Trị ra mồ hôi bằng đông y

YduocNHH 07/12/2017

Ra mồ hôi là chứng tự hãn, là tình trạng tăng tiết mồ hôi (Hyperhydrosis), theo đông y do dinh vệ bất hòa, khí tỳ phế hư, lý nhiệt chưng bốc...

Cách trị liệu theo triệu chứng căn nguyên phát sinh bệnh chứng, cụ thể như sau:

*Nếu do dương khí hư (biểu hiện ra mồ hôi trong lòng bàn tay, chân, chân tay mát, kém ăn, da thịt tê dại, sợ gió, đoản khí... mạch phù vô lực): Phép trị là bổ khí cố biểu.

Phương thuốc sắc uống gồm mẫu lệ 20g, ma hoàng căn 12g, hoàng kỳ 30g, ngũ vị tử 10g, thục địa 12g, tử uyển 12g, tang bì 12g, đảng sâm 10g, phòng phong 8g, bạch truật 16g, cam thảo 6g, quế chi 6g, phù tiểu mạch 12g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Kết hợp châm cứu các huyệt Lao cung, Đại lăng, Thần môn, Ngư tế.Ngâm, bôi: Lấy Ngô thù du tán bột hòa nước sôi ngâm, bôi vào nơi bị bệnh. Ngày 1 - 2 lần.

* Nếu do là Âm hư (biểu hiện mồ hôi tay chân ra nhiều, chảy ròng ròng, lòng bàn tay, chân nóng): Dùng thuốc sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, gồm mạch môn 12g, quy đầu 12g, hoàng kỳ 70g, ngũ vị tử 8g, tang diệp 40 lá, thục địa 12g, hoàng cầm 6g, hoàng liên 4g, hoàng bá 6g, sinh địa 8g, tang chi 10g. Kết hợp với chân sâm cầm 10 đôi ngâm rượu uống. Hỏa châm các huyệt Tâm du và Phế du.

* Nếu chứng do phong thấp (biểu hiện người nặng nề, bàn chân lạnh, nhiều mồ hôi, hay bị đau người, đau nhức các khớp, có thể sử dụng trị cả các chứng đau khớp): Dùng "Bạch hổ Xương truật thang" gồm trích thảo 4g, tri mẫu 10g, ngạch mễ 20g, thạch cao 30g, xương truật 8g, ma hoàng căn 10g, hoàng kỳ 20g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần.

* Do tâm nhiệt can uất (thường biểu hiện hồi hộp hay khi căng thẳng thì thấy ra mồ hôi): Dùng thuốc sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, gồm các vị tiêu dao tán 12g, sài hồ 12g, bạch truật 12g, bạch thược 12g, quy đầu 12g, trần bì 8g, chích thảo 6g, sinh khương 12g, bạc hà 12g, bạch linh 12g, long cốt 20g, mẫu lệ 20g.

Tất cả các bệnh chứng vừa nêu trên đều có thể sử dụng các vị thuốc sau: Long cốt 12g, mẫu lệ 12g, hoàng kỳ 12g, ngạnh mễ 20g, cho nấu lấy nước kết hợp xông, ngâm, bôi vào nơi bị bệnh.   

  • BS Hoàng Xuân Đại
Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN