnh lặng tuyệt đối và sự bao la của đất trời? Bạn đã từng nghe, thực sự nghe, âm thanh của một dòng suối đang chảy ở trong rừng? Hay tiếng chim hót vào lúc hoàng hôn một chiều hè vắng lặng? Để cảm nhận được những nét đẹp đó, tâm bạn cần phải tĩnh lặng, cần phải tạm thời trút bỏ những gánh nặng của suy tư, ưu phiền, về quá khứ hay tương lai, cũng như những tri thức cạn cợt của mình. Nếu không thì thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe, vì bạn đã không có mặt một cách hoàn toàn.

Ngoài vẻ đẹp của những hình thể ở bên ngoài, ở đây còn có một cái gì không thể gọi tên, không thể diễn tả bằng lời, một cái gì đó rất thiêng liêng, sâu xa ở bên trong. Bản chất này sẽ luôn chiếu sáng, bằng một cách nào đó, bất cứ khi nào có sự hiện hữu của cái đẹp. Nó chỉ biểu hiện bạn khi bạn thực sự có mặt. Có phải cái tinh chất không tên gọi này và sự hiện diện của bạn là một không? Liệu nó có tồn tại khi không có sự hiện diện của bạn không? Hãy đi sâu vào trong đó. Hãy tự tìm ra cho chính mình.

Có lúc bạn đã trải qua những phút giây có mặt sâu sắc như thế, nhưng có thể bạn không nhận ra là mình đang ở trong trạng thái tâm thức không vướng chút suy tư, dù chỉ trong thoáng chốc. Đó là vì khoảng cách giữa giây phút không suy tư đó và dòng suy tưởng miên man xuất hiện sau đó là quá ngắn ngủi. Trạng thái satori, chỉ kéo dài được vài giây trước khi dòng suy tưởng miên man tràn vào, nhưng nếu không có giây phút đó thì ta không thể cảm nhận được cái đẹp đang hiện hữu. Lý trí của bạn sẽ không thể nhận ra cái đẹp; lý trí của bạn cũng không bao giờ có thể tạo ra được cái đẹp. Chỉ khi bạn hoàn toàn có mặt thì nét đẹp và sự linh thiêng ấy mới xuất hiện, dù chỉ một vài giây. Vì khoảng cách quá ngắn ngủi và vì bạn thiếu cảnh giác và tỉnh táo, nên bạn không thấy được sự khác nhau rất cơ bản giữa hai khái niệm: sự cảm nhận vẻ đẹp mà không thoáng một chút suy tư nào, với việc suy diễn và đặt tên của quá trình hình thành một ý tưởng ở trong bạn. Vì khoảng cách thời gian quá ngắn nên cái này xảy ra tiếp theo cái kia rất nhanh và bạn chỉ nhận thức chúng như là một sự kiện mà thôi. Tuy nhiên, vì bạn không có mặt để nắm bắt hết được những gì đang xảy ra lúc ấy, nên khi dòng suy tưởng tràn vào, tất cả những sự kiện đó chỉ còn là một ký ức mơ hồ ở trong bạn.

Khoảng cách thời gian giữa nhận thức trong sáng và dòng suy tưởng miên man ở trong bạn càng rộng, thì chiều sâu đời sống tâm linh của bạn với tư cách là một con người càng sâu hơn, tức là bạn càng thêm tỉnh thức.

Nhiều người bị giam hãm vì những suy nghĩ miên man đến nỗi vẻ đẹp thiên nhiên thực sự không bao giờ hiện hữu đối với họ. Họ có thể nói “Hoa rất đẹp” nhưng đó chỉ là sự cố gắng dán nhãn hiệu của lý trí một cách máy móc. Vì lòng họ không yên lắng, vì họ không có mặt, nên họ không thực sự nhìn thấy bông hoa, họ không cảm nhận được vẻ tinh túy và thiêng liêng của bông hoa – cũng như họ không hiểu được chính họ, không cảm được bản chất thần thánh của chính mình.

Nhận thức trạng thái tính chất của tâm

Sự có mặt sâu sắc cũng giống như Hiện Hữu(1)?

Khi ta ý thức được Tâm thì lúc đó Tâm cũng tự nhận ra được chính Tâm. Khi Hiện Hữu nhận ra được chính nó thì đó cũng chính là sự có mặt, mà bạn cảm nhận được ở trong bạn. Như thế, các danh từ: Hiện Hữu, Tâm, nhận thức hay đời sống đều có cùng một nghĩa như nhau, ta có thể nói rằng sự có mặt là khi nhận thức trở thành tự nhận thức, hay đời sống đạt mức tự nhận thức được chính nó.

Tuy nhiên, xin đừng bám vào từ ngữ, cũng đừng cố gắng để hiểu được nó. Đừng cố gắng hiểu một cái gì trước khi bạn trở thành có mặt.

Tôi hiểu những gì ông vừa nói, nhưng dường như là Hiện Hữu – thực tại tối hậu vượt thoát mọi hiểu biết của con người – vẫn chưa được hoàn thiện, rằng nó đang trong quá trình phát triển. Thượng Đế cũng cần thời gian để tự phát triển ư?

Đúng, nhưng chỉ đúng từ cái nhìn giới hạn của thế giới hữu hình. Trong Kinh Thánh, Thượng Đế đã phán: “Ta là Alpha và Omega, ta là Đời Sống Duy Nhất”. Cõi không-có-thời-gian nơi Thượng Đế ngự trị, nơi đó cũng là “căn nhà của bạn”, nơi bắt đầu và kết thúc, Alpha và Omega, đều là Cái Một và bản chất của tất cả mọi thứ trước đây và sau này cũng thế, đang hiện diện miên viễn dưới một trạng thái hợp nhất và hoàn thiện không hình tướng – hoàn toàn vượt khỏi bất cứ cái gì mà con người có thể hình dung hoặc thông hiểu được. Tuy nhiên, trong thế giới của các vật hữu hình có vẻ như tách biệt này của chúng ta, khái niệm sự hoàn thiện không bị chi phối bởi thời gian là một khái niệm mà chúng ta khó có thể hình dung được. Ở đây, ngay cả nhận thức, tức là ánh sáng phát ra từ Nguồn bất tận, dường như cũng đang trong quá trình phát triển, đây là do sự giới hạn về mặt cảm nhận của chúng ta. Trong thế giới tuyệt đối thì không phải vậy. Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm về sự tiến hóa của nhận thức của con người trong thế giới này.

Mọi vật đang tồn tại đều có Hiện Hữu, đều có tinh-chất-của-Thượng-Đế, đều có một mức độ nhận thức nào đó. Ngay cả hòn đá cũng có một mức độ nhận thức thô sơ nào đó. Nếu không thì nó không thể tồn tại được, vì những nguyên tử và phân tử sẽ tự phân ly. Mọi thứ đều là ở thể sống. Mặt trời, quả đất, cây cối, động vật, con người… đều là thể hiện của nhận thức ở các mức độ khác nhau, các biểu hiện hữu hình khác nhau của nhận thức.

Thế giới chúng ta hình thành khi nhận thức mang hình và dạng, dạng suy tư và dạng vật chất. Hãy nhìn hàng triệu thể sống chỉ riêng trên hành tinh này. Chúng ở ngoài biển, trên đất liền, trong không trung; và mỗi thể sống đó nhân ra hàng triệu lần. Để làm gì? Có ai đó đang chơi trò chơi, một trò chơi “hình thể” không? Đây là câu hỏi mà các nhà hiền triết Ấn Độ xa xưa thường hỏi. Họ xem thế giới là lila, một loại trò chơi thiêng liêng mà Thượng Đế đang chơi. Trong trò chơi này, từng cá thể rõ ràng là không quan trọng. Ở ngoài biển, hầu hết các thể sống thường không sống lâu hơn vài phút sau khi được sinh ra. Hình hài con người cũng hóa thành cát bụi khá chóng vánh, và khi đã biến mất, có thể nói rằng sự biểu hiện ấy hình như chưa từng bao giờ có thực. Điều này có bi thảm hay tàn nhẫn quá không? Điều này chỉ bi thảm khi ta muốn tạo ra một thực thể riêng biệt cho mỗi hình dạng, chỉ bi thảm khi ta quên là nhận thức chính là bản chất của Thượng Đế (hay Phật Tánh) đang tự biểu hiện thành hình dạng. Nhưng ta chưa thể biết được điều này khi ta chưa nhận ra được “bản chất Thượng Đế” (hay Phật Tánh) của riêng ta, như là nhận thức thuần túy.

Nếu có một con cá được sinh ra trong bể và ta đặt tên cho nó là John, viết cho nó một giấy khai sinh, cho nó một hoàn cảnh gia đình và hai phút sau đó, nó bị một con cá khác ăn, thì quả là bi thảm. Nhưng sở dĩ điều đó trở thành bi thảm vì ta đã phóng chiếu ra một thực thể riêng biệt – John – khi thực sự không có cái gì riêng biệt cả. Đó là vì bạn bám víu vào một phần nhỏ của một quá trình năng động của đời sống, một điệu múa ở cấp phân tử, và tạo cho nó một thực thể riêng.

Nhờ thông qua bạn, Tâm mới có thể giả vờ đóng vai những hình tướng cho đến khi những hình tướng này đạt đến một mức độ tinh vi nào đó thì Tâm tự đánh mất mình ở trong đó. Ở con người ngày nay, Tâm đã bị đồng hóa với cái mặt nạ chính nó tự đeo vào(2). Tâm quên đi bản chất thiêng liêng của chính mình, và chỉ biết nó chỉ là một hình tướng thôi và vì thế nó luôn sợ hãi rằng hình hài của nó sẽ bị hoại diệt về thể chất cũng như tâm lý. Đây chính là cảm nhận hạn hẹp của bản ngã(3) và cũng là nơi sự băng hoại được bắt đầu. Từ đó, bạn bỗng cảm thấy hình như có một điều gì rất sai đang xảy ra đâu đó trên con đường tiến hóa. Nhưng đây cũng là một phần của lila, trò chơi của Đấng thiêng liêng. Cuối cùng, dưới áp lực lớn lao của đau khổ do sự băng hoại của tự ngã ở trong bạn gây ra buộc Tâm phải thoát ly khỏi hình tướng, đưa nó ra khỏi giấc mơ hình tướng; Tâm “tự tỉnh thức” nhưng lần này sự tỉnh thức xảy ra ở một cấp độ sâu xa hơn trước đây, khi Tâm tự đánh mất chính mình.

Quá trình này được Chúa Jesus giải thích trong câu chuyện ngụ ngôn về đứa con rời bỏ nhà đi lưu lạc, tiêu hết của cải, trở thành cơ cực, do khổ đau quá sức chịu đựng mà phải trở về lại nhà. Khi người con trở về thì người cha đem lòng yêu thương con mình hơn trước nữa. Tâm trạng của người con cũng giống như trước đây, nhưng bây giờ có thêm chiều sâu. Câu chuyện ngụ ngôn này diễn tả cuộc hành trình của Tâm thức của chúng ta, bắt đầu đi từ sự hoàn thiện nhưng vẫn còn thiếu hiểu biết, cho đến khi sự bất toàn rất hiển nhiên và cả những “thói hư” tật xấu, sau đó thì nhờ thông qua bạn, Tâm mới đạt đến sự hoàn thiện về nhận thức.

Do đó bạn có nhận thấy ý nghĩa rộng lớn và sâu xa hơn khi bạn trở nên có mặt, làm một kẻ quan sát tất cả những ý nghĩ, cảm xúc đang xảy ra ở trong mình không? Khi bạn quan sát tâm mình, là bạn tách nhận thức ra khỏi mọi loại suy nghĩ, biến nó thành một chứng nhân. Rốt cuộc phần quan sát ở trong bạn, tức là nhận thức thuần túy vượt lên trên hình tướng – trở nên mạnh hơn và những tâm tư đang hình thành khác(4) ở trong bạn trở nên yếu hơn. Khi chúng ta nói về thực tập theo dõi những gì xảy ra ở trong tâm ta, chúng ta đang cá thể hóa một sự kiện có ý nghĩa vũ trụ: vì nhờ thông qua bạn, mà Tâm đang thức dậy, đi ra khỏi giấc mơ đồng nhất nó với thế giới hình tướng và rút lui khỏi sự mê đắm này.

Đây là điềm báo, và là một phần của một biến cố lớn xảy ra trong tương lai. Biến cố ấy được gọi là “ngày khi mà thời gian chấm dứt”(5). Đó là khi thời gian tâm lý – tức quá khứ và tương lai – không còn thống trị chúng ta nữa. Nhưng điều này thường bị người đời diễn dịch một cách sai lầm rằng: “ngày khi thời gian không còn nữa” (The end of time), tức là “ngày tận thế”.

Khi nhận thức thoát ra khỏi trạng thái đồng nhất với hình tướng, vật chất cũng như tinh thần, nó trở thành cái ta có thể gọi là nhận thức thuần túy, nhận thức giác ngộ hay hiện hữu. Hiện nay điều này đã xảy ra ở một vài cá nhân, và có thể sẽ xảy ra với một quy mô lớn hơn. Hầu hết tâm thức nhân loại đang bị khống chế bởi loại nhận thức đầy tính bản ngã: tự đồng nhất mình với những lo sợ, những suy nghĩ miên man hay xuất hiện ở trong đầu mình và bị những tâm thức lo sợ ấy kềm chế. Nếu không kịp thời thoát ra khỏi sự khống chế này, chúng ta sẽ bị nó tiêu diệt. Chúng ta sẽ chứng kiến những cảnh hỗn loạn, xung đột, bạo lực, ốm đau, thất vọng và điên cuồng ngày càng gia tăng trên thế giới. Tâm thức bản ngã của nhân loại giống như một con thuyền đang chết chìm. Nếu chúng ta không thức tỉnh để bước ra khỏi thuyền, chúng ta sẽ chết chìm với nó.

Nếu loài người muốn tồn tại thì chúng ta phải đi qua giai đoạn phát triển tâm thức tiếp theo. Tâm thức đang tiến hóa khắp vũ trụ qua hàng tỷ dạng khác nhau. Nên cho dù loài người chúng ta không tiến hóa kịp, trên bình diện vũ trụ, điều đó sẽ không thành vấn đề. Nhận thức chỉ có thêm chứ không bao giờ bị mất đi, mà nó chỉ tự thể hiện qua các dạng khác. Việc tôi đang nói ở đây và các bạn đang đọc hoặc đang nghe tôi là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhận thức mới đang giành được chỗ đứng trên hành tinh này.

Không phải tôi đang dạy các bạn mà chính bạn là nhận thứcbạn chỉ đang lắng nghe chính mình. Người phương Đông có câu: “Dạy dỗ là kết hợp giữa người dạy và cái được dạy”. Dù sao đi nữa thì ngôn từ tự nó cũng không quan trọng mấy. Ngôn từ đâu phải là Chân lý. Chúng chỉ giúp bạn hướng đến đó mà thôi. Tôi nói trong khi tôi đang hiện diện, và khi tôi nói, bạn có thể tham dự được với tôi ở trong trạng thái hiện diện đó. Mặc dù những chữ tôi dùng đều có một lịch sử riêng và chúng đã được hình thành trong quá khứ, nhưng giờ đây những chữ mà tôi đang nói với bạn đều mang một tần số rất cao của sự hiện diện, khác với ý nghĩa mà chúng thường có.

Sự im lặng còn là một con thuyền lớn chuyên chở được sự có mặt, cho nên khi bạn đọc, hay lắng nghe những gì tôi đang nói, bạn hãy ý thức về khoảng trống im lặng giữa hay đằng sau những từ đó. Hãy luôn chú tâm đến những khoảng trống im lặng ấy. Dù bất cứ đang ở đâu, bạn hãy lắng nghe sự im lặng vì đó là cách dễ dàng và trực tiếp nhất để giúp bạn trở nên có mặt. Dù đang có tiếng ồn đi nữa, vẫn luôn có một khoảng lặng ở đằng sau hoặc giữa những âm thanh ồn ào ấy. Lắng nghe sự im lặng ngay lập tức tạo ra sự yên tĩnh ở trong bạn. Và chỉ có sự yên tĩnh ở bên trong đó mới giúp bạn cảm nhận được những im lặng ở bên ngoài. Và sự yên tĩnh, không phải chính là sự có mặt của bạn, là nhận thức đã được giải phóng khỏi cả những biểu hiện khác nhau của suy tư đó sao? Đây chính là nhận thức sống động nhất về những gì chúng ta đang nói đến.

Đức Phật: hiện thân của sự hiện hữu siêu phàm của bạn

Đừng bị vướng mắc vào bất cứ ngôn từ nào. Bạn có quyền thay thế chữ “Phật” bằng những từ ngữ: an nhiên tự tại, hay Chúa, Vũ Trụ,… nếu những danh từ này có ý nghĩa hơn đối với bạn. Phật Tánh hay “tự tánh”, nói theo danh từ Phật giáo, chính là bản chất vốn đã có sẵn ở trong bạn. Sự khác nhau giữa Đức Phật hay Chúa Jesus sự hiện hữu là ở chỗ, Đức Phật, hay Chúa là tượng trưng cho tính siêu phàm sẵn có ở trong bạn, bất kể bạn có ý thức về điều này hay không, trong khi sự hiện diện có nghĩa là sự tỉnh thức thiêng liêng hay tinh chất của Thượng Đế ở trong bạn.

Những hiểu lầm và niềm tin sai lạc về Chúa Cứu Thế sẽ bị xóa tan nếu bạn nhận thức rằng Chúa không thuộc về quá khứ cũng không thuộc về tương lai. Nếu nói rằng Chúa “đã” hay “sẽ là” thì ta sẽ có sự mâu thuẫn trong ngôn từ. Vâng, có Jesus, một người có tên như thế đã sống cách đây hơn 2.000 năm và đã nhận chân được sự hiện hữu thần thánh – bản chất thực sự của mình. Vì vậy Chúa mới nói “Trước khi có Abraham, tôi hiện hữu” (Before Abraham was, I am.). Ngài đã không nói “Tôi đã có mặt trước khi Abraham sinh ra” vì điểu đó có nghĩa là Ngài vẫn đang còn trong cõi bị chi phối bởi không gian và thời gian và vẫn còn đồng nhất mình với hình tướng. Cụm từ Tôi là (I am) được sử dụng trong một câu bắt đầu bằng thì quá khứ(6) (Before Abraham was, I am.) biểu hiện một sự thay đổi tận gốc rễ, một sự bất liên tục trong cõi thế tục – cõi còn chịu sự chi phối bởi thời gian. Một cách nói rất thâm thúy của Thiền. Chúa Jesus muốn truyền đạt một cách trực tiếp, mà không qua những ý tưởng lan man, những ý nghĩa của sự có mặt, của sự nhận thức về tự tánh của mình(7). Ngài đã vượt qua chiều nhận thức vẫn còn bị chi phối bởi thời gian, và đi sâu vào vương quốc phi thời gian. Cõi bất diệt đã đi vào thế giới này. Dĩ nhiên bất diệt không có nghĩa là có thời gian liên tục, hay vô tận mà chỉ có nghĩa là không có thời gian. Như thế, cái người có tên là Jesus đã trở thành Chúa Cứu Thế, hiện thân của nhận thức thuần túy. Và Thượng Đế đã tự định nghĩa về mình như thế nào trong Kinh Thánh? Phải chăng Ngài đã nói: “Ta đã và sẽ luôn (hiện hữu)”? Dĩ nhiên là không, vì điều đó tạo ra một thực tại cho quá khứ và tương lai. Mà Thượng Đế nói: “Ta chỉ là ta mà thôi”. Không có thời gian ở đây, chỉ có sự hiện diện.

Đừng cá thể hóa Đức Phật hay Chúa. Đừng biến Đức Phật, Chúa thành một thực thể có hình dạng. Những bậc hóa thân, các thánh nữ, những bậc thầy giác ngộ là một thiểu số rất ít nhưng là những gì rất thật, nhưng không phải đặc biệt như những con người bình thường. Vì họ không còn một cái tôi giả tạo để bám víu, nuôi nấng hay bảo vệ. Họ rất đơn giản, đơn giản và bình thường hơn những người bình thường. Những người nào còn bản ngã lớn sẽ xem những bậc này là những người vô danh tiểu tốt, không đáng kết giao.

Nếu trong bạn có sự thôi thúc nội tâm muốn tìm đến một bậc thầy giác ngộ, chính bởi vì bạn đã có đủ sự hiện diện ở trong bạn để nhận ra sự hiện diện ở người khác. Nhiều người không nhận ra Chúa Jesus hay Đức Phật, cũng như ngược lại, luôn có những người thường bị cuốn hút bởi những bậc thầy giả hiệu. Bản ngã của ta thường bị thu hút bởi những bản ngã khác lớn hơn. Bóng tối không thể nhận ra ánh sáng. Chỉ có ánh sáng mới nhận ra được ánh sáng. Nhưng đừng tin rằng ánh sáng ấy ở ngoài bạn, hay nó chỉ có thể được biểu hiện qua một hình tướng đặc thù nào đó. Nếu thầy bạn đã là một hóa thân của Thượng Đế, thì bạn là ai, nếu không phải là một hóa thân khác của Thượng Đế(8)? Nếu bạn cho rằng bạn chỉ là một tư cách nào khác với tư cách này thì tất cả đều là tự đồng nhất mình một cách sai lầm với những biểu hiện của hình tướng, và khi bạn đã tự đồng hóa mình với hình tướng thì đó chỉ là sự đồng hóa mình với bản ngã nhỏ bé ở trong mình, dầu có được ngụy trang dưới hình thức gì đi nữa.

Hãy dùng sự có mặt, năng lực hiện diện của thầy mình để giúp mình suy gẫm về bản chất chân thật của chính mình, vượt lên trên Danh và Sắc(9), trở về lại với tự thân ta và trở nên có mặt sâu sắc, mạnh mẽ hơn. Ta sẽ sớm nhận ra là trong hiện hữu không có “của tôi” hay “của anh”. Hiện hữu chỉ là một.

Nếu được, bạn nên tìm đến để sinh hoạt trong một tăng thân hay một đoàn thể tu học. Điều này rất hữu ích, vì thực tập chung với tăng thân sẽ làm cho mạnh hơn ánh sáng của sự có mặt ở trong bạn. Khi nhiều người đến với nhau trong trạng thái có mặt, điều này giúp tạo ra một trường năng lượng tập thể có sức mạnh lớn của trạng thái hiện diện. Không những điều đó sẽ nâng cao mức độ hiện diện của từng thành viên mà còn giải phóng nhận thức tập thể của con người khỏi tình trạng bị chi phối bởi những suy tưởng miên man. Thực tập với tăng thân sẽ giúp cho mỗi cá nhân tiếp xúc được với trạng thái có mặt dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong nhóm ít nhất phải có một người đã có căn bản vững chắc để duy trì tần số năng lượng ở trạng thái có mặt đó, nếu không thì tâm thức bản ngã sẽ dễ dàng bước ra, tự khẳng định mình và phá hoại sự cố gắng của tập thể đó. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta cũng không nên phụ thuộc vào đoàn thể mà quên đi nỗ lực và đóng góp bằng việc thực tập chuyên cần của riêng mình, ngoại trừ trong thời gian chuyển tiếp, khi bạn đang học hỏi và luyện tập để trở nên có mặt sâu sắc hơn trong mỗi phút, mỗi giây.

Chú thích

1. Hiện Hữu: Sự sống đang có mặt khắp mọi nơi trong vũ trụ.

2. Hãy tưởng tượng rằng bạn, một vị vương tử giàu có, đi dự một dạ tiệc hóa trang. Đêm ấy bạn đóng vai một người hành khất và cuối bữa tiệc, bạn quên bẵng rằng mình nguyên là một bậc vương tử.

3. Tâm thức bản ngã: Cách nhìn giới hạn, phân biệt giữa mình và thế giới chung quanh. Thấy có sự cách biệt giữa mình và thế giới chung quanh. Thấy có sự cách biệt, lẻ loi với thế giới bên ngoài. Thấy có một cái tôi cô đơn, cần được bảo vệ.

4. Những tâm tư đang hình thành khác: Những biểu hiện của tâm như sợ hãi, giận hờn, lo lắng,…

5. “Ngày khi thời gian không còn nữa”: Một câu nói trong Thánh Kinh. Nguyên văn câu tiếng Anh là “The end of Time” thường được người đời diễn dịch sai lầm rằng đó là ngày Tận Thế. Thực ra, theo người Mayan, đó là ngày đánh dấu sự chấm dứt của sự khống chế của thời gian (quá khứ và tương lai) trong tâm thức của chúng ta. Theo lịch của người Mayan (The Mayan Calendar), đó là ngày 21 tháng 12, năm 2012, ngày đánh dấu một chuyển hướng mới trong tâm thức nhân loại.

6. Thì quá khứ: Cách dùng ngữ pháp trong tiếng Anh để chỉ về một chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ (nguyên văn là “past tense”). Ví dụ trong tiếng Việt, ta dùng từ “đã” trước một động từ để diễn tả thì quá khứ.

7. Sự nhận thức về tự tánh của mình: Trạng thái đắc đạo, trạng thái cảm nhận sâu xa bản chất thực sự của mình, hiểu được con người chân thật của mình là cái gì.

8. Nếu Thầy bạn (Chúa) đã là một hóa thân của Thượng Đế, thì bạn là ai, nếu không phải là một hóa thân khác của Thượng Đế. Hoặc ta có thể nói một cách khác, nếu thầy của ta, Đức Phật, có Phật Tánh, và là một con người bình thường như chúng ta; Ngài có khả năng giác ngộ và đã đạt được giác ngộ viên mãn.Vậy thì mỗi người chúng ta, ai cũng có sẵn Phật Tánh như thế, và cũng có khả năng đạt đến giác ngộ như Ngài. Nên sự thị hiện của Chúa và Phật là để giúp chúng ta thấy được bản chất chân thực của mỗi người chúng ta, giúp chúng ta nhận ra được khả năng to lớn trong mỗi người.

9. Danh và Sắc: Tên gọi và hình tướng mà ta gọi và đặt tên cho mọi chuyện, mọi vật.

Eckhart Tolle

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN