-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thương hiệu: (Đang cập nhật ...) Loại: (Đang cập nhật ...)
LOÉT MIỆNG
“Loét miệng” là trong khoang miệng xuất hiện một hay nhiều vết loét. Dân gian hay gọi nôm na là “nhiệt miệng”, vì bệnh luôn kèm theo nóng rát và đau. Hiện nay, y văn thế giới thường phân biệt 2 loại loét miệng: “Loét mụn rộp” (cold sores) và “loét ap-tơ” (aphthous ulcer). Loét mụn rộp (bào chẩn, herpes) phát sinh do nhiễm phải loại virus có tên herpes simplex, tổn thương luôn bắt đầu xuất hiện ở môi, có thể kéo dài trên 2 tuần cho đến vài tháng và thường để lại sẹo sau khi lành. Ở đây chỉ nói về loét miệng aptơ, loại bệnh hay gặp nhất ở niêm mạc miệng.
Nguyên nhân gây loét miệng
Loét miệng ap - tơ khởi phát với cảm giác ngứa và bỏng rát ở niêm mạc trong má, hay ở bờ hoặc mặt dưới lưỡi, lợi, môi, sàn miệng, vòm khẩu cái... Sau đó hình thành một hay vài vết loét, nông hoặc sâu, ranh giới rõ rệt, niêm mạc chung quanh vết loét sưng tấy đỏ. Đau là triệu chứng điển hình và luôn có, nên thường gây khó chịu trong khi nói và nhai thức ăn, nhất là khi ăn những thức ăn cay, mặn. Bệnh thường kéo dài trong vòng từ 7-10 ngày rồi tự khỏi, khi khỏi thường không để lại sẹo, nhưng rất hay tái phát, ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt, cũng như công việc.
Y học hiện tại vẫn chưa xác định được rõ, các nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh loét miệng. Tuy nhiên, có một số nhân tố được coi là nguyên nhân gây bệnh, như tình trạng thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không đúng cách, dẫn đến tình trạng thiếu vitamin C, PP, B6, B12, kẽm và acid folic. Do rối loạn nội tiết ở phụ nữ, khi hành kinh, mang thai, ở độ tuổi mãn kinh; Nhiễm khuẩn hay virus khi niêm mạc miệng bị tổn thương do xương đâm, răng cắn vào; Do các bệnh tiêu hóa, do di truyền, thần kinh căng thẳng, một số loại thuốc... Phương pháp chữa trị chủ yếu là giảm đau, vì là triệu chứng khó chịu nhất. Ngoài ra, còn sử dụng một số loại nước súc miệng, thuốc mỡ bôi tại chỗ và một số thuốc tác dụng toàn thân.
Bệnh loét miệng, trong Đông y gọi là “Khẩu sang”. Bệnh danh “Khẩu sang” xuất hiện đầu tiên trong Nội kinh, bộ sách lý luận kinh điển cổ nhất của Đông y học cách nay hơn 2.000 năm. Trong các y thư cổ đời sau, bệnh còn được đề cập với những tên khác, như “Khẩu dương”, “Khẩu phá”, “Khẩu cam”, “Khẩu vẫn sang”, “Nha sang”...
Theo quan niệm của Đông y học, “Khẩu sang” tuy là dạng bệnh biến cục bộ (chỉ phát sinh trong khoang miệng), nhưng có liên quan tới hoạt động của các tạng, phủ trong cơ thể, nhất là 2 tạng tâm và tỳ. “Tâm tỳ tích nhiệt” (nhiệt tích đọng tâm và tỳ) thường gây ra loét miệng, vì tâm thông với lưỡi (khai khiếu) và tỳ thông với miệng. Ngoài ra, tình trạng bệnh lý mà Đông y gọi là “Âm hư hỏa vượng” (âm dịch hư tổn, không đủ sức cân bằng, kiềm chế dương khí), khiến “hư hỏa” bốc lên trên, cũng thường hay gây ra loét miệng.
Biến chứng luận trị
Tâm tỳ tích nhiệt
Biểu hiện (chứng trạng): trên niêm mạc miệng xuất hiện tương đối nhiều vết loét, kích thước khác nhau. Trên mặt vết loét có chất dịch phân tiết màu vàng nhạt, niêm mạc quanh vết loét sung huyết đỏ tươi, kèm theo nóng rát, đau nhức. Thường kèm theo cảm giác bồn chồn, mất ngủ, miệng hôi, khát nước, đại tiện táo bón, tiểu tiện vàng sẻn. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch sác (nhanh - trên 90 lần/phút).
Phép chữa: thanh nhiệt giải độc.
Bài thuốc thường dùng:
Mao lô huyền sâm ẩm: bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, lô căn (rễ lau) 30g, huyền sâm 10g. Thêm 1 lít nước, sắc lấy 450ml, chia ra nhiều lần, uống thay trà trong ngày. Liên tục 3 - 4 ngày. Thích ứng với những trường hợp bệnh phát tương đối nhẹ.
Cầm liên đạo xích thang: hoàng liên 6g, chi tử (dành dành) 10g, hoàng cầm 10g, sinh địa hoàng 15g, mạch môn đông 10g, liên tử tâm (tâm sen) 5g, mộc thông 6g, trúc diệp 5g, sinh cam thảo 6g. Thêm 1 lít nước, sắc lấy 450ml, chia ra 3 lần uống sáng, trưa, chiều, lúc đói bụng. Mỗi ngày 1 thang. Liên tục 4-5 ngày. Dùng trong trường hợp bệnh phát tương đối nặng.
Món ăn - thuốc: củ cải tươi 1.000g, ngó sen tươi 500g. 2 thứ rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, ngậm và uống dần trong ngày.
Âm hư hỏa vượng
Biểu hiện: miệng đau rát, số vết loét tương đối ít, thường chỉ có 1-2 vết, nhưng dễ tái phát, hoặc vết này khỏi lại sinh vết khác, triền miên không dứt. Vết loét trắng nhợt, niêm mạc chung quanh vết loét chỉ hơi sưng, đỏ nhạt hoặc không đỏ. Chất lưỡi đỏ, khô; rêu lưỡi ít; Mạch tế sác (nhỏ, nhanh).
Phép chữa: tư âm giáng hỏa (dưỡng âm hạ hỏa).
Bài thuốc thường dùng:
Tri bá địa hoàng thang gia giảm: sinh địa hoàng 10g, thục địa hoàng 10g, sơn thù 6g, sơn dược 15g, huyền sâm 15g, mạch môn đông 15g, bạch thược 15g, đương quy 12g, xuyên khung 6g, hoàng bá 10g, tri mẫu 10g, đan bì 12g, trạch tả 10g. Thêm 1,2 lít nước, sắc lấy 450ml, chia ra 3 lần uống sáng sớm, trưa, chiều; lúc đói bụng. Mỗi ngày 1 thang, liên tục 4-5 ngày.
Địa hoàng địa cốt bì thang: sinh địa hoàng 15g, tri mẫu 6g, hoàng bá 6g, huyền sâm 10g, mạch môn 10g, sinh sơn dược 10g, đan bì 6g, sinh mẫu lệ (sắc trước) 20g, trạch tả 10g, địa cốt bì 10g, nữ trinh tử 10g. Thêm 1,2 lít nước, mẫu lệ sắc trước khoảng 20 phút, sau cho các vị thuốc còn lại vào sắc tiếp. Sắc lấy 400ml, chia ra 2 lần uống, sáng sớm và chiều tối, lúc đói bụng. Ngày uống 1 thang, liên tục 4-5 ngày. Trà thuốc: sinh địa 9g, tâm sen 6g, cam thảo 6g, sắc nước uống thay trà trong ngày.
Nghiệm phương
Dùng lá dạ cẩm: hái một nắm lá dạ cẩm non, rửa sạch, hong khô, lấy từng nhúm nhai nát, ngậm một lúc, nuốt chút nước cốt rồi nhổ bã đi, ngày ngậm 3-4 lần; Hoặc giã nát lá, vắt lấy nước cốt ngậm, uống dần. Một số địa phương, dân gian thường dùng lá dạ cẩm nấu với gạo nếp thành xôi ăn; Xôi có màu tím đẹp, lại có tác dụng chữa viêm loét miệng lưỡi và viêm họng.
Dùng lá bọ mẩy: hái một nắm lá bánh tẻ từ cây bọ mẩy, rửa sạch, hong khô, giã nát, cho vào một cái bát, đổ ngập mật ong, ngâm khoảng 30 phút, dùng để ngậm dần, mỗi lần ngậm khoảng 5-10 phút, có thể nuốt nước, sau nhổ bỏ bã.
Dùng kê nội kim (màng mề gà): kê nội kim thiêu tồn tính (cho vào chảo hoặc nồi gang rang đến khi bên ngoài cháy đen, nhưng bên trong vẫn giữ nguyên chất thuốc), nghiền mịn, ngày bôi vào chỗ vết loét 3 lần. Kết quả thu được: toàn bộ bệnh nhân sau khi bôi từ 2- 4 lần thì hết đau, bôi từ 3-10 ngày thì bệnh khỏi hoàn toàn.
Dùng bột ngô thù du: ngô thù du 12g, nghiền mịn, trộn với giấm thành bột nhão, trước khi nằm ngủ đắp lên huyệt dũng tuyền (gan bàn chân) ở 2 bàn chân, dùng ni lông phủ lên, sau dùng băng dính cố định lại, qua 24 giờ thì gỡ ra, làm liên tục 3 ngày