Sức mạnh của sự tính lặng- chương 8

YduocNHH 07/12/2017

Sức mạnh của tĩnh lặng – chương 8

QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI VÀ NGƯỜI

Chúng ta thường quá vội vàng khi có ý phê phán hay kết luận về người khác. Vì điều này làm cho bản ngã của bạn được thỏa mãn khi bạn dán nhãn hiệu cho người khác, gán cho họ một tấm căn cước của khái niệm, để bạn có thể hiển nhiên phán xét về người đó.

Mỗi con người khi sinh ra, cách suy tư và hành xử, trong một khía cạnh nào đó, đã bị tiêm nhiễm những thói quen và cách suy nghĩ tiêu cực – bởi di truyền cũng như kinh nghiệm sống thuở ấu thời cũng như môi trường văn hóa của người đó.

Nhưng đó không phải là bản chất chân thật của họ, mà chỉ là những biểu hiện đã bị tha hóa. Cho nên khi bạn có ý phán xét một người, bạn đã nhầm lẫn những khuôn mẫu, thói quen trong cách cư xử đã bị tha hóa của họ với bản chất chân thật của họ. Khi bạn hành xử như thế thì chính bạn cũng rơi vào lối cư xử vô thức theo một thói quen đã bị tha hóa lâu đời. Bạn đã tạo ra cho người đó một tấm căn cước của khái niệm, và tấm căn cước giả tạo đó trở thành ngục tù, không những cho người kia mà cả cho chính bạn.

Buông bỏ sự phán xét về người khác không có nghĩa là bạn không còn nhìn thấy những gì người đó làm. Điều này có nghĩa là bạn nhận ra lối hành xử của họ như là biểu hiện của sự tha hóa mà bạn đã nhìn rõ và chấp nhận. Và trong tình trạng đó, bạn sẽ không tạo nên một nhân cách nào cho người đó cả.

Điều này giải thoátbạn và cả người kia khỏi sự đồng hóa mình với tình trạng, với hình tướng, và với suy tư. Từ đó bản ngã bạn không còn khống chế quan hệ của bạn.

§

Lúc nào bản ngã của bạn còn khống chế cuộc đời bạn, thì hầu hết những suy tư, tình cảm và cách hành xử của bạn đều sẽ phát sinh từ những thèm khát và sợ hãi. Do đó trong quan hệ, bạn sẽ có nhu yếu hoặc e ngại một điều gì từ phía người kia.

Có thể là bạn cần những lạc thú trong cảm xúc hoặc sự lợi lộc về vật chất, được công nhận, ngợi khen hay gây được chú ý hoặc cảm nhận về chính mình được củng cố thêm qua sự so sánh, qua thành đạt cá nhân, rằng bạn có nhiều tài sản, địa vị, hoặc kiến thức hơn người kia. Nhưng nhiều khi bạn lo sợ rằng sự thật có thể lại là điều trái ngược (tài sản, địa vị, kiến thức,… của bạn không bằng người kia), và trong một khía cạnh nào đó sẽ làm giảm thiểu cảm nhận về tự thân của bạn.

Khi bạn để cho phút giây hiện tại làm tâm điểm của sự chú tâm của bạn – thay vì chỉ là một phương tiện để cho bạn đạt được một mục đích nào đó – bạn sẽ vượt qua bản ngã của mình và vượt lên trên sự thôi thúc muốn lợi dụng người khác như một phương tiện để bạn đạt được mục đích riêng tư của bạn, cứu cánh ấy chỉ là để làm mạnh thêm bản ngã, làm mạnh hơn cảm nhận về tự thân mình trên sự mất mát, thua thiệt… của người khác. Chỉ khi nào bạn để sự chú tâm toàn diện của mình vào bất kỳ một người nào mà bạn tiếp xúc, bạn sẽ loại trừ được quá khứ và tương lai ra khỏi mối quan hệ của bạn. Khi nào bạn hoàn toàn có mặt với bất kỳ một người nào mà bạn tiếp xúc, bạn sẽ loại trừ tấm căn cước của khái niệm mà bạn đã tạo ra cho người đó – tức là những suy diễn của bạn về bản chất của họ và những gì người đó đã làm trong quá khứ – và từ đó bạn có khả năng giao tiếp với người đó mà không bị sự chi phối của tâm thức tự ngã của sợ hãi hay mong cầu ở trong bạn. Chìa khóa trong chuyện này chính là sự chú tâm tức là sự im lắng một cách tỉnh táo.

Thật tuyệt vời biết bao khi bạn vượt lên trên những ham muốn và sợ hãi trong quan hệ luyến ái của bạn(1). Tình yêu chân chính không hề ham muốn hay sợ hãi bất kỳ một cái gì.

§

Nếu bạn có một quá khứ giống như người bạn của mình, một mối khổ đau như thế, một tâm thức như thế, bạn sẽ suy nghĩ và hành xử giống hệt như người ấy. Khi nhận thức được điều này, bạn sẽ phát sinh lòng tha thứ, cảm thương và tìm lại được sự an ổn trong tâm hồn mình.

Tự ngã của bạn không bao giờ muốn nghe điều tôi vừa nói này, vì khi tự ngã không còn phản ứng và luôn cho mình là đúng, tự ngã của bạn sẽ dần dần bị suy yếu.

§

Khi bạn tiếp đón bất kỳ một người nào đi vào trong Phút Giây Hiện Tại như một vị khách quý, khi bạn cho phép mỗi người được tự nhiên, người đó sẽ bắt đầu thay đổi.

§

Tìm hiểu bản chất của một người khác, bạn đâu cần phải biết gì về người đó – như quá khứ, lịch sử cá nhân, hay những câu chuyện về cuộc đời của họ. Chúng ta nhầm lẫn những điều ta biết về người đó với sự hiểu biết sâu xa về bản chất của họ – một cái Biết không thuộc về khái niệm thông thường. Biết bề ngoài về một cái gì và sự hiểu sâu, thấu triệt là hai điều hoàn toàn khác nhau. Một cái thì thuộc về hình thức, còn cái kia thì thuộc về bản chất. Một cái thì vận hành bằng suy tư, cái kia thì vận hành qua sự im lắng.

Sự hiểu biết có tính chất tri thức về một khía cạnh nào đó của một người thì rất hữu ích cho những gì có tính thực tiễn. Trong lĩnh vực này, chúng ta không thể không cần sự hiểu biết có tính chất tri thức đó. Nhưng khi loại hiểu biết bề ngoài này trở thành phương thức chính trong khi giao tiếp thì không những nó sẽ trở nên một cái gì đó rất giới hạn, mà có khi còn trở nên nguy hại cho quan hệ của bạn nữa. Suy tư và khái niệm tạo nên một bức tường giả tạo, một sự ngăn cách không cần thiết giữa người với người. Khi đó quan hệ của bạn với người khác sẽ không còn cắm rễ vào trạng thái an nhiên tự tại nữa, mà đã trở thành bị điều kiện hóa bởi trí năng. Khi không bị che chắn bởi hàng rào của khái niệm, lòng xót thương sẽ có mặt một cách tự nhiên trong tất cả những quan hệ của bạn.

§

Hầu hết những quan hệ giữa người với người đều bị trói buộc trong sự trao đổi của ngôn từ – thế giới của suy tưởng. Điều cần thiết là làm sao để mang sự trong lắng vào trong những quan hệ thân mật của bạn.

Không mối quan hệ nào có thể lớn mạnh mà không có cảm nhận rộng thoáng của không gian khi có sự hiện diện của sự yên tĩnh. Hãy tập ngồi Thiền với nhau, hoặc có nhiều thì giờ để ngồi yên với nhau giữa thiên nhiên. Khi đi dạo hay ngồi ở trên xe, hay ở nhà, bạn thực tập thế nào để giúp cho mình trở nên thoải mái khi ngồi với nhau trong tĩnh lặng. Ta không thể và cũng không cần tạo ra sự tĩnh lặng. Mà chỉ cần cởi mở để cảm nhận rằng sự tĩnh lặng vốn đã có sẵn ở đó rồi, nhưng thường bị che lấp bởi sự ồn ào của dòng suy nghĩ ở trong đầu ta.

Nếu sự rộng thoáng của tĩnh lặng đã không có, thì quan hệ luyến ái của bạn dễ bị chiếm hữu bởi suy tư và lo sợ vẩn vơ của trí năng, và dễ dàng bị vấn đề và những bất đồng chế ngự. Khi sự tĩnh lặng có mặt thì năng lượng ấy sẽ giúp bạn bao bọc lấy những gì không hay phát sinh ở trong đó.

§

Sự lắng nghe sâu sắc là một cách khác giúp bạn mang sự tĩnh lặng vào trong những quan hệ của bạn. Khi bạn thực sự lắng nghe người khác, một chiều không gian tĩnh lặng được phát sinh và sự tĩnh lặng sẽ trở thành một phần chính yếu trong quan hệ của bạn. Nhưng nghệ thuật lắng nghe là một khả năng rất hiếm hoi. Vì thông thường, phần lớn sự chú tâm của mỗi người thường bị cuốn hút bởi dòng suy tư, lo sợ không-có-chủ-đích ở trong đầu. Cùng lắm thì họ chỉ có thể đánh giá những gì bạn nói hay chuẩn bị để đáp lại lời bạn. Hoặc họ chẳng nghe ra được bạn đã nói gì, vì họ đã đánh mất mình trong những dòng suy tư, lo sợ vẩn vơ của chính họ.

Sự lắng nghe sâu sắc là một cái gì còn sâu sắc hơn là những cảm nhận thuộc về nhĩ căn. Mà đó chính là sự phát sinh của sự chú tâm một cách cảnh giác, đó là không gian của sự hiện hữu trong đó từng lời nói được tiếp nhận. Ngôn từ lúc đó chỉ còn là thứ yếu. Ngôn từ có thể có ý nghĩa hoặc vô nghĩa. Khi bạn lắng nghe, hành động chuyên chú để lắng nghe còn quan trọng hơn là những gì bạn nghe được, vì đó là chính không gian của một sự hiện hữu đầy ý thức khi bạn đang chuyên chú lắng nghe. Không gian đó chính là một trường ý thức đồng nhất trong đó bạn tiếp xúc với người kia mà không bị phân cách bởi những hàng rào của khái niệm, của suy tư ở trong bạn. Và người kia không còn là một cái gì “khác với bạn”. Vì trong chiều không gian đó, bạn nối kết với nhau thành một trường ý thức, một tâm thức đồng nhất(2).

§

Bạn có thường gặp phải và hay lặp lại những tấn tuồng gây gổ trong quan hệ luyến ái của mình? Có phải những bất đồng chẳng đáng gì nhưng thường gây nên những tranh luận gay gắt và những khổ đau trong tình cảm?

Gốc rễ của những kinh nghiệm này chính là những thói quen trong cách bạn phản ứng và cư xử rất thông thường của bản ngã ở trong bạn: Đó là nhu yếu giành phần đúng(3) trong chuyện tranh cãi và dĩ nhiên cho người kia là sai; đó là thái độ đồng hóa mình với những quan điểm, những vị thế trong cách suy nghĩ của mình. Ngoài ra bản ngã ở trong ta còn có thêm một nhu yếu thường trực: thích tạo nên những vấn đề, những xung đột với ai đó, hay với một chuyện gì, để củng cố thêm cảm nhận về sự cách biệt giữa mình và “những người khác”, vì nếu không có sự phân biệt này thì bản ngã của bạn sẽ không thể tồn tại được.

Hơn nữa, còn một mối khổ đau trong tình cảm đã tích lũy từ quá khứ mà bạn và mỗi người vẫn còn cưu mang ở trong mình, vừa là nghiệp báo(4) của cá nhân vừa là nghiệp báo của tập thể của con người nói chung, nếu ta đi ngược lại từ thuở xa xưa. Khối khổ đau sâu nặng(5) này là một trường năng lượng ở trong bạn thỉnh thoảng lại chiếm hữu lấy bạn vì khối khổ đau sâu nặng ấy cần được nuôi dưỡng và bổ sung thêm những khổ đau mới. Khối khổ đau này sẽ cố tìm cách điều khiển, chi phối những suy nghĩ của bạn và làm cho những suy tư đó nhuốm màu tiêu cực. Khối khổ đau này rất thích những ý tưởng tiêu cực ở trong bạn, vì những ý nghĩ này có cùng tần số và vì khối khổ đau đó của bạn được nuôi sống bằng những suy nghĩ tiêu cực ấy. Khối khổ đau đó cũng sẽ khích động những phản ứng có tính chất rập khuôn(6) ở những người thân của bạn, đặc biệt là người bạn gối chăn của bạn, nhằm mục đích là để được nuôi sống bằng những bi kịch và khổ đau xảy ra sau đó.

Làm sao để bạn có thể thoátra được thói quen đồng hóa mình một cách vô thức với những khổ đau sâu nặng đã tạo nên những khốn đốn trong đời bạn?

Chỉ có cách là trở nên ý thức về khối khổ đau sâu nặng này. Là nhận thức rằng bạn không phải là những khổ đau này, và nhận rõ chân tướng của nó: Đây chỉ là những khổ đau cũ còn sót lại từ quá khứ mà thôi. Làm một chứng nhân yên lặng(7) khi khối khổ đau này đang phát sinh ở trong mình hay trong người bạn gối chăn của mình. Khi thói quen vô thức đồng hóa mình với khối khổ đau sâu nặng ấy ở trong bạn đã bị phá vỡ, khi bạn có khả năng quan sát trong yên lặng lúc khối khổ đau sâu nặng ấy đang hoành hành ở trong bạn, và bạn không nuôi nấng hay làm cho nó mạnh hơn, thì khối khổ đau ấy sẽ dần dần suy yếu đi.

§

Quan hệ giữa người và người có thể giống như ở địa ngục(8). Hoặc có thể là một thực tập tâm linh sâu sắc(9).

§

Khi nào bạn nhìn người khác với cặp mắt yêu thương vô hạn, hoặc khi bạn chiêm nghiệm nét đẹp của thiên nhiên và sâu thẳm trong bạn rung cảm sâu sắc với vẻ đẹp ấy, thì bạn hãy thử nhắm mắt lại một chút để cảm nhận cái tinh túy của tình thương hay vẻ đẹp đó ở trong bạn, thì bạn sẽ nhận thức rằng tình thương và vẻ đẹp này không thể tách rời với chính bạn, vì đó chính là bản chất chân thực của bạn. Những gì bạn trông thấy ở ngoài kia chỉ là sự phản ảnh rất chóng tàn của những gì chân thật của bạn ở bên trong. Đó là lý do để bạn biết rằng tình thương và sự cao đẹp ở trong bạn sẽ không bao giờ tách rời được, dù những hình tướng bên ngoài của bạn có thể phôi pha.

§

Quan hệ của bạn với thế giới hình tướng(10), muôn vàn vật thể chung quanh bạn mà bạn tiếp xúc hằng ngày là quan hệ gì? Chiếc ghế mà bạn đang ngồi lên, cây bút, chiếc xe, cái ly nước… Chúng chỉ là những phương tiện cho bạn sử dụng, hay thỉnh thoảng bạn cũng công nhận sự hiện hữu của chúng, bản chất của những đồ vật này, cho dù đó chỉ là những giây phút rất ngắn ngủi trong đó bạn dành hết sự chú tâm của mình vào những vật này?

Bạn sẽ trở nên vướng mắc(11) khi nào bạn sử dụng những thứ này để làm tăng thêm giá trị của bạn đối với chính mình hay với người khác, hay những quan tâm của bạn về những điều đó chiếm hữu hoàn toàn cuộc đời của bạn. Khi bạn có sự động hóa mình với những thứ mà bạn sở hữu, bạn sẽ không còn biết quý trọng những thứ đó, vì bạn mải bận đi tìm chính mình qua những vật sở hữu đó.

Khi bạn biết quý trọng tự thân một vật gì, khi bạn xác nhận sự hiện hữu của vật ấy mà không có sự phóng chiếu của trí năng, bạn sẽ không thể không biết ơn sự có mặt của vật ấy. Bạn cũng sẽ cảm thấy rằng vật ấy rất linh động, chứ không phải là một cái gì chết cứng, vô tri… như cảm nhận sai lầm của giác quan của bạn. Các nhà vật lý học đã xác minh rằng ở cấp độ phân tử, mọi vật quả thực là một trường năng lượng rung động một cách rộn ràng(12).

Qua sự biết ơn một cách vô ngã thế giới của vật thể, đời sống chung quanh bạn sẽ trở nên sinh động trong nhiều khía cạnh mà bạn sẽ không thể hiểu được qua trí năng của mình.

§

Khi gặp một người nào, dù chỉ trong chốc lát, bạn có thừa nhận sự có mặt của người đó bằng cách dành trọn sự chú tâm của bạn trong khi gặp mặt nhau? Hay là bạn biến người đó thành một phương tiện của bạn, hoặc bạn đang thực hiện một chức năng hay vai trò nào đó mà bạn phải đóng?

Quan hệ của bạn như thế nào với một chị bán hàng, một em nhỏ bán vé số, hay một bác đạp xích lô?

Chỉ cần một giây phút bạn để tâm đến người đó là đủ. Khi bạn nhìn hay lắng nghe họ, có một sự yên lắng một cách tỉnh giác – dù chỉ là hai, ba giây thôi. Chừng đó cũng đủ cho một cái gì đó thực hơn được phơi bày, hơn là những vai trò mà chúng ta thường đóng và tự đồng hóa mình với những vai trò đó. Mọi vai trò chỉ là một phần của thứ tâm thức đã bị tha hóa, tức cũng là trí năng của con người. Còn những gì xuất hiện qua sự chú tâm của bạn thuộc về thứ tâm thức chưa bị điều kiện hóa – đó cũng chính là bản chất của bạn bên dưới những tên họ, hình thức bên ngoài. Lúc đó bạn không còn hành xử từ một rãnh mòn của thói quen nữa mà bây giờ bạn đã trở nên chân thực hơn. Khi chiều không gian đó xuất hiện ở trong bạn, nó sẽ giúp cho chiều không gian tương tự ở phía người kia được phơi bày.

Dĩ nhiên, trong mỗi quan hệ, điều tối hậu mà bạn cần nhớ là sẽ chẳng bao giờ có ai khác cả, ngoài chính bạn(13). Vì trong quan hệ ấy, bạn chỉ đang gặp gỡ chính mình.

———-

(1) Vượt lên trên những ham muốn và sợ hãi trong quan hệ luyến ái của bạn: Eckhart Tolle đã từng nói rằng: “Ở một điểm nào đó trong quá trình tiến hóa, sự sống hay Nhất Thể được phân chia thành hai đối cực căn bản: Âm và Dương. Trên mặt hình tướng, mỗi người chúng ta được biểu hiện qua một trong hai đối cực này: Bạn hoặc là đàn ông hoặc là đàn bà, điều này có nghĩa là mỗi người chúng ta chỉ là một nửa của toàn thể”. Có một động lực trong mỗi người chúng ta để hướng về Nhất Thể, với sự nguyên vẹn lúc ban đầu, đây là một sức đẩy của chiều hướng tâm lonh để trở về với cái Một, với Nhất Thể. Trên mặt hình tướng, tiềm lực này biểu hiện là một mong muốn một sự toàn vẹn qua sự phối hợp của hai đối cực Nam-Nữ, Âm-Dương. Ở mức độ căn bản, điều này được biểu hiện như là năng lượng tình dục, sau đó là nhu yếu tình cảm cần có một người đàn ông hay đàn bà bên cạnh mình, kế đó là biểu hiện của tình yêu nam nữ. Rốt cùng, dĩ nhiên chúng ta không thể nào tìm thấy Nhất Thể hay sự thỏa mãn sâu xa qua hình tướng, mà chỉ có thể qua sự trở về với đời sống tâm linh, trở về với Tâm. Nhu yếu có một người phối ngẫu và có con là một nhu yếu căn bản. Nhưng nhu yếu này không nhất thiết có liên quan đến tự ngã, mặc dù rất có thể trở thành một phần của tự ngã khi bạn vô tình kết hợp nhu yếu đó với sự phán xét hay những câu chuyện bạn tự thêu dệt nên (như “Tôi cần phải có một người đàn ông (hay đàn bà) ở bên cạnh để làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc”). Đó là lúc quan hệ nam/nữ của bạn sẽ trở nên lắm vấn đề. Ngay cả tình yêu chân thật cũng dễ dàng bị băng họai bởi cách suy nghĩ này. Bạn có cần phải sống trong một hoàn cảnh khổ sở chỉ vì bạn chưa tìm ra được một người phối ngẫu, lập gia đình hay có con? Dĩ nhiên là không. Rất nhiều người vẫn chẳng có hạnh phúc, tuy họ đang sống trong hôn nhân hay đang có mối quan hệ luyến ái. Vì bạn đang có một đời sống tâm linh, bạn bắt đầu nhận ra bản chất chân thật của minh, đó là Vô Tướng (những gì không thể nắm bắt được bằng khái niệm), do đó bạn sẽ không bị ảnh hưởng gì, ngay cả khi trên mặt hình tướng bạn có thể cảm thấy có sự thiếu thốn hay nhu yếu có một người khác phái ở bên cạnh. Đối với một số người, nhờ kinh nghiệm thiếu thốn này, họ đã đi sâu vào bên trong để tiếp xúc với những gì chân thật ở trong họ – đó là Hiện Hữu mà không cần một thuộc tính nào cả, đó chính là an nhiên tự tại. Dĩ nhiên, bạn vẫn sẵn sàng chào đón một quan hệ hay hôn nhân xảy đến trong đời bạn, lúc đó chuyện có con là một điều sẽ làm cho bạn vui sướng. Nhưng niềm an bình nội tại của bạn và cảm nhận về tự thân sẽ không bị phụ thuộc vào những điều kiện này. Thông thường, khi bạn kinh nghiệm sự phải có những thứ ấy thì bạn mới thực sự có hạnh phúc (hôn nhân, tiền bạc, tự do, sức khỏe, địa vị xã hội,…) hãy dùng những thiếu thốn này để đi sâu hơn vào bên trong để tìm ra bạn chính là Hiện Hữu, trước khi bạn đồng hóa mình với cái này hay cái kia. Đồng thời, trên mặt hình tướng, bạn sẽ làm tất cả những gì bạn có thể làm được để khắc phục sự thiếu thốn này. Bạn sẽ dễ thành công ở bên ngoài hơn khi nào bạn đã thành công ở bên trong. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy có tự do ở trong lòng, dù những điều bạn mong ước sẽ xảy ra hay không.

(2) Tâm thức đồng nhất: Đó là phút giây khi trong ta không có sự phân biệt giữa ta và người. Ví dụ: Một người mẹ bồng đứa con của mình vừa sinh ra; hoặc khi ta cần giải cứu một người thân của mình trong cơn nguy biến,… Trong giây phút đó, ta với người kia là một. Sự an nguy của người kia chính là sự an nguy của ta. Trong trường hợp này, khi lắng nghe người khác một cách sâu sắc thì ta sẽ tiếp xúc với người kia trực tiếp đến độ ta không còn bị chia cắt bởi những hàng rào của khái niệm ta và người.

(3) Nhu yếu giành phần đúng: Đây là một khuôn mẫu cư xử rất phổ biến của bản ngã ở trong ta, trong đó bản ngã thích giành phần đúng về phía mình. Nhu yếu “cho mình là đúng” là một cách cư xử không thể cưỡng lại được ở trong ta, đến độ chúng ta thà để cho những quan hệ thân thiện và quan trọng của mình bị tổn thương hoặc đổ vỡ hơn là nhận phần khiếm khuyết của mình trong vấn đề này. Trong một quan hệ luyến ái, ta có thể xóa bỏ những căng thẳng và củng cố lại tình thân bằng câu nói chân thật: “Em hãy tha thứ cho những khiếm khuyết, lỗi lầm mà anh đã gây ra”. Trong một quan hệ thân hữu, ta có thể nói với bạn mình “Tôi trân quý tình bạn của chúng ta bấy lâu nay hơn là chuyện tôi đúng hay anh đúng. Nếu tôi đúng mà tình bạn của chúng ta bị tổn thương hay sứt mẻ thì thà là tôi nhận lấy phần sai, muôn ngàn lần. Chúng ta có thể vượt qua những hiểu lầm này không?”.

(4) Nghiệp báo: Là hậu quả, là hoa trái rất tự nhiên và tất yếu của mỗi hành động, mỗi lời nói hay trong cách ta suy nghĩ trong quá khứ. Như người hay nói dối thì không được người khác tin cậy. Để tay trên lửa thì bị bỏng. Ăn đồ ăn thiu thì đau bụng. Uống rượu thì sẽ bị say, mất khả năng tự chủ của mình, dễ gây tai nạn khi lái xe. Lấy cắp vật gì của người khác thì trong lòng bứt rứt, bất an, có nguy cơ bị tù đày,… Có những việc ta làm hôm nay, hậu quả xảy ra ngay lập tức như những ví dụ vừa kể ở trên, nhưng có những việc của ta hoặc ông bà ta đã làm trong nhiều đời, nhiều kiếp thì bây giờ hậu quả mới biểu hiện ra.

(5) Khối khổ đau sâu nặng: Là những khổ đau cũ đã tích lũy trong quá khứ với nhiều tầng lớp chồng chất lên nhau mà chưa được hóa giải, đến độ khối khổ đau ấy trở thành một thực thể, một sinh vật, hay nói chính xác hơn, đó là một quái vật đầy thương tích. Khối khổ đau này cần thức ăn để tiếp tục sống còn. Để tạo ra thức ăn, khối khổ đau này sẽ đứng đằng sau giật dây để tạo nên những tranh giành, xung đột, bất hòa,… ở trong bạn.

(6) Những phản ứng rập khuôn: Khi rơi vào những phản ứng như thế, có người bỗng trở nên khép kín, im bặt không có khả năng phân bày, truyền thông,… gì được khi ở trong một tình trạng khó khăn, lúc phải đối diện với những khiếm khuyết của mình. Cùng trường hợp đó thì người khác lại trở nên giận dữ, lớn tiếng tranh luận gay gắt bảo vệ cho mình. Có người thì biết mình sai nhưng cứ phớt lờ đi như không có chuyện gì cả.

(7) Làm một chứng nhân yên lặng: Là lặng lẽ chú tâm quan sát những gì đang xảy ra ở trong mình và chung quanh mình mà không phán xét, không phản ứng với những gì bạn đang nghe, đang thấy. Thực tập này sẽ giúp cho bạn có thêm không gian để nhìn ra những đường đi nước bước của tâm tư ở trong mình.

(8) Quan hệ giữa người và người có thể giống như ở địa ngục: Đa số những quan hệ luyến ái, quan hệ vợ chồng sau giai đoạn đằm thắm lúc ban đầu thường trở nên đầy nhiêu khê, đầy sự chịu đựng; chúng ta cảm thấy những quan hệ này như là một gánh nặng, như là ngục tù của nhau.

(9) Quan hệ giữa người và người cũng có thể là một thực tập tâm linh rất sâu sắc: Những khó khăn và chướng ngại trong quan hệ giữa người và người có thể trở thành những cơ hội quý báu cho mỗi người khám phá những góc cạnh khác của chính mình mà mình chưa biết. Ví dụ trong một quan hệ luyến ái, nhờ yêu nhau mà người ta sẽ cố gắng nhìn lại mình và có nhiều cơ hội hơn để nhận ra những khiếm khuyết của mỗi người. Chúng ta nhận thức rằng mình không phải là những thói hư, tật xấu đó nên có thể thực tập để khắc phục được những khía cạnh vô thức này của mình. Do đó quá trình vượt thắng những khó khăn trong mối quan hệ giữa mình và người khác sẽ trở thành một thực tập tâm linh sâu sắc, giúp chúng ta đi tới.

(10) Thế giới hình tướng: Là tất cả những gì bạn tiếp xúc: vợ/chồng, con cái, những người thân trong gia đình bạn, những người bạn làm việc chung, hoặc gặp gỡ trong công việc, nhà cửa, xe cộ,…

(11) Trở nên vướng mắc: Khi mất mát một vật gì quý hay mất một người thân thì ai cũng khổ sầu, đây là một điều rất hiển nhiên. Nhưng khi bạn khổ sầu vì cảm thấy giá trị về chính mình bị tổn thương lúc bạn bị mất chiếc xe, mất nhà, mất tiền bạc, hay ý nghĩ “mình mất đi người vợ hay chồng của mình” cũng đủ làm cho bạn sầu khổ… thì có lẽ bạn đã trở nên vướng mắc hay đã xem những đồ vật hay những người này là một vật gì thuộc về sở hữu của bạn, hoặc bạn xem họ như là một phương tiện cho bạn đạt được một điều gì đó.

(12) Ở cấp độ phân tử, mọi vật quả thực là một trường năng lượng rung động một cách rộn ràng: Theo những khám phá mới của khoa học thì ở cấp độ phân tử, mọi vật không phải là một cái gì chết cứng, ù lỳ hay cố định như giác quan của chúng ta nhìn thấy mà mỗi vật quả thực là một trường năng lượng của những điện tử rung động, chuyển biến liên tục, từng phút từng giây.

(13) Sẽ chẳng bao giờ có ai khác cả, ngoài chính bạn: Trong mỗi quan hệ, những khó khăn, những vấn đề mà ta nhìn thấy ở người kia thực ra là vấn đề của chính bạn. Họ là những chiếc gương phản chiếu những khiếm khuyết của chính bạn mà bạn hoặc chưa ý thức hoặc đang muốn chối bỏ.

———–

(Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org/)

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN