HOÀNG CẦM
Tên thuốc: Radix Scutellariae
Tên khoa học: Scutellaria baicalenssic Georg
Họ Hoa Môi (Labiatae)
Bộ phận dùng: rễ. Rễ có hai loại: loại rễ già, trong rỗng đen, ngoài vàng gọi là khô cầm; loại rễ non giữa cứng chắc, mịn, ngoài vàng trong xanh và vàng gọi là Điều cầm. Thứ to lớn hơn ngón tay là tốt.
Tính vị: vị đắng, tính hàn.
Quy kinh: Vào kinh Tâm, Phế, Đại trường, Tiểu trường, Can và Đởm.
Tác dụng: thuốc trừ nhiệt, thanh hoả.
Chủ trị: tả thực hoả, thanh thấp nhiệt, trị cảm mạo, hoàng đản, đau bụng.
. Sốt do đờm nhiệt. Hoàng cầm hợp với Hoạt thạch và Thông thảo.
. Hoàng đản: Hoàng cầm hợp với Chi tử, Nhân trần và Trúc diệp.
. Kiệt lỵ hoặc tiêu chảy: Hoàng cầm hợp với Hoàng liên.
. Mụn nHọt đầu đinh: Hoàng cầm hợp với Kim ngân hoa và Thiên hoa phấn.
. Ho do phế nhiệt: Hoàng cầm hợp với Tang bạch bì và Tri mẫu.
. Doạ sảy thai (động thai): Hoàng cầm hợp với Ðương qui và Bạch truật.
Liều dùng: Ngày dùng 6 - 12g, có thể đến 30 - 50g.
Cách Bào chế:
Theo Trung Y: Hoàng cầm sao rượu thì đi lên, tẩm mật heo sao thì trừ hoả trong Can đởm.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Thứ Khô cầm thì bỏ đầu, bỏ ruột đem rửa sạch, ủ kín một đêm cho mềm, thái hoặc bào mỏng 1 -2 ly. Phơi khô (dùng sống); sau khi phơi khô tẩm rượu 2 giờ, sao qua (thường dùng).
Bảo quản: để nơi khô ráo, cần tránh ẩm vì dễ mốc, để lâu bị mọt.
Kiêng kỵ: Không dùng trong những trường hợp Tỳ Vị hư hàn và không có thấp nhiệt, thực hoả.
Chú ý: Thuốc sống được dùng để thanh nhiệt an thai. Thuốc sao tẩm rượu được dùng để cầm máu, thuốc đốt tồn tính được dùng thanh nhiệt ở thượng tiêu.