CAM TOẠI
Tên thuốc: Radix Euphorbiae Kansui
Tên khoa học: Euphorbia Kansut L.
Họ Thầu Dầu (Euphorbiaceae)
Bộ phận dùng: rễ. Rễ từng chuỗi như cái suốt thoi, vỏ sắc vàng hoặc trắng xám. Rễ to, ít xơ, nhiều bột trắng ngà, không mọt là tốt. Thường dùng cây Niệt gió làm Nam cam toại để lợi thuỷ, trục đàm.
Tính vị: vị đắng, tính hàn.
Quy kinh: Vào kinh Thận.
Tác dụng: làm thuốc tiêu thũng, tả thuỷ mạnh.
Chủ trị: thuỷ thũng, trướng đầy, tích đờm.
- Phù và đầy bụng: Dùng Cam toại + Khiên ngưu tử.
- Cổ trướng: Dùng Cam toại + Đại kích và Nguyên hoa trong bài Thập Táo Thang.
- Ứ nước hoặc dịch ở ngực (huyền ẩm): Dùng Cam toại + Đại hoàng, Mang tiêu trong bài Đại Hãm Hung Thang.
- Nhọt, hậu bối: Dùng Cam toại nghiền thành bột, hoà vào nước bôi, đắp bên ngoài.
Liều dùng: Ngày dùng 2 - 4g
Cách bào chế:
Theo Trung Y:
- Lấy rễ giã nát nhỏ dùng nước cam thảo ngâm 3 ngày (nước thành đen như mực) vớt ra ngâm vào nước chảy. Rửa đãi 3 - 7 lần đến khi nước trong thì đem sao giòn (Lôi Công Bào Chích Luận).
- Lấy bột bọc cam toại nướng chín cho bớt chất độc rồi dùng (Bản Thảo Cương Mục).
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Lấy rễ Cam toại ngâm nước vo gạo độ 8 giờ, vớt ra cạo sạch vỏ ngoài, thái lát mỏng, rồi sao với cám (1 cam toại và 1/2 cám) cho vàng giòn (thường dùng). Có thể tán bột.
- Lấy cám ẩm (vẩy qua nước cho ẩm) bọc lấy. Cam toại đã rửa sạch (nếu cần); đốt cháy cám ở ngoài là được.
Bảo quản: dễ sâu mọt, để trong thùng có lót vôi sống, đậy kín.
Chú ý: dạng dùng tốt nhất là dạng viên và bột.
Không được phối hợp Cam toại với Cam thảo.
Kiêng ky: người khí hư, không thực tà cấm dùng.Phụ nữ có thai: không dùng.