-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thương hiệu: YduocNHH Loại: (Đang cập nhật ...)
Thứ nhất, biện luận điều trị của đông y nhắm vào yếu tố cơ địa của từng cá nhân, vì vậy việc lựa chọn loại thuốc cũng như liều lượng trong đơn thuốc có thể tăng hoặc giảm là tùy theo từng cá nhân.
Thứ hai, theo quan điểm của đông y, những gì chúng ta gọi là bệnh là đại diện cho toàn bộ quá trình của biến đổi bệnh lý, trong khi một hội chứng sẽ phản ánh bệnh lý của bệnh đó ở giai đoạn nhất định. Trong đông y, hội chứng bao gồm các dấu hiệu và triệu chứng mất cân bằng theo tiêu chuẩn chẩn đoán của đông y, thường được gọi là thể bệnh. Thầy thuốc đông y sẽ điều trị theo một hội chứng (thể bệnh) của bệnh đó thay vì điều trị bệnh.
Ví dụ, bệnh cảm mạo, theo đông y gồm có các hội chứng (thể bệnh): thể phong hàn, thể phong nhiệt hoặc thể cảm mạo do cơ thể suy yếu, phương án điều trị tương ứng với mỗi thể bệnh sẽ khác nhau. Cụ thể: thể phong hàn thì dùng phương án khứ phong tán hàn, thể phong nhiệt thì dùng phương án khứ phong thanh nhiệt, thể cảm mạo do hư suy thì dùng phương án phù chính khứ tà, tăng cường ích khí cố biểu trị liệu. Vì vậy các đơn thuốc cũng sẽ khác nhau để điều trị "bệnh cảm mạo" này.
Các loại thảo dược được cho là có 4 tính: Lạnh, mát, ấm, và nóng. Vậy thực phẩm trong chế độ ăn uống hàng ngày có 4 tính chất như thế không?
Thuốc và thực phẩm đều có nguồn gốc giống nhau và cả hai đều có thể được sử dụng như thuốc. Trên thực tế, hầu hết các loại thực phẩm có tính bình. Tuy nhiên một số thực phẩm cũng có thể được phân loại thành hàn, lương, ôn, và nhiệt.
- Thực phẩm có tính hàn bao gồm măng, chuối, mướp đắng, ngao, cua, bưởi, tảo bẹ, rau diếp, dưa, thơm, hồng, muối, rong biển, khế, mía, hạt dẻ nước, dưa hấu và củ sen,…
- Thực phẩm có tính nhiệt bao gồm hạt tiêu, ớt, quế, hạt bông, gừng và hẹ,…
Điều quan trọng là nên biết về các tính của thực phẩm bởi vì thực phẩm với tính năng khác nhau sẽ tác động lên cơ thể con người theo những cách khác nhau và ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe. Nếu một người bị bệnh thấp khớp thể hàn, thường đau khớp, đặc biệt đau tăng vào mùa đông thời tiết lạnh, thì nên ăn thực phẩm có tính ôn hoặc nhiệt sẽ làm giảm đau đáng kể. Hoặc nếu một người thường bị phát ban làm cho da xấu đi khi tiếp xúc với nhiệt, thì nên ăn loại thực phẩm có tính mát và lạnh để làm giảm triệu chứng.
Đông y sử dụng các loại thảo mộc để điều trị bệnh nhưng không phải trên cơ sở của các thành phần hóa học của chúng. Vậy thì, dựa vào những nguyên tắc gì để điều trị bệnh trong đông y?
Đây là sự khác biệt lớn giữa y học phương Tây và y học phương Đông. Nói chung, phương pháp điều trị của đông y tập trung vào tình trạng tổng thể của cơ thể, chứ không phải là xác định tác nhân gây bệnh cụ thể gây ra tình trạng đó.
Dựa vào những nguyên tắc chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, thầy thuốc sẽ khám và quy nạp tất cả các tính chất, vị trí, sự thay đổi bệnh lý, cũng như quá trình của bệnh vào tám cương lĩnh (bát cương) đó là: âm, dương, biểu (bên ngoài), lý (bên trong), hàn, nhiệt, hư (thiếu hụt, suy yếu) và thực (dư thừa, ứ trệ). Sau đó, họ dựa vào một số thuộc tính của thảo dược để soạn thảo các đơn thuốc thích hợp. Thuộc tính của mỗi loại thảo dược dựa vào: Tính, vị, thăng, giáng, phù, trầm, quy kinh.
Tính (tứ khí): Lạnh, nóng, ấm, và mát;
Vị: Cay, ngọt, chua, đắng, mặn;
Tính chất di chuyển: Thăng (đi lên), giáng (đi xuống), phù (nổi, đi ra ngoài), trầm (chìm, đi vào trong);
Quy kinh: Khả năng đi vào một kinh mạch nhất định (đích tác dụng).
Thầy thuốc sử dụng các thuộc tính của các loại thảo mộc để kích thích sự tự phục hồi năng lượng của cơ thể, và làm cho cơ thể trở lại trạng thái cân bằng. Tính chất chữa bệnh của các thuốc được xác định qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm.
Dựa vào thuộc tính của các loại thảo dược để chống lại thuộc tính đối lập của bệnh, và thực hiện những thay đổi cơ thể đến một sự cân bằng mới. Ví dụ, các loại thảo mộc có thể điều trị hoặc loại bỏ nhiệt hoặc hội chứng nhiệt, chủ yếu có tính chất lạnh hoặc mát, chẳng hạn như hoàng cầm hoặc bản lam căn. Các loại thảo mộc có thể điều trị hoặc loại bỏ hội chứng hàn, chủ yếu có tính chất ấm hoặc nóng, chẳng hạn như phụ tử và gừng khô.
Trong sách Thần Nông bản thảo (sách cổ điển nói về dược thảo) cho rằng: "Trị hàn dùng thuốc nhiệt, trị nhiệt dùng thuốc hàn". Sách Nội kinh-Tố vấn cũng nói: "Hàn thì dùng nhiệt, nhiệt thì dùng hàn". Đây là những nguyên tắc cơ bản trong việc quy định sử dụng thuốc để điều trị trong đông y.
Người ta cho rằng các loại thuốc đông y không có tác dụng phụ và sử dụng chúng trong một thời gian dài sẽ không gây tổn hại cho sức khỏe. Và ngay cả khi dùng thuốc không phù hợp với các triệu chứng, nó cũng không làm hại nhiều. Điều này có đúng không ?
Trong điều trị bệnh, thuốc đông y có khả năng khôi phục lại sự cân bằng âm dương của cơ thể thông qua thuộc tính khác nhau của nó. Tất cả các loại thuốc đều có thuộc tính riêng và có một mức độ độc tính nhất định. Sử dụng không đúng sẽ gây tác dụng phụ cho cơ thể và làm rối loạn cân bằng âm dương.
Có phải thuốc đông y luôn là thuốc sắc ở dạng lỏng và có vị đắng hay không?
Thuốc đông y thường được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào cách chế biến. Các hình thức phổ biến nhất là: Thuốc thang (sắc ở dạng lỏng), cao, đơn (viên tròn nhỏ), hoàn (viên tròn), tán (dạng bột), dạng xi-rô, dạng cốm, rượu, viên dẹt… Trong ứng dụng lâm sàng, các hình thức thích hợp sẽ được quy định theo tính chất của bệnh.