-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Từ thuốc tới thiền – 02 – được chữa lành ngụ ý là cái toàn thể
07/12/2017
Từ thuốc tới thiền – 02 – được chữa lành ngụ ý là cái toàn thể
Được chữa lành ngụ ý là cái toàn thể
Từ ‘thiền – meditation’ và từ ‘thuốc – medicine’ có cùng gốc. Thuốc nghĩa là cái chữa lành về thể chất, còn thiền nghĩa là cái chữa lành về tâm linh. Cả hai đều là những năng lực chữa lành.
Một điều khác cần phải nhớ: từ ‘chữa lành – healing’ và từ ‘toàn thể – whole’ cũng có cùng gốc. Được chữa lành đơn giản có nghĩa là toàn thể, không bỏ lỡ bất kì điều gì. Một nghĩa khác của từ này – từ ‘linh thiêng – holy’ cũng có cùng gốc. Chữa lành, toàn thể, linh thiêng là không khác biệt về nguồn gốc.
Thiền chữa lành, làm cho bạn thành toàn thể, và là toàn thể tức là linh thiêng.
Tính linh thiêng chẳng liên can gì tới việc thuộc vào bất kì tôn giáo nào, thuộc vào bất kì nhà thờ nào. Nó đơn giản có nghĩa là bên trong mình, bạn là toàn thể, đầy đủ; không cái gì thiếu, bạn được mãn nguyện.
Bạn là điều mà sự tồn tại muốn bạn là vậy. Bạn đã nhận ra tiềm năng của mình…
Tôn giáo là cuộc hành trình hướng nội, và thiền là con đường. Điều thiền thực sự làm là, nó đem bạn, tâm thức bạn, vào sâu nhất có thể được. Ngay cả thân thể riêng của bạn cũng trở thành cái gì đó bên ngoài. Ngay cả tâm trí riêng của bạn cũng trở thành cái gì đó bên ngoài. Ngay cả trái tim riêng của bạn – cái rất gần với trung tâm của bản thể bạn – cũng trở thành bên ngoài. Khi thân thể, tâm trí và trái tim, tất cả ba, đều được thấy là ở bên ngoài, bạn đã đi tới chính trung tâm của sự tồn tại của mình.
Việc tới trung tâm này là sự bùng nổ cực kì lớn làm biến đổi mọi thứ. Bạn sẽ không bao giờ là con người cũ nữa, bởi vì bây giờ bạn biết thân thể chỉ là lớp vỏ bên ngoài; tâm trí có là bên trong chút ít nhưng không thực sự là cốt lõi bên trong của bạn; trái tim có chút ít bên trong hơn, nhưng vẫn không phải là trung tâm bên trong nhất. Bạn không đồng nhất với tất cả ba điều này.
Bạn bắt đầu cảm thấy, lần đầu tiên, được kết tinh… không phải là con người mờ nhạt mà bạn bao giờ cũng đã là. Lần đầu tiên bạn bắt đầu cảm thấy một năng lượng mênh mông, năng lượng không cạn mà bạn chưa biết tới. Lần đầu tiên bạn biết rằng cái chết sẽ xảy ra chỉ cho thân thể, cho tâm trí, cho trái tim, nhưng không cho bạn.
Bạn là vĩnh hằng. Bạn bao giờ cũng ở đây, và bạn bao giờ cũng sẽ ở đây – dưới hình dạng khác, và chung cuộc trong trạng thái vô hình dạng. Nhưng bạn không thể nào bị huỷ diệt – bạn là bất khả huỷ diệt. Điều đó lấy đi tất cả mọi nỗi sợ khỏi bạn. Và biến mất của nỗi sợ là xuất hiện của tự do. Biến mất của nỗi sợ là xuất hiện của tình yêu. Bây giờ bạn có thể chia sẻ. Bạn có thể cho bao nhiêu tuỳ ý, bởi vì bạn bây giờ ở tại cội nguồn nước sống không cạn.
Thiền làm cho bạn thành toàn thể, làm cho bạn thành linh thiêng, và làm cho bạn thành cội nguồn không cạn cho tất cả những người đang đói, khát, đang tìm kiếm, đang tìm tòi, đang dò dẫm trong bóng tối. Bạn trở thành ánh sáng. Thiền là cách làm chủ bản thể riêng của bạn. Không cần tới Thượng đế nào cả, không cần tới giáo lí vấn đáp, không cần tới sách thánh. Không ai cần phải trở thành người Ki tô giáo hay người Do thái giáo hay người Hindu giáo – tất cả những cái đó đều là cực kì vô nghĩa. Tất cả mọi điều cần là tìm ra trung tâm của bạn, và thiền là cách đơn giản nhất để tìm thấy nó.
Điều đó sẽ làm cho bạn thành toàn thể, mạnh khoẻ về tâm linh, và nó sẽ làm cho bạn thành giầu có đến mức bạn có thể phá huỷ tất cả mọi nghèo nàn tâm linh của thế giới. Và đó mới là cái nghèo thực sự.
Cái nghèo của thân thể vật lí trong thức ăn, trong quần áo, trong chỗ trú ngụ, có thể dễ dàng được khoa học và công nghệ giúp đỡ. Nhưng khoa học và công nghệ không thể giúp bạn phúc lạc được – điều đó nằm ngoài phạm vi của chúng. Và bạn có thể có mọi thứ mà thế giới có thể cung cấp, nhưng nếu bạn không có an bình, chân thành, im lặng, cực lạc, bạn sẽ vẫn còn nghèo nàn.
Trong thực tế, bạn sẽ cảm thấy cái nghèo của mình hơn bao giờ hết, bởi vì tương phản sẽ có đó. Bạn đang sống trong cung điện vàng, và bạn biết mình là kẻ ăn mày. Cung điện vàng sẽ trở thành tương phản: bây giờ bạn có thể thấy bên trong chẳng có gì, bạn chỉ là trống rỗng.
Đó là lí do tại sao khi nhân loại trở nên thông minh hơn, chín chắn hơn, ngày càng nhiều người bắt đầu cảm thấy vô nghĩa, ngày càng nhiều người bắt đầu cảm thấy cuộc sống là ngẫu nhiên, rằng thật là vô tích sự cứ tiếp tục sống.
Những phát triển mới nhất trong triết học ở phương Tây tất cả đều chỉ ra một điều, rằng có lẽ tự tử là giải pháp duy nhất. Và tất nhiên, nếu bạn không biết về thế giới bên trong của mình, và bạn có mọi thứ có sẵn mà thế giới bên ngoài có thể trao cho bạn, tự tử sẽ dường như là giải pháp duy nhất.
Thiền có thể làm cho bạn thành giầu có trong nội tâm. Thế thì tự tử nằm ngoài vấn đề này; thậm chí nếu bạn muốn phá huỷ bản thân mình, cũng không có cách nào cả. Bản thể bạn là không thể bị huỷ diệt. Và việc biết tới tính bất tử này là tự do lớn lao – tự do với cái chết, với bệnh tật, với tuổi già. Tất cả những điều này sẽ tới và đi, nhưng bạn vẫn còn không bị đụng chạm tới, không bị xây sát. Mạnh khoẻ bên trong của bạn là ở ngoài mọi bệnh tật.
Và nó có đó, chỉ cần được phát hiện ra.
Lần sau bạn vào ngôi đền của Phật Gautam hay Mahavira, chỉ ngồi im lặng, quan sát bức tượng… bởi vì bức tượng đã được làm theo một cách, theo một tỉ lệ mà nếu bạn quan sát nó bạn sẽ rơi vào im lặng. Nó là bức tượng về thiền; nó không liên quan tới Phật Gautam hay Mahavira….
Trong trạng thái đại dương đó thân thể lấy điệu bộ nào đó. Bạn đã tự mình quan sát nó, nhưng bạn lại không tỉnh táo. Khi bạn giận dữ, bạn có quan sát không? – thân thể bạn lấy điệu bộ nào đó. Trong giận dữ bạn không thể để bàn tay để mở được; trong giận dữ – nắm đấm. Trong giận dữ bạn không thể mỉm cười được – hay bạn có thể? Với xúc động nào đó, thân thể phải tuân theo một điệu bộ nào đó. Chỉ những điều nhỏ bé mới có quan hệ sâu sắc bên trong…
Một khoa học bí mật nào đó đã được sử dụng hàng thế kỉ để cho các thế hệ mới tới có thể đi vào tiếp xúc với những kinh nghiệm của các thế hệ cổ hơn – không qua sách vở, không qua lời, mà qua cái gì đó đi sâu hơn – qua im lặng, qua thiền, qua an bình. Khi im lặng của bạn phát triển, tình bạn của bạn, tình yêu của bạn phát triển; cuộc sống của bạn trở thành điệu vũ từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, niềm vui, lễ hội…
Bạn đã bao giờ nghĩ tới tại sao, trên khắp thế giới, trong mọi nền văn hoá, trong mọi xã hội, có vài ngày trong năm dành cho lễ hội? Vài ngày này dành cho lễ hội chỉ là việc bù lại – bởi vì những xã hội này đã lấy đi tất cả mọi lễ hội của cuộc sống của bạn, và nếu không cái gì được trao bù lại cho bạn, cuộc sống của bạn có thể trở thành nguy hiểm cho nền văn hoá. Mọi nền văn hoá đều phải cho bạn cái bù gì đó để cho bạn không cảm thấy bị mất hoàn toàn trong khổ, trong buồn… Nhưng những cái bù lại đó là giả. Nhưng trong thế giới bên trong của bạn có thể vẫn có sự liên tục của ánh sáng, bài ca, niềm vui.
Bao giờ cũng nhớ rằng xã hội bù lại cho bạn khi nó cảm thấy rằng cái bị kìm nén có thể bùng nổ thành tình huống nguy hiểm nếu điều đó không được bù lại. Xã hội tìm ra cách nào đó để cho phép bạn xả ra cái bị kìm nén. Nhưng đây không phải là lễ hội đúng, và nó không thể đúng được. Lễ hội đúng phải tới từ cuộc sống của bạn, trong cuộc sống của bạn.
Và lễ hội đúng không thể tương ứng theo lịch được, rằng vào ngày mồng một tháng mười một bạn sẽ làm lễ hội. Kì lạ, cả năm bạn khổ và vào ngày mồng một tháng mười một bỗng nhiên bạn thoát ra khỏi khổ, nhảy múa. Hoặc khổ là giả hoặc ngày mồng một tháng mười một là giả; cả hai không thể đúng được. Và một khi ngày mồng một tháng mười một qua rồi, bạn trở lại trong cái hố tối tăm của mình, mọi người đều trong khổ của mình, mọi người đều trong lo âu của mình.
Cuộc sống phải là lễ hội liên tục, liên hoan ánh sáng cả năm ròng. Chỉ thế thì bạn mới có thể trưởng thành, bạn mới có thể nở hoa. Biến đổi những cái nhỏ bé thành lễ hội đi… Mọi thứ bạn làm nên mang tính diễn đạt về bạn; nó nên có chữ kí của bạn lên nó. Thế thì cuộc sống trở thành lễ hội liên tục.
Cho dù bạn ốm và bạn nằm trên giường, bạn sẽ làm cho những khoảnh khắc nằm trên giường đó thành những khoảnh khắc của cái đẹp và niềm vui, khoảnh khắc của thảnh thơi và nghỉ ngơi, khoảnh khắc của thiền, khoảnh khắc của việc nghe nhạc hay thơ. Không có nhu cầu phải buồn rằng bạn ốm. Bạn nên sung sướng rằng mọi người đều ở văn phòng còn bạn nằm trên giường như vua, thảnh thơi – ai đó chuẩn bị trà cho bạn, ấm samovar đang ca lên bài ca, một người bạn tỏ ý muốn tới và thổi sáo cho bạn. Những điều này còn quan trọng hơn bất kì thuốc nào. Khi bạn ốm, gọi bác sĩ. Nhưng điều quan trọng hơn, gọi những người yêu bạn tới bởi vì không có thuốc nào quan trọng hơn tình yêu. Gọi những người có thể tạo ra cái đẹp, âm nhạc, thơ ca tới quanh bạn bởi vì không có gì chữa lành được như tâm trạng lễ hội.
Thuốc là loại trị liệu thấp nhất. Nhưng dường như chúng ta đã quên mất mọi thứ, cho nên chúng ta phải lệ thuộc vào thuốc và thành cục cằn và buồn bã – dường như bạn đang bỏ lỡ niềm vui lớn lao nào đó bạn đã có trong văn phòng! Trong văn phòng bạn đã khổ rồi – chỉ một ngày nghỉ, và bạn lại níu bám lấy khổ nữa; bạn sẽ không buông bỏ nó.
Làm mọi thứ thành sáng tạo đi, làm ra cái tốt nhất từ cái tệ nhất – đó là điều tôi gọi là ‘nghệ thuật’. Và nếu một người đã sống cả đời mình trong việc làm cho mọi khoảnh khắc và mọi pha của nó thành cái đẹp, tình yêu, niềm vui, một cách tự nhiên cái chết của người đó sẽ là đỉnh cao tối thượng của toàn thể nỗ lực cuộc sống của người đó.
Cái chạm cuối cùng… cái chết của người đó sẽ không xấu như thường vẫn xảy ra mọi ngày cho mọi người. Nếu cái chết mà xấu, điều đó nghĩa là toàn thể cuộc sống của bạn đã là phí hoài.
Cái chết nên là chấp nhận an bình, lối đi đáng yêu vào trong cái không biết, lời chào tạm biệt vui vẻ với những người bạn cũ, với thế giới cũ. Không nên có thảm kịch nào trong nó…
Bắt đầu bằng thiền, và mọi sự sẽ cứ phát triển trong bạn – im lặng, chân thành, phúc lạc, nhạy cảm. Và bất kì cái gì tới từ thiền, cố đem nó vào cuộc sống. Chia sẻ nó, bởi vì mọi thứ được chia sẻ đều phát triển nhanh. Và khi bạn đã đạt tới điểm chết, bạn sẽ biết không có cái chết. Bạn có thể nói lời tạm biệt, không có nhu cầu về nước mắt buồn rầy – có thể là nước mắt vui sướng, nhưng không buồn rầu.
OSHO
Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.