HOÀI SƠN
( Radix Dioscoreae Popositae)
Hoài sơn là một vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh với tên Thư dự ( củ khoai ăn được), Hoài sơn ( Rhizoma Dioscoreae) còn có tên khác là: Sơn dược, Khoai mài, Củ mài, Chính hoài là thân rễ của cây Khoai mài ( Dioscorea persimlis) hoặc ( Dioscorea oppsita Thunb,) cạo vỏ sơ bộ chế biến và sấy khô, thuộc họ củ nâu ( Dioscoreaceae).
Củ mài mọc khắp nơi tại các vùng rừng núi nước ta nhiều nhất ở các tỉnh Hà bắc, Hoàng liên sơn, Thanh hóa, Nghệ tĩnh và Quảng ninh. Hiện nay ta cũng đã trồng củ mài để chế thuốc.
Tính vị qui kinh:
Vị ngọt, tính bình. Qui kinh Tỳ Phế Thận.
Theo Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: vị ngọt tính ôn.
- Sách Danh y biệt lục: bình không độc.
- Sách Dược phẩm hóa nghĩa: thuốc sống thì lương, thuốc chín thì ôn.
- Sách Thang dịch bản thảo: nhập túc thái âm kinh.
- Sách Đắc phối bản thảo: nhập thủ túc thái âm kinh khí phần.
- Sách Y học trung trung tham tây lục, Sơn dược giải: nhập Phế, qui Tỳ.
Thành phần chủ yếu:
Saponin, choline, d-abscisin II, vitamin C, mannan, phytic acid.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Hoài sơn có tác dụng ích khí dưỡng âm, bổ tỳ phế thận. Chủ trị các chứng tỳ phế hư nhược, trị chứng tiêu khát thận âm hư.
Theo các sách thuốc cổ:
- Sách Bản thảo cầu chân: " viết Sơn dược . khí tuy ôn mà bình là thuốc bổ tỳ phế âm, có tác dụng nhuận bì mao, trưởng cơ nhục. tính sáp có thể trị do tinh, vị ngọt kiêm mặn, có thể ích thận cường âm, cho nên trong bài Lục vị dùng nó để hổ trợ Địa hoàng".
- Sách Bản thảo kinh độc: " Sơn dược bổ thận ích tinh, tinh đủ thì âm cường, mắt sáng tai thính".
- Sách Bản kinh: " chủ thương trung, bổ hư, trừ hàn nhiệt tà khí, bổ trung ích khí trưởng cơ nhục, uống lâu mắt rõ tai thính".
- Sách Danh y biệt lục: " trị đau lưng, bổ hư lao, gầy còm, làm mạnh ngũ tạng, cường âm, trừ phiền nhiệt".
- Sách Dược tính bản thảo: " bổ ngũ lao, thất thương. trấn tâm thần, bổ tâm khí bất túc".
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: " cường gân cốt,. chủ tiết tinh, hay quên".
- Sách Bản thảo cương mục: " ích thận khí, kiện tỳ vị, cầm tả lî, hóa đờm diện, nhuận bì mao".
- Sách Cảnh nhạc toàn thư, bản thảo chính: " Sơn dược kiện tỳ, bổ hư tư tinh cố sáp".
- Sách Dược phẩm hóa nghĩa: " Sơn dược ôn bổ mà không tụ, hơi thơm mà không táo, tác dụng điều phế, trị phế hư cửu khái, trợ tỳ trị tỳ hư phúc tả, thích nằm, chân tay mệt mỏi, vị ngọt bổ dương, có tác dụng bổ trung ích khí, ôn dưỡng cơ nhục, là vị thuốc chủ yếu của hai tạng Tỳ, Phế".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
Ít có tài liệu nói đến. Theo Đõ tất Lợi chất Mucin hòa tan trong nước trong điều kiện acid và nhiệt độ thích hợp sẽ phân giải thành chất protid và hydrat carbon có tính chất bổ. Ở nhiệt độ 45 - 55độ C, khả năng thủy phân chất đường của men trong Hoài sơn rất cao, trong acid loãng trong 3 giờ có thể tiêu hóa 5 lần lượng đường. Ngoài giá trị dinh dưỡng, thuốc có giá trị giúp tiêu hóa thức ăn chất bột.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị chứng tiêu chảy kéo dài do Tỳ hư, dùng bài:
- Sâm Linh Bạch truật tán ( Hòa tể cục phương): Đảng sâm, Bạch truật, Bạch linh, Sơn dược, Chích Cam thảo, mỗi thứ 80g, sao Biển đậu 60g, Liên nhục, Ý dĩ nhân, Cát cánh, Sa nhân mỗi thứ 40g, Trần bì 30g, tất cả tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 8 - 12g ( trẻ em bớt lượng), với nước sôi nguội, hoặc làm thuốc thang sắc uống.
- Cốm Bổ tỳ ( Trần văn Kỳ): Bạch biển đậu, Ý dĩ nhân, Hoài sơn đều sao, mỗi thứ 200g, Cốc nha, Liên nhục ( bỏ tim) sao mỗi thứ 100g, Nhục đậu khấu 30g, Trần bì, Sa nhân mỗi thứ 20g. Ba vị sau sắc lấy nước, các vị khác tán bột mịn hòa với nước thuốc cùng ít mật đường làm thành dạng cốm. Trẻ em mỗi lần uống 6 - 12g, chia 2 - 3 lần với nước cơm càng tốt. Bài thuốc này có tác dụng kiện tỳ, hành khí, tiêu thực. Trị tiêu chảy kéo dài, trẻ em suy dinh dưỡng đều tốt. Bột Hoài sơn gia nước khuấy thành hồ uống trị tiêu chảy.
- Sơn dược 40 - 80g, gạo tẻ ( lâu năm càng tốt), sao hơi vàng hoặc gạo nếp, sao 50 - 100g, sắc uống.
- Sơn dược 15g, Dĩ nhân 10g tán bột mịn, dùng 1 cái gan gà cắt nhỏ với dao tre trộn thuốc, thêm ít dấm cho vào hấp cơm, chia 2 lần ăn sáng tối. Trị trẻ tiêu chảy kéo dài, hơn 1000 ca kết quả tốt, thường chỉ 3 ngày là khỏi ( Tạp chí Trung y Hồ bắc 1985,5:35).
2.Trị di tinh nhiều lần hoặc phụ nữ bạch đới nhiều: dùng bài Bí nguyên tiễn có tác dụng ích thận cố tinh, chỉ đới.
- Bí nguyên tiễn: Sơn dược, Đảng sâm, Bạch truật, Phục linh, Khiếm thực, Táo nhân, Kim anh mỗi thứ 12g, Viễn chí, Ngũ vị tử mỗi thứ 6g, Cam thảo 4g, sắc uống.
3.Trị viêm phế quản mạn tính: do Tỳ phế hư sinh ho đờm nhiều, trong lỏng, người gầy mệt mỏi, ăn kém hoặc lao phổi thể phế âm hư, dùng bài:
- Nhất vị thự dự ẩm: Sơn dược sống lượng từ 100 đến 200g tùy lớn bé sắc uống trong ngày như nước uống.
- Hòa phế ẩm: Hoài sơn 16g, Đảng sâm 16g, Mạch môn, Phục linh, Bách hợp mỗi thứ 12g, Bắc Hạnh nhân, Chích Cam thảo, Thổ bối mẫu mỗi thưs 10g, sắc uống. Có thể dùng Xuyên Bối mẫu 8g, tán bột hòa nước uống.
4.Trị chứng tiểu đường: thường dùng cho tiểu đường NDI thể nhẹ và trung bình, dùng độc vị như trên dùng bài:
- Sơn dược tiêu khát ẩm: Hoàng kỳ 16g, Hoài sơn 20g, Thiên hoa phấn, Tri mẫu mỗi thứ 12g, Kê nội kim 8g, Ngũ vị tử 6g, sắc uống.
- Ngọc dịch thang: Sơn dược 24g, Hoàng kỳ, Cát căn, Hoa phấn, Tri mẫu mỗi thứ 12g, Kê nội kim 8g, Ngũ vị tử 6g, sắc uống.
- Hoài sơn 30g, Phúc bồn tử, Mạch môn, Thiên hoa phấn mỗi thứ 12g, sắc nước uống.
Liều lượng thường dùng và chú ý:
- Liều thường dùng: 12 - 40g, liều cao dùng đến 80 - 160g, dùng thay nước uống có thể đến 200 - 300g mỗi ngày.
- Cần bổ âm nên dùng thuốc sống, dùng kiện tỳ chỉ tả nên sao vàng.